Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

NỬA THẾ KỶ NHỮNG GÌ ĐÃ MẤT- P2

2. Đình chùa bị phá.
   Làng tôi có đám ruộng Cửa Đình rất tốt rộng chừng ba bốn mẫu nhưng khi tôi lớn lên thì không thấy có đình. Đầu làng có hai cây đa cổ thụ to cao chót vót và có một gốc gối tỏa bóng xum xuê và cũng to cao không kém. Ba cây chụm lại tạo thế chân vạc, che mát cả một vùng bến bại. Tiếp đến là một triền cây cối rậm rịt dày đặc, mọc lên theo bờ sông, trong đó nhiều nhất là thị rừng, sung, mưng, có cả cây gôm và vô vàn cây bụi, chỗ này cũng được gọi là đình nhưng chẳng thấy đình.
    Làng chỉ còn cái điếm. Điếm là nơi hội họp của làng. Nơi đó có treo cái mõ bằng gỗ mít rất to, thêm một cái vồ cũng bằng gỗ mít, để đánh vào cho bật lên thành tiếng côông côông. Lũ nhỏ chúng tôi được học vỡ lòng ở cái điếm ấy. Thế rồi đến ngày HTX cái điếm cũng không còn.
    Năm 60-61, tôi học lớp 5, lần đầu tiên tôi thấy người ta phá đình. Đó là đình làng Đại định. Ngày đầu người ta đập đổ mấy trụ cổng tam quan. Trụ đổ xuống rồi có người nhận ra trên đầu trụ có gắn mấy cái đĩa sứ rất đẹp. Người đó loay hoay cạy mấy cái đĩa đó ra nhưng mà không được. Cạy tới đâu vỡ tới đấy. Có người nói xen vào: gắn vôi mật rồi đừng hòng cạy. Những ngày sau thì giỡ đình nhưng tôi không chứng kiến vì còn đi học. Mấy ngày nữa trở lại thì chỉ có cái nền.
    Làng tôi không có chùa, chỉ có cái đền con con ở bên bờ vực. Cái đền ấy không nghe nói có ai phá, nhưng rồi nó cũng biến mất. Mãi sau này mới có người từ xa về bỏ công đức xây trở lại. Tiếc là dòng sông đã cạn, thành ra cái vực thuở nào giờ chỉ còn là vũng nước con con.
       Cũng những ngày còn nhỏ tôi đã được dự hội làng Quỳnh phương. Người ta rước kiệu, rồi voi, rồi ngựa đi từ đền ra và diễu quanh làng. Người ta tung tiền đồng và cả những dải lụa cho thanh thiếu niên tranh nhau,vui không tưởng được. Nhưng mà thiêng nhất là lễ trong đền. Đền Cờn Quỳnh phương được xếp đầu bảng những chốn linh thiêng và có tầm kiến trúc đặc sắc nhất xứ Nghệ.  Thế rồi trong cái thời “ Thay trời đổi đất sắp đặt lại giang sơn” người ta phá tan đền Cờn.  Năm 1969 tôi lên Quế phong dạy học, thì ở đây người ta cũng vừa phá giỡ xong chùa Chín gian ở bản Kim khê. Năm ngoái theo chú em về Anh sơn, đi qua gốc gạo già, chú bảo: Đình làng em ngày xưa ở đây. Hồi di dân lên núi người ta giỡ đình làm kho HT, giờ thì không còn dấu vết. Cách nay hơn hai tháng tôi trở về Quỳnh lập, hỏi thăm đền, nơi xưa tôi học lớp 1 ở gian tiền tế, mới hay đền đã mất. Hỏi thăm thêm đình Quỳnh lộc, nơi tôi học lớ 2, lớp 3, thì đình cũng không còn. Không biết có bao nhiêu những đền những đình những chùa bị phá như thế, nhưng người ở vùng nào cũng kể làng tôi có đình có chùa có đền mà nay không còn nữa. Thì đây, ngay giữa Hà nội,cách đây chưa lâu, hội trường Ba đình lịch sử cũng bị phá. Và đây nữa, ở Hà tây mà nay là Hà nội, chùa trăm gian, di tích ngàn năm tuổi đang ngang nhiên bị phá giỡ giữa thanh thiên bạch nhật, giữa những ngày chúng ta đang chỉnh đốn này.
   Cũng phải nói thêm là mấy năm lại nay đã có những đền chùa được dựng lại, được cất mới to đẹp hơn, nhưng dường như sự linh thiêng thì đã vợi đi nhiều.

Vừa khi lại nghe có dự án bỏ ra hàng chục ngàn tỷ để xây dựng bảo tàng. Cái muôn năm cũ, cái tinh hoa đã thuộc về lịch sử cứ bị phá dần đi thì không biết rồi người ta sẽ bảo tàng và bảo tồn những cái gì đây?
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét