Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

HƠI THỞ

        Lọt lòng mẹ là thở. Rồi khóc. Mãi sau mới bú. Một năm sau mới ăn. Mọi sinh vật đều thở đều đặn liên tục suốt cả quãng đời, kể cả trong khi ngủ, thậm chí cả khi hôn mê. Trong khi đó ăn và uống thì có thì có bữa.
    Con người có thể nhịn ăn cả tuần, có thể nhịn uống vài ba ngày hoặc hơn, nhưng không thể nhịn thở quá vài ba phút. Các sinh vật khác cũng vậy. Thế mới hay cái sự thở quan trọng nhường nào.
   Các nhà khoa học đã tính được rằng khí thở chiếm tới 87% tổng lượng vật chất mà con người hấp thụ từ môi trường. Còn lại thức ăn và nước uống chỉ chiếm có 13%.(*) Vậy mà không mấy ai để ý đến hơi thở, ngược lại thường để tâm để sức vào việc tìm kiếm thức ăn, và thưởng thức nhấm nháp món ăn miếng uống.
    Có vẻ như có cái gì đó mâu thuẫn ở đây. Phải chăng vì khí thở miễn phí mà không trọng, vì dưỡng khí vô biên mà không quý, vì không khí không màu không mùi không vị mà không để ý để tâm. Nhưng rồi đến một ngày ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thức ăn nước uống, ô nhiễm cả không khí, con người cảm thấy hôi hám ngột ngạt mới chợt nhận ra rằng không khí trong lành mà Thượng Đế đã ban cho quý giá biết bao.
    Nhớ lại hơn năm mươi năm trước, thầy tôi- Cụ Sầm Văn Phú có dặn tôi rằng: "Dưỡng khí nói riêng, sinh khí nói chung là vô biên trong trời đất. Trong lục phủ ngũ tang chỉ có tạng phế là có thể điều khiển được. Vậy thì hãy để tâm điều chỉnh hơi thở sao cho thâu nhận được tối ưu sinh khí của đất trời". Tôi luôn ghi nhớ lời thầy nhưng quả thật chưa thực hành được bao nhiêu. Cũng may cái phổi của tôi vẫn ổn cho tới lúc này.
                                                                           17/12/2024


(*) Không khó để tính khối lượng vật chất thu nhận qua hơi thở từ thông số dung lượng thở X nhịp thở X thời gian 24h X nhân tỉ trong không khí. Con số thật đáng nể: xấp xỉ trọng lượng cơ thể. Rất tiếc không mấy ai biết đến hay nghĩ tới điều này. Tôi cũng có thể tính mà đã không nghĩ tới, nên gần tám mươi tuổi rồi mới đặt phép nhân. Tiếc nữa là các trường, các thầy cô cũng không giảng dạy điều này. 

 

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2024

BÊN HỒ GƯƠM 2011

 Những chủ nhật mùa hè
bên Hồ Gươm hai không mười một
bạn bè nhắc nhở nhau về Hoàng Sa- Trường Sa- Gạc Ma
và hô vang đả đảo Trung Quốc xâm lược.

Nhà cầm quyền có lúc để yên
có khi bắt bớ và đàn áp
những người biểu tình vẫn bình tĩnh tự tin
dẫu không hẹn mà tuần sau lại gặp

Mười mấy năm rồi
vẫn nhớ hai không mười một
nhớ những người trước đó chưa từng gặp mặt
mà sao như đã thân quen
                               16/12/2024

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2024

ƯỚC MƠ CON

            Người xưa nói:"Năm mươi không làm nhà; Sáu mươi không trồng cây; Bảy mươi không may áo". Hắn cũng thấm điều này. Đã từ lâu hắn không may áo. Đã từ rất lâu hắn không cầm nắm đồng tiền. Nhưng mà hắn vẫn có một niềm ước mơ nho nhỏ.
     Hắn ước một mẳnh vườn dưới chân đồi, đồi ở đâu cũng được; đặt một chiếc container làm chỗ ở; và lợp mái che một khoảnh sân để bày dăm ba món lũa... 
     Nếu còn đất trên đồi hắn sẽ trồng sim- giống sim nếp quả chín múp míp tròn lẳn và ngọt lịm. Hắn sẽ trồng sim theo những hoa văn hình học, rồi ở tâm những hoa văn đó hắn trồng một gốc hoa cắt tỉa tạo hình, có thể là mộc, là tường vi, hay nguyệt quế, là mai, là đào, hoặc nồng nàn hoang vu hơn là dẻ...
     Nếu còn đất nữa, sẽ trồng quế hoặc trồng lim, trồng lát... Mỗi ngày trồng vài ba cây, lâu dần dăm ba năm có cả ngàn cây. Ơn trời, năm, mười năm sau là cây sẽ thành rừng...  
     Không biết hắn có chờ được tới ngày đó. Không sao, rừng để lại cho đời.  
                                                                                      10/11/2024
* Hắn nói điều này với vợ, thì nàng gạt đi mà rằng: Ông già rồi, đừng viễn vông nữa. Hắn không dám nói với con vì biết chúng chỉ thích chung cư. Hắn đưa lên trang blog để có ai đồng cảm và có điều kiện thì làm. Xin cảm ơn nhiều.

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

XIN CẢM ƠN NGƯỜI

    Già rồi nghĩ lại thấy mình chịu ơn nhiều người. Phần lớn là người thân quen, là người mình biết, mình nhớ được. Lại cũng có người mình chỉ gặp một lần, thoáng qua, mà chịu ơn, không đền đáp được. Xin ghi lại vài ba lần may mắn được gặp người như vậy.
   1. Hơn bốn mươi năm trước, tôi đi tàu xuống ga Vinh, rồi cuốc bộ theo đường Trần Hưng Đạo trước cửa ga để hướng về Bến Thủy. Vừa rẽ vào đường Nguyến Thái Học một chặng ngắn thì có cháu trai chừng mười lăm tuổi đi xe đạp dừng xe sát bên tôi và nói: - Bác về đâu, cháu đèo.
  - Cảm ơn cháu, bác về Bến Thủy, để bác đèo cho.
  - Không, cháu đèo được mà. Bác lên xe nha.
  Về tới gần cầu Thông thì cháu dừng xe. - Nhà cháu đây rồi, bác đi tiếp nha. Tôi cảm ơn cháu và ngỏ lời gửi cháu chút tiền công nhưng cháu quyết không nhận. Rồi cháu lên xe đi hút vào con ngõ nhỏ.

   2. Ngay mới nghỉ hưu tôi ở Đông Anh. Nhân có dịp rỗi tôi đưa hai con sang Hà Nội thăm chùa Một Cột, thăm ao cá Bác  Hồ, và thăm đền Quán Thánh. Tôi gửi xe cho bà bán quán nước trước cổng đền rồi  vội theo hai con vào trong. Khi ra tôi tá hỏa vì không tìm thấy chìa khóa xe. Thấy vậy bà bán quán mới nói: - Lúc nãy chú vội, quên không rút chìa khóa, tôi đã cất hộ rồi.
  Tôi cảm ơn bà và muốn tạ ơn nhưng bà chỉ nhận tiền trông xe còn thì không chịu nhận thứ gì.

   3. Chín năm trước, cha con tôi vào Huế thì xe hết xăng. Đang cắm cúi đẩy xe đi tìm cây xăng thì có chàng trai sáp tới bảo: - Ông chờ con tí, con mua xăng cho. Lát sau cháu đem tới chai xăng một lít. Tôi muốn trả thêm tiền cho cháu nhưng cháu chỉ chịu nhận có 14k, rồi phóng xe đi.

   4. Cũng là xe hết xăng, nhưng lần này thì ở Đà Nẵng. Cũng một chàng trai sáp tới bảo: - Ông ngồi lên xe, cháu đây cho.
  - Có chắc không cháu?
  - Ông yên tâm, cháu đẩy quen rồi.
Qua ngã tư, đi tới chút nữa thì cháu nói: - Cây xăng bên phải ông nha. Tôi dừng được xe, quay lại thì không thấy cháu đâu nữa. Muốn cảm ơn cháu một lời mà không kịp.

   Bởi vậy tôi ghi lại đây để một lần nữa biết ơn những người đã giúp mình mà không có cơ may gặp lại. Nhớ lại thấy người thương tôi gặp ở đời nhiều lắm. Xin cảm ơn người, Xin cảm ơn đời.
                                                  8/7/2024

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2024

LẰN RANH GIỮA THÔ VÀ MỊN

       Vật chất thô với đặc tính rời rạc và đếm được là thứ mà chúng ta dễ dàng nhận biết bằng các giác quan. Chúng ta hiểu chúng, sử dụng chúng, và hơn thế, ở một chừng mực nào đó còn chế ngự được chúng. Người Âu Mỹ rất giỏi việc này. Từ thời Acsimet, đến Ị J. Newton, T, Edison, N. Tesla... cho tới A. Einstein và rất nhiều các nhà khoa học khác với vô số các thiết bị đo đếm và máy móc công cụ.
     Khi A. Einstein đưa ra tiên đề thừa nhân vận tốc ánh sáng trong chân không ( hằng số C) là giới hạn vận tốc của vật chất thô, cũng có nghĩa là sóng điện từ với lưỡng tính sóng - hạt chính là lằn rạnh cuối cùng của loại vật chất này. Vượt qua lằn ranh ấy sẽ không còn hạt mà chỉ có sóng. Cũng qua lằn ranh này, vật chất không còn rời rạc và đếm được mà sẽ là liên tục trù mật và không đếm được. Và ở đấy, vận tốc truyền thông tin là không giới hạn. Ấy là miền của vật chất mịn.
    Vật chất mịn vì không đo đếm được nên các nhà khoa học thực chứng không có cách gì tiếp cận. Cũng có thể vì thế mà loài người chỉ biết có vật chất thô và mải mê chạy theo , thậm chí còn tôn sùng chúng đến độ cho rằng "vật chất (thô) quyết định ý thức". Nhưng ngụp lăn mãi và vẫn bế tắc trong "duy vật biện chứng" với sự tha hóa của đạo đức, sự xuống cấp của môi trường tự nhiên... con người dần nhận ra giới hạn của vật chất thô và giới hạn của chính mình.
    Con người cũng đang ở giữa lằn ranh: chạy theo thô hay tin ở mịn?. Mịn có trong có đục, có thiện có ác. Giữa chốn ta bà con người không đủ tỉnh thức, không biết lựa chọn thứ gì và đang không biết hướng về đâu.
                                                                          14/6/2024

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2024

DỊ TƯỢNG

    Mồng một tết, sau sự kiện Đồng Tâm, tôi có viết:

Đêm ba mươi sấm chớp đùng đoàng ngao ngán nỗi Đồng Tâm không có tết.
Sáng mồng một mưa dầm sùi sụt tê tái lòng Hà Nội thiết chi xuân.
Hôm qua, Hà nội sấm sét liên hồi ba giờ liền, hiện tượng chưa từng có, không biết ứng điều chi?
Phải chăng sẽ lại có Đồng Tâm?
6/6/3024

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2024

TÂP VÀ HỌC

    Tập lẫy, tập bò, tập ăn dăm, tập đi, tập nói... Cứ thế rồi lớn dần,  tập chạy, tập bơi, tập nhảy. Tập là thử và sai, cho tới lúc nhận ra cái thuận, cái phải, cái đúng.  Biết bao kĩ năng sống cần phải tập, và sự tự tập đã đến trước sự tự học rất nhiều.
     Học, chủ yếu là từ khi đến trường đến lớp. Ở đó có người dạy, theo một bài bản nhất định, và trẻ được (bị) học những gì đã dạy. Và trò học rồi mới tập. Thậm chí phần tập có khi còn bị xem nhẹ.
    Nhờ tập mà học là học những điều không nói nên lời. Là học trong thầm lặng, khổ đau, cực nhọc... Học trong sự tập cho tới khi thuần thục, không còn thấy khổ, không thấy đau, không thấy cực nhọc... 
    Xưa nay chúng ta quen dùng hai từ học tập. Tôi chưa nghe ai nói ngược lại. Nay sư Minh Tuệ nói TẬP HỌC, nghe lạ quá. Ngẫm mãi, mới thầy cái hay, cái ý sâu xa của nó trong tu tập. Tâp để mà học. Học để biết khổ mà diệt khổ.
   Và phải chăng diệt được khổ là tiệm tiến đến Đạo.
                                                    2/6/2024

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2024

TRỰC CẢM VỀ NGÀI MINH TUỆ

      Vào thời mạt pháp, lẫn lộn trắng đen, thật già thì sự xuất hiện của Thích Minh Tuệ như là một liều thuốc thử: đâu đúng đâu sai, đâu tà đâu chính. 
     Và chuyến đi của Ngài như một cuộc thăm dò xem lòng dân đang khao khát điều chi?
      Giữa "một bầy sâu "ăn không từ một thứ gì" Ngài là một phản đề thanh tịnh.
      Và nữa, Ngài đã khởi lên một Đức tin cùng nguồn cảm hứng sáng tạo cho biết bao người.
       Dẫu thâm tâm Ngài không hề nghĩ tới những điều này.

26/3/2024

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2024

YÊN LÒNG KHÔNG EM

   Gặp nhau, các cô gái vùng cao thường được hỏi chào:
   -Dến xây bò noọng?  Có nghĩa là Lạnh lòng không em? Nhưng, đúng ra không phải là hỏi mà là bày tỏ mối quan tâm, thân mật.
   Câu hỏi chào này còn có nghĩ là : Có bị sốt rét không? Vì vùng cao ngày xưa nhiều người bị sốt rét. Mà sốt rét thì rét từ trong ruột rét ra. Thành thử mới lo lắng mà thăm hỏi nhau như vậy.
    Anh Đào Nguyên Kỷ, dạy văn, đã dịch thoát nghĩa câu này là: Yên lòng không em. Một câu chào hỏi rất hay. Thân thương, nhẹ nhàng, tình cảm.
     Tôi ấn tượng với lời hỏi chào này và tình ý câu dịch nghĩa của anh Kỷ, nên tôi có viết một ca khúc với tựa đề  YÊN LÒNG KHÔNG EM.
 Xin chép lại ca từ:
Yên lòng không em. Dến xây bò noọng
Yên lòng không em, về thăm quê chúng ta
Liệp nậm moi pá, cá vờn ánh trăng
Liệp na moi  khầu lúa lên xanh tốt
Đường băng qua dốc, điện sáng trời sao
Mênh mang rừng quế tinh dầu ngát hương
Ai về mương bản giám pọ giám mẹ
Ai về mương bản vấn vương trong lòng
Gặp em bên suối dến xây bò noọng...
          (2007 Nhân 40 năm thành lập trường  C3 Quế phong tôi đã hát tặng ca khúc này.)

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2024

CỦI

     Từ bé tôi đã theo mẹ xuống hố xuống hác để nhặt củi khô từ các nhánh cây trên cao rụng xuống. Làng tôi có lệ, hố hác là của chung, không ai được bẻ cành chặt cây ở đó. Đến thời con gái tôi, theo bạn vào rừng kiếm củi, cũng chỉ nhặt những cành khô.
    Thuở xưa củi khô còn nhiều, nên người hái củi có nhiều lựa chọn. Chọn cỡ củi vừa đun, vừa bếp; chọn cây củi thẳng, dễ bó dễ vác; chọn loại củi đượm, ít khói, ít mùi; và tránh củi mục, củi độc. Dân quê tôi ngày ấy kỹ tính còn chọn riêng củi vọt là để nấu bánh chưng ngày tết, củi nè dành để nấu nước chè xanh...
     Giờ thì củi hiếm rồi, người ta dùng bếp ga bếp điện, tiện lợi hơn nhiều. Phần đông không ai nhắc đến củi, chỉ còn lớp người xưa hoài niệm xa xôi...

    Thế rồi đến lúc lò lạ được nhóm lên. Củi khô cháy, củi tươi cũng cháy. Củi cành cháy, củi gộc cũng cháy. Cháy rừng rực nhưng chẳng để đun nấu gì, chỉ để cháy suông. Vả lại, củi này mục, và độc nên khói lên ngùn ngụt, bốc mùi khét lẹt, ô nhiễm cả đất trời. Nghẹt thở. 
     Từ thuở khai thiên lập địa, chưa bao giờ thấy loại củi này. Lạy trời cho qua kiếp nạn. 
  13/5/2023

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

THIÊN ĐƯỜNG CHUỘT

 

    Thí nghiệm "Thiên đường chuột" được thực hiện bởi John Calhoun trong 11 năm, và được công bố từ nửa thế kỉ trước (1973) cho thấy:

    Trong điều sống lý tưởng về ăn ở, đàn chuột phát triển rất nhanh, nhưng rồi tới lúc chúng bị rối loạn hành vi và chỉ sau khoảng 600 ngày chúng tự tuyệt diệt.

   Đọc xong bài này, tự dưng tôi liên tưởng: Nếu có một ngày loài người, hoặc một nhóm nào đó của nó  được " hưởng theo nhu cầu" thì có thể lại  xảy ra điều tương tự !?.

6/5/2024

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2024

RƯỜNG CỘT

    Ngôi nhà bền chắc cốt ở rường cột. Thuở rừng còn nguyên sinh, rường cột được làm bằng tứ thiết: đinh, lim, sến, táu. Nếu là gỗ vườn thì phải là lõi mít, không nữa phải là xoan già ngâm kỹ, không lo mối mọt.
    Các loại gỗ tạp chỉ dùng để làm lán trại tạm thời, hoặc dùng làm cọc rào, làm củi. Cũng có đôi khi do chủ nhà không rành, hoặc do thợ cố dấu mà lỡ có cột kèo nào làm bằng gỗ tạp, thì rồi mối mọt sẽ xông. Khi đó không dễ gì thay thế, nặng nữa thì sụp hẳn ngôi nhà.
     Giờ thì rừng bị tàn phá, không còn tứ thiết để làm rường cột nữa. Có thể có những cây non mới gieo lại từ giống tứ thiết nhưng chưa đủ già đủ rắn. Nếu cố dùng thì vẫn hỏng.
   Đến thời sắt thép bê tông sẽ thay. Mối mọt không lo nhưng rỉ sét vẫn có. Chủ mà không rành, thợ mà vô tâm thì rồi rường cột vẫn hỏng. 
    Thì ra rường cột cốt ở con người.
                       4/5/2023

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2024

ĐỔI TÊN LÀNG

 Làng tôi xưa tên gọi là Văn Phú. Nay đổi thành Chi Phú. Trong mối râm ran đổi tên làng tên xã, tôi chợt nghĩ :
      Xưa Văn Phú là nhờ văn mà phú
      Nay Chi Phú không biết phú cách chi.
                                          20/4/2024

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2024

CHỌN CỘT CỜ

    Dân gian có câu: So đũa chọn cột cờ. 
    Dẫu có so kiểu gì, sáng suốt lựa chọn tới đâu, thì cột cờ cũng chỉ cao bằng chiếc đũa.
   Ra khỏi xó bếp, nhìn rộng nhìn xa hơn nữa, có thể vào tận rừng sâu mà tìm và lựa chọn, chắc chắn sẽ có cột cờ cao, thẳng và bền vững hơn nhiều.
    

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

THỂ CHẾ LÀ THÔ HAY MỊN

    Bài "Thể chế là gì..." trên trang Luật Việt Nam, ngày 24/11/2023, có viết:
     "Thể chế là hệ thống gồm các nguyên tắc, quy định, các luật lệ,... Thể chế được sử dụng để định hướng sự phát triển của một tổ chức hay một nhà nước, ở những lĩnh vực nhất định trong xã hội".
    "Thể chế là sản phẩm của một chế độ xã hội, thể hiện bản chất và chức năng của Nhà nước lãnh đạo. Mỗi quốc gia sẽ có một thể chế riêng, được quy định trong văn bản pháp luật, có giá trị pháp lý cao nhất ở quốc gia đó. Thể chế định hướng sự phát triển của chế độ chính trị đúng đắn theo mục tiêu của quốc gia".
     Với định nghĩa này thì:
   - Thể chế là một hệ thống các quy tắc, luật lệ...
   - Thể chế là một sản phẩm của chế độ xã hội...
   - Thể chế là một công cụ hay một phương tiện định hướng...
    Theo thói quen trong tư duy, tôi nghĩ: Vậy thì thể chế là vật thể hay phi vật thể?, là liên tục hay gián đoạn, rời rạc hay dày đặc?, là hữu hạn hay vô hạn, là đếm được hay không đếm được? là thô hay là mịn?
   Ở đâu đó tôi đã viết: Bút mực là thô, chữ viết cũng thô, nhưng ý nghĩa của câu chữ là mịn. Cuốn sách in hiến pháp là thô nhưng ý nghĩa của các điều luật là mịn. Cái gọi là sản phẩm của chế độ xã hội có thể là thô, nhưng giá trị của sản phẩm đó là mịn, công cụ của thể chế là thô, nhưng tác dụng của công cụ đó có thể là mịn?. 
     Thể chế nếu là thô, khi thay thế chỉ cần đốt sách và "cách mẹ cái mạng của nó đi"theo kiểu AQ, là xong. Nhưng nếu thể chế là mịn thì những việc ấy chẳng có nghĩa lý gì, thậm chí còn phản tác dụng.
      Một thể chế tốt thì cả thô và mịn của nó đều tốt. Một thể chế chưa tốt thì trước hết hãy thay đổi, điều chỉnh phần mịn, là phần bản chất, mục tiêu ý nghĩa, và là phần có giá trị nhất của nó. Khi phần mịn đã thay đổi thì phần thô sẽ biến đổi theo.
28/2/2024

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

MƠ VỀ MỘT MAI QUÊ NGOẠI


     Hói Trừng chảy từ Thanh An sang Thanh Chi. Riêng đoạn qua làng ta ước chừng gần 2 km, tính từ điểm giữa đội 10 và đội 9b, cho tới cửa hói. Nếu đắp con đập ở cửa hói để tích nước, làng ta nói riêng và Thanh Chi nói chung sẽ có một cái hồ chứa nước tự nhiên kéo dài từ cửa hói lên tới tận cầu Chi Nê với bề rộng mặt nước lên tới gần chục héc ta và có sức chứa nửa triệu khối nước.
    Khi hói Trừng biến thành hồ Trừng thì không chỉ làng ta mà các xóm thượng nguồn cũng có thêm nguồn nước tưới chủ động; Mặt hồ có thể cho đấu thầu thả cá hoặc cho các gia đình nuôi cá lồng bè. Còn trên bờ trồng rau màu; Có thể lập thêm trang trại chăn nuôi ở nơi xa dân cư, v.v... 
     Khi ấy bên bờ không còn là những bụi gây na sắc nhọn cùng những loài cây dại rậm rạp mà là một cảnh quan tuyệt đẹp với những gốc mưng và những vườn cây trái bên đường dạo quanh hồ.
    Giải pháp kĩ thuật không quá phức tạp. Chỉ cần ba khâu:
 -1. Đắp đập
 -2. Xây cống xả tràn hoặc đập tràn.
 -3. Có thể đào thêm mương xả tràn ở đoạn giữa đội 9 b và đội 10, nơi gần sông Lam nhất (chỉ khoảng 50 mét, được chấm đỏ trên bản đồ)
     Điều này các chuyên gia thủy lợi rành rọt hơn, cần sự tham vấn  của họ.

     Có thể là tôi đang mơ, một giấc mơ hão huyền. Cũng có thể là hiện thực một ngày mai tươi đẹp của làng quê tôi: Sẽ quy hoạch mở rộng một thị tứ Cầu Quan, tôn tạo chỉnh trang một làng cổ  Chi Phú, lấy rú Mấc làm điểm tựa, nhìn ra sông Cả  mênh mang và sông Con hiền hòa cùng với một hồ Trừng uốn quanh thơ mộng.
      30/1/2024

Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

ĐỒNG LÀNG

    Làng tôi xưa chỉ có độ dăm chục nóc nhà, mà nay, sau hơn nửa thế kỷ thì hình như vẫn thế. Số nóc nhà không tăng thêm, có thể nhân khẩu cũng vậy. Có lẽ vì nhiều người ra đi. Cũng có thể vì ruộng nương không nhiều. 
      Làng tôi có Rọong Vạy, Rọong Dung, Rọong Ao, Hoà Lang, Cơn Thủng, Cựa Đình, Cơn Gôm, Cơn Rác, bại Cả Chài, và mảnh Rọong Hà nho nhỏ.
       Có những đám mang tên Cơn Dung, có thể vì ngày xưa nơi ấy có cơn dung- một loài cây lấy gỗ thân thẳng màu gỗ trắng mịn. Đám có tên Cơn Thủng, chắc là ngày xưa ở đám đất cao ấy có cây gì không rõ  nhưng lâu năm rỗng ruột mà gọi là cơn thủng. Còn cơn gôm là một loại cây cho quả ăn được, ngon, thơm, đặc biệt là bùi. Tôi nhớ chỉ còn duy nhất một cây gôm ở đình, mọc lẫn trong đám thị rừng và những cây dại khác... Còn đồng đất cuối làng được gọi là cơn rác, thì tôi chịu không luận ra được là cây gì?

Thứ Ba, 9 tháng 1, 2024

THƠ CỦA ÔNG PHAN THÚC NGÔ

SỰ ĐỜI

Trăm sự trên đời lợi dụng nhau.

Quanh đi,quẩn lại có gì đâu.

Nếu bồ không thóc,câu nào đến.

Kìa mật đầy chai,kiến đã vào.

Thừa gió bẻ măng, từ bữa trước. 

Qua cầu, cất nhịp giã hôm sau.

Đố ai thắp đuốc tìm cho được. 

Đạo đức ngày xưa có chốn nào.

  (Bài thơ này là do ông Phan Thúc Ngô sáng tác cách đây gần 100 năm, vẫn thấy nguyên giá trị. Ông Phan thúc Ngô là quan lại triều đình Huế, nhưng rất yêu nước, không phải như ông Đặng Thanh viết trong truyện X 30 phá lưới . Do sự nhầm lẫn của cách mạng, ông đã chết trong tức tưởi. Mong ông được siêu thoát)


         CÔNG LÝ

Có lý gì mà được gọi công.

Thử giương đôi mắt đứng mà trông.

Hùm khoe tổ nghiệp trong rừng rậm.

Mập choán gia tài giữa biển đông.

Trâu ngã bên khe còn mổ thịt. 

Rồng nằm trên kiệu lại dâng bông (hoa).

Nhớ câu ngạn ngữ thường hay nói.

Mạnh được hèn thua, thế phải không. 

     Phan Thúc Ngô 1884_1945

Cảm ơn cháu Nguyễn Sĩ An đã cho thông tin.

Thứ Hai, 1 tháng 1, 2024

SUY NGHĩ ĐẦU NĂM 2024

  Nước ta nói riêng và thế giới nói chung đang tiến tới trạng thái bão hòa tiêu dùng. Năng xuất lao động tăng, tốc độ ra hàng nhanh khiến cho các loại hàng hóa tiêu dùng tràn ngập thị trường. Xe cộ các loại, điện máy các loại, quần áo, giày dép, chăn mền... tất tần tật đều ê hề. Kể cả bất động sản.

      Kéo theo:
* Sẽ phải giảm bớt công suất và sản lượng của các dây chuyền sản xuất.
* Sẽ ứ  đọng dòng vốn, trì trệ tín dụng.
* Sẽ dư thừa nhân công dẫn tới nguy cơ thất nghiệp.
* Sẽ giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
* Sẽ giảm thu nhập và phải cắt giảm chi tiêu...

     Giải pháp:
* Giảm thời gian lao động trong ngày hoặc trong tuần.
* Tạo nên việc làm mới, công nghệ mới.
* Đầu tư cho học tập và rèn luyện sức khỏe thể chất, tinh thần.
* Đầu tư cho môi trường đất, nước, không khí, và môi trường lao động.
* Trồng rừng, tái tạo rạn san hô... tái tạo hệ sinh thái cân bằng tự nhiên, tái tạo lại rừng vàng biển bạc vì lợi ích lâu dài của con cháu mai sau.
* Giải phóng tư duy, khuyến khích sáng tạo.
* Thay vì chạy theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, hãy chú trọng tăng trưởng đạo đức và hạnh phúc, không chỉ với quốc gia mà là với mỗi người mỗi nhà. Thay vì chỉ nghĩ đến chỉ số thống kê thô, hãy quan tâm hơn đến chất lượng mịn.
    Mong lắm thay.
                     2/2/2024