3. Câu hò điệu ví không còn
Ngày nhỏ, lúc ấy mới giải phóng Điện biên, ở quê tôi có điệu hò lơ. Điệu hò này nghe nói là theo đoàn dân công hỏa tuyến mà về tới làng. Câu hò dựa trên một khổ thơ lục bát, với cái kết: hò lơ hát lơ lắng tai nghe tiếng ai hò lờ. Điệu hò này còn tồn tại cho tới ngày HTX, thanh niên làm thủy lợi vẫn hò. Anh thì đào đất đắp bờ - hát lơ hò lờ, em thì quảy thúng - hát lơ hò lờ - đứng chờ chi ai - hò lơ hát lơ lắng tai nghe tiếng ai hò lờ...Thế rồi tự dưng điệu hò lơ mất hẳn, không rõ là vào hồi nào nữa.
Quê tôi có món hát ghẹo của các bà các chị mỗi khi cấy hái ngoài đồng. Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy thả bò trên núi, vẳng nghe các bà các chị hát với nhau đằm thắm mùi mẫm lắm. Tôi thì muốn xuống đồng để nghe cho rõ nhưng sợ chúng bạn cười cái sự đến gần đàn bà con gái, nên đành thôi. Tiếc thế, cho đến giờ tôi vẫn không rõ lời các bà các chị đã hát những gì.
Lớn lên chút nữa thì tôi về thị xã để học. Ngày ấy phải đi đò. Người ở đằng lái vừa nhẹ nhàng chèo vừa cất tiếng hò, ấy là điệu hò đò dọc. Hai người chống đằng mũi cùng hai người chống trên be thuyền cất tiếng hò theo. Tiếng hò mênh mang trong đêm trên sông đưa tôi vào giấc ngủ lúc nào không hay nữa.
Mấy năm sau trở về thì không còn được nghe hát ghẹo, cũng không còn tiếng hò đò dọc. Thỉnh thoảng có nghe đâu đó đôi làn ví dặm, trong các cuộc vui, trong các lễ cưới, nhưng dần dà rồi cũng lắng đi. Rồi chiến tranh phá hoại miền bắc, những đoàn quân rầm rập vào nam, những đoàn thanh niên xung phong lần lượt lên đường. Quê tôi lại có thêm điệu hò xứ Thanh theo đoàn thuyền nan vận tải dọc kênh nhà Lê truyền vào xứ Nghệ. Điệu hò đối đáp này còn mãi cho tới sau mùa xuân 75, các cô thanh niên xung phong trở về còn hò đối đáp với nhau trên đồi cà phê nông trường hay trên rừng quế lâm trường ở những vùng cao...
Nghe kể ngày xưa, chưa lâu, xứ Nghệ còn có hát phường vải, có cả hát ả đào. Chẳng hiểu vì sao bỗng nhiên biến mất.
Rồi điệu hò xứ Thanh hồi chiến tranh ấy cũng mất dần. Lại rộ lên những điệu cải lương từ miền nam ra theo đoàn Trần Hữu Trang. Rồi cải lương cũng ngưng. Thế vào đó là xẩm ở bến xe, ga tàu, ở chỗ đông người, ở chợ. Không ít xẩm kèm ăn xin khốn khổ. Rồi xẩm cũng không còn...
Và thế là trong cuộc sống hằng ngày, trong lao động sản xuất, không ở đâu còn có câu ví dặm, không còn hát ghẹo, không còn hò lơ, không có hò đối đáp. Đâu đó có câu lạc bộ ca trù, có ca Huế trên thuyền rồng sông Hương, có ví dặm vào lúc trà dư tửu hậu, nhưng đấy là khoảng hẹp, là chút lưu luyến, cũng có khi là chút kinh tế thị trường mà người ta chú tâm khai thác, còn thì không có còn trong dân gian, trong dân ca nữa.
Nhiều khi có dịp về quê nội xứ Huế hay quê ngoại xứ Nghệ, trên chặng tàu xe dằng dặc, loanh quanh giữa non xanh nước biếc, tôi lại mong được nghe êm êm, nhẹ nhẹ, nho nhỏ thôi, một khúc dân ca, một điệu hò của chính quê mình như thuở xưa nằm trên đò dọc, mênh mang sông nước... Đơn giản, chỉ đơn giản vậy thôi mà suốt bao năm rồi đâu có được. Ngược lại, càng sống càng đi càng nhận ra những điều đã mất, những điều đang mất. Chưa hết một đời mà đã thấy mất dần biết bao nhiêu điều, mất đi nhiều lắm lắm những gì tồn tại tự ngàn xưa, những vốn quý của đất trời, của ông cha để lại, thì sao mà không buồn, không đau cho đặng. Nên càng đi, lại càng buồn, buồn mà vẫn muốn đi vì vẫn hy vọng mỗi chuyến đi là một cuộc trở về theo cả không gian và cả thời gian, về với những gì đã mất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét