Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

RCYT: 74 RƯỢU CẦN

Khách đến thăm chủ nhà mở vò rượu tiếp đón. Khách đông hơn, mở một ché. Khách đông nữa mở hẳn một chum. Mừng lợp nhà mở dăm ba chum. Mừng nhà mới mở nhiều  hơn nữa. Xàng khán- hội của các mo, cũng là hội của làng, các chum rượu được xếp thành dãy, uống nhạt dãy này mở thêm dãy khác, không đếm biết là bao nhiêu nữa.
     Chủ nhà kê vò rượu ở nơi trang trọng nhất rồi nhẹ nhàng thận trọng mở ra, cắn cần và chế nước. Trong khi chờ ngấm, chủ nhà mời khách ngồi lại chung quanh. Những người cao tuổi ngồi trên, nam giới ngồi xuống chiếu, sang nữa thì có đệm bông lau, phụ nữ được ngồi ghế mây. Từ cửa đi vào thì phụ nữ ngồi trong, nam giới ngồi ngoài.
    Trong không khí đầm ấm và trang trọng, chủ nhà có lời với trời đất, thần linh rằng gia đình hôm nay có khách quý tới thăm, xin phép được mở vò rượu, trước là mời chư vị thần linh chứng giám và thụ hưởng, sau là dành gia chủ tiếp đón người thân.
    Rượu đã ngấm, nước đã đầy, phong và gáo đong đã đủ. người phục vụ, cũng là người cầm trịch, còn gọi là cham, đã sẵn sàng. Cham thay mặt gia chủ và xin phép khách quý bắt đầu điều hành cuộc rượu.
    Hai tay vít nhẹ chiếc cần trúc, cham hướng về phía khách, mời vào cuộc. Khách cảm ơn và đón lấy cần. Rồi cham mời đại diện gia chủ, từ người cao niên, sao cho chủ khách thật là ứng đối. Khi mọi chiếc cần đã có người đón đủ, cham mới ghép cặp để uống với nhau. Mỗi cặp có chủ có khách, có yếu có mạnh để uống đỡ cho nhau. Cặp uống đầu tiên là người được tôn quý nhất, thường là vị khách cao niên và một cụ bà. Khi cặp đầu tiên xin phép mọi người được uống theo hiệu lệnh của cham thì những người còn lại tạm thời được buông cần và cham đã đỡ cần cho từng người buông thật nhẹ.
    Lấy gáo múc đầy nước vào phong, cham thả ngón tay cho nước tự chảy để tính thời gian đúng vào lúc mọi người hô” cham mơi’ và bắt đầu uống. Phong nước chảy hết thì thời gian cho cặp uống cũng dừng. Tay vẫn giữ cần, cặp uống và mọi người chờ cham đong lượng rượu đã uống nhiều ít tới đâu. Uống được nhiều là mừng vì khách và chủ đều khỏe và cùng uống thực lòng. Tiếp theo là cặp thứ hai, thứ ba cho tới hết một vòng.
     Sang vòng hai thì các cặp được sắp xếp lại cho sự giao lưu được mở rộng hơn và cũng từ đây luật uống có khác. Cham đưa ra đề nghị về mức tối thiểu mà mỗi cặp phải uống. Khi mọi người nhất trí với mức ấy, thì hết thời gian, mỗi cặp phải uống hết dung lượng đã định. Hết thời gian mà vẫn chưa uống hết thì phải uống tiếp cho đủ định lượng, sau đó phải uống thêm hai gáo nữa, gọi là uống phạt. Người bị phạt cũng thấy vui, mà người cổ vũ càng vui.
    Sang vòng ba thì các đôi thi với nhau. Vòng này mới thực là thi đấu cật lực vì trong khoảng thời gian như nhau, đôi nào uống được nhiều nhất sẽ thắng, đương nhiên rồi, nhưng thú vị nhất là các đôi thua sẽ bị phạt. Mà mức phạt sẽ cao hơn vòng hai, ấy là phải uống thêm cho bằng đôi thắng cọng với hai gáo cho từng người một. Mỗi khi hô “cham mơi” là không khí nóng hẳn lên. Mọi người hò reo cổ vũ. Người trong cuộc hạ thấp trọng tâm, vít cần, lấy hơi, nín thở, vòm họng tạo nên sức mút liên tục, nuốt xuống liên tục, không để cho hơi men kịp bốc.
     Được khách tới thăm, lại cùng uống rượu với nhau thật lòng, chủ nhà vui lắm. Ngồi với nhau bên vò rượu đã là cái tình hội ngộ, uống với nhau thật lòng là cái tình tri ân, ngấm hơi men là thấm cái cái sâu nặng tình người mà say. Cho khách say được, cho bạn bè bà con xóm giềng say được là niềm vui, niềm tự hào của chủ nhà. Có đối đãi nhau hết lòng, có quý trọng nhau hết mình thì mới uống với nhau, mới say với nhau được thế.
    Vậy nên rượu cần không chỉ là tinh chất được cất lên của bao công sức từ ngày phát nương cho đến khi thành hạt gạo, mà còn là nghĩa tình ủ trong men lá, là tấm lòng quý mến, kính trọng đối đãi với nhau.
Rượu cần là thức uống đặc sản vùng cao,  bình dân mà không đại trà, không là hàng chợ. Rượu cần chỉ có một, không trùng lặp, không giống nhau, tùy theo người, tùy theo nhà, tùy vào nắng mưa, tùy vào khách. Rượu cần không chỉ là rượu, mà còn là tinh túy đất trời, là ân nghĩa lòng người, là thuốc bổ dưỡng sau bao công việc nặng nề, là thuốc tẩy trừ lam sơn chướng khí. Rượu cần còn là văn hóa vùng cao đậm đà bản sắc, là sinh hoạt cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, là đời sống tinh thần, tín ngưỡng lễ hội.
1985

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét