“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Thử nhìn lại một thế kỷ qua, hiền tài tụ hay tán.
Tính từ năm 1908, khi cụ Phan chu Trinh bị thực dân Pháp bắt. Các đồng chí của ông trong phong trào duy tân như tiến sĩ Trần Quý Cáp cũng bị Pháp bắt năm đó và bị xử chém ngang lưng, tiến sĩ Huỳnh thúc Kháng bị đày Côn đảo suốt 13 năm (1908 – 1921). Năm 1916 vua Duy Tân, vua Thành Thái bị thực dân Pháp đày ra đảo Réunion. Năm 1925 cụ Phan Bội Châu cũng bị thực dân Pháp bắt. Năm 1926 cụ Phan chu Trinh qua đời khi mới 55 tuổi…
Năm 1931 lãnh tụ cộng sản Trần Phú bị thực dân Pháp bắt giam và chết trong nhà thương Chợ Quán. Các lãnh tụ cộng sản khác như Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ cũng lần lượt bị Pháp bắt. Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ bị bắn cùng các chiến sĩ khác như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu (1941). Lê Hồng Phong chết trong nhà tù Côn đảo (1942). Và còn biết bao chiến sĩ cách mạng và các nhà yêu nước khác bị thủ tiêu, bị cầm tù trong các nhà lao đế quốc.
Phải nói rằng đây là thời kỳ mà những bậc hiền tài đấu tranh sôi nổi, mạnh mẽ nhất và cũng bị đàn áp đẫm máu nhất. Dân tộc bị mất nhiều những bậc hiền tài. Đấu tranh ôn hòa công khai vào cuối thời kỳ này chỉ còn cụ Huỳnh Thúc Kháng và một số người yêu nước nằm trong chính quyền cũ như cụ Phạm Quỳnh, cụ Phạm Khắc Hòe, nhưng cũng bị kềm thúc…
Cụ Hồ Chí Minh cùng các cộng sự đã khôn khéo hoạt động bí mật, mặc dù không ít lao tù, nhưng đã vượt qua, để xây dựng lực lượng về mọi mặt, chớp thời cơ phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, cướp chính quyền mùa thu năm 1945. Cụ Hồ ra tuyên ngôn độc lập, lập nên nên nước Việt nam mới: Nhà nước Việt nam dân chủ cộng hòa.
Tiếp đó là thời hội tụ các hiền tài dưới ngọn cờ Việt minh. Những người Việt tài giỏi ở các nước cũng về với Cụ Hồ. Nhân dân trong nước trên dưới một lòng, cùng góp sức người sức của, kể cả tính mạng của mình cho kháng chiến. Nhờ thế cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp do Việt minh lãnh đạo đã giành được nhiều thắng lợi, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện biên chấn động địa cầu.
Nhưng cuối cuộc chiến đó đã bộc lộ những phân hóa trong những vị thức giả. Các luồng tư tưởng khác nhau đã xuất hiện và dần dần chính kiến cũng khác nhau. Kết thúc chiến dịch Điện biên là một hiệp định quốc tế chia cắt hai miền Nam Bắc. Một lần nữa hiền tài lại tán, nguyên khí quốc gia như bị chia đôi.
Thế cuộc buộc phải lặp lại một cuộc chiến hơn hai mươi năm nữa, biết bao nguyên khí bị hao tổn, bị phân tán, phải hy sinh, bị trừ diệt. Những cuộc cải cách, cải tạo, những cuộc chống cộng cũng làm mất đi không ít hiền tài, tổn hao không ít nguyên khí.
Sau mùa xuân 75, thắng lợi lớn là thống nhất Bắc Nam, non sông liền một dải, nhưng hiền tài lại phân tán khắp nơi. Có người ra đi trong dòng di cư, có người chìm trong trại cải tạo, có người đi theo xuất khẩu lao động ra nước ngoài, người đi du học, nghiên cứu sinh, thực tập sinh rồi lưu lại xứ người. Có những người dù không đi đâu nhưng cũng chịu nín lặng, hoặc vô hiệu hóa, gần như vắng bóng giữa đời…Khi hai đảng xã hội và dân chủ bị giải tán năm 1988 thì không ít nhân sĩ đã lẫn vào trong quần chúng vô danh ngoài đảng…
Ngày nay biết bao nhà khoa học hàng đầu của chúng ta đang ở nước ngoài. Nhiều chính khách, nhiều nhà kinh doanh giỏi gốc Việt đang mang đủ các quốc tịch lớn trên thế giới. Chỉ xin đơn cử như ngài Trịnh xuân Thuận nhà vật lý thiên văn ở Mỹ, cùng hàng trăm nhà khoa học trong cục hàng không vũ trụ NASA; ngài Ngô Bảo Châu ở Pháp, ngài Philipp Rosler ở Đức, ngài Nguyễn Đăng Hưng ở Bỉ, ngài Nguyễn Văn Tuấn ở Úc, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn ở Canada…Thật không sao kể hết những bậc hiền tài gốc Việt ở khắp bốn phương trời. Họ đang miệt mài học tập nghiên cứu khoa học, hoặc làm chính khách, hoặc làm kinh tế hoặc hoạt động nghệ thuật…Họ đang cống hiến hết mình cho nhân loại và không lúc nào quên hướng về tổ quốc.
Ngoài hiền tài nổi danh còn có gần chín mươi triệu đồng bào vô danh góp đang công sức mình vào nguyên khí quốc gia. Thêm nữa, nguyên khí quốc gia còn ở trong hình sông thế núi, ở rừng và biển, ở ruộng nương và hải đảo. Nguyên khí còn ở trong phong thủy, với vô vàn nắng gió, nước nôi và vô biên sinh khí trong trời đất. Nguyên khí còn là tài nguyên ẩn sâu dưới đáy đại dương, trong lòng đất và bên thềm lục địa. Những điều này cái gì đang tụ, cái gì đang tán, cũng là điều đáng ngẫm, đặc biệt là từ khi đổi mới tới nay.
Nguyên khí tụ thì nước thịnh, nguyên khí tán thì nước suy. Thấy được tụ tán rồi, tìm thêm lý do vì sao mà tụ, vì sao lại tán, thì sẽ nhận ra hướng đi cho đất nước mai này. Với nguyên khí ấy, tụ lại, là niềm hy vọng một ngày đất nước mình cường thịnh.
6-6-2011
*****
Hôm nay nhân ngày tưởng nhớ Văn Cao, tác giả quốc ca, qua đời (10-7-1995), mà lên trang bài này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét