Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

Nhà cầm quyền tự làm khó mình rồi

Xưa nay nhà cầm quyền nói gì làm gì dân cũng tin cũng nghe cũng theo. Lâu dần thành thói quen, dân gần như ỷ lại nhà cầm quyền, bảo sao làm vậy. Ỷ lại là cái dở, lâu ngày thành lười, thành ươn, thành hèn. Cũng có cái hay, cười ra nước mắt, là dân khỏi phải lo, khỏi phải nghĩ gì cả. Có no được no, có đói chịu đói. Vô tư ngủ ngon, mơ giấc mơ thiên đường trái đất.
Giấc ngủ kéo dài mấy chục năm, rồi cũng tới khi tỉnh giấc. Bất chợt nhận ra người ta sướng hơn mình, giàu hơn mình, văn minh hơn mình, tự chủ hơn mình, thậm chí mạnh hơn mình. Mà mình là anh hùng vĩ đại chứ có phải xoàng đâu. Sao lại thế được? Thế là, quay ngược quay xuôi hỏi loạn cả lên: Sao lại thế? - Hỏi ai vậy. Nhìn quanh, lại chẳng biết hỏi ai. Hóa ra tự mình hỏi mình. Tự hỏi thì tự trả lời. Trả lời không được.
Ngược lên, thì hình như người cầm quyền cũng lại ỷ vào ai đó đã nghĩ trước nói trước đi trước, còn mình thì cứ thế mà theo. Nhẩm lại, có thời mấy cái khái niệm Hán -Việt có vẻ như nhập ngoại, vốn cổ mình đâu có, như thể: Tư sản, tư bản, tư tưởng, tư hữu, tư doanh, mại bản, thực dân, đế quốc, vô sản, cộng sản, chuyên chính, chuyên chính vô sản, cải cách, cải lương, cải tổ, cải tạo, biện chứng, siêu hình, duy tâm, mâu thuẩn đối kháng v.v. và v.v…Cả một núi khái niệm, một lúc ào ạt đổ xuống đầu những người dân mù chữ thất học đói rách của nước mình. Người học hành nhiều, biết tầm chương trích cú, biết tra cứu nghĩa nguyên, nghĩa đen, nghĩa bóng, biết định nghĩa chú thích, luận giải, nghe mấy thứ này cùng lúc cũng rối hết cả đầu huống chi dân chúng lầm than.
      Anh Chí đau khổ nhiều uất ức lắm, chỉ biết chửi, quá nữa thì rạch mặt ăn vạ, chứ làm sao mà hiểu bóc lột thặng dư, chuyên chính vô sản, mà hiểu cách mạng vô sản là cái gì. AQ bên Tàu cũng chỉ hiểu lờ mờ “cách mẹ cái mạng nó đi”, như lời cụ Lỗ Tấn kể, chứ có biết cách mạng cách miếc gì đâu. Bê cái nghĩ của anh AQ sang mình, sẵn cái máu chửi đổng với rạch mặt ăn vạ, thế là đồng loạt các anh Chí nhà ta vùng lên “cách mẹ cái mạng nó đi”, ào ào như thể trong CCRĐ, và bao nhiêu thứ sau đó nữa.
Khi phong trào đang lên như nước vỡ bờ thì ai ngăn nổi. Ví như mấy ông “Nhân văn giai phẩm - toàn chữ đẹp”- nói như Nguyễn Trọng Tạo,  không lượng hết rủi ro, đua nhau lên tiếng. Ai dè các anh Chí đâu có thích “ní nuận” nghệ thuật vị cái gì, đập cho nhân văn mấy gậy, mà đòn đau nhất là từ chính anh em văn nghệ với nhau, hùa theo đám đông mà đập. Không hẳn là sợ, mà chắc là uất quá, nhân văn ngậm tăm luôn mấy chục năm trời.
Các doanh nhân, doanh nghiệp, là người nhạy bén thức thời, biết chớp cơ hội làm ăn, cũng nín thít mấy chục năm, mặc cho các anh Chí hồi này mạnh thế cửa quyền quốc doanh bao cấp. Phải tới khi đói khổ quá rồi không lấy gì mà bao cấp được nữa kể cả tinh thần lẫn vật chất thì ra mới có đổi mới. Nhưng chừng đó lý do nội tại, cọng thêm ông Kim Ngọc hay là ai ai nữa, cũng  không đủ để có đổi mới thật sự. Có vẻ như đổi mới cũng là theo cái cách của người khác chứ không hẳn tự mình nghĩ ra, tự mình đề xướng mà dám làm. Cũng có thể là nhận hàng viện trợ “ní nuận” từ bên ngoài.
Cái món nợ “ní nuận” này, có khi chính là cái khó cho nhà cầm quyền xử thế hiện nay. Được “ní nuận” thì mất thực tiễn, được thực tiễn thì mâu thuẫn với “ní nuận”. Nói về “ní nuận” thì có vẻ như là bạn, cùng chỗ AQ với Chí cả thôi, mà thực tiễn thì như là thù. Có thể đó là thâm hiểm, một bên; còn nhẹ dạ, một bên. Có thể là vì quyền lợi phe nhóm mà cố níu cái “ní nuận” cho nó gần nhau, cho có vẻ bạn bè đồng chí, cho còn có đồng minh, không đến nỗi lẻ loi đơn độc. Muốn được cái đó thì phải mất gì? Chuyện đó khó ai biết được nhưng mà thấy có sự ràng buộc chi đây trong cái công thức 4+16. Cái sự khó nói, khó giải thích, khó minh bạch hiện nay, tỏ ra là có chuyện đó. Cái dè dặt đến mức như là sợ sệt, không dám phản ứng khi ngư dân bị cướp ngư cụ, bị bắt bị giữ, tàu thăm dò bị cắt cáp lần này lần khác, tỏ ra có gì khuất khúc. Cái sự ngăn cản nhân dân biểu tình, hay ú ớ ngọng ngịu như thể há miệng mắc quai, không dám công nhận dân mình biểu tình cũng lại chứng tỏ điều đó. Cái sự đưa những tin theo hùa bản tin của kẻ đang gây hấn biển đông cũng lại chứng tỏ như vậy nữa. Thế là có quá nhiều những điều khiến dân lo lắng.  
Ngược lại, phía bên kia có vẻ nắm rõ chuyện này nên mới ngang nhiên gây hấn, khiêu khích, đòn gió, nắn gân mình ở ngoài biển đông. Tàu xì có vẻ chủ động chơi trò ú tim. Mình thì có vẻ bị động. Trong khi cái lý mình nắm phần hơn, địa lợi nhân hòa mình cũng nắm phần hơn, thiên thời thì mình đâu lép, sao mà mình cứ chịu im thin thít. Dân mình có đui mù, có ngậm miệng quá lâu rồi thì cũng thấy có gì không ổn, có gì phải nói, có gì phải đòi minh bạch.
Im thin thít từ lâu là dân, nay không phải dân mà là nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền nhận trách nhiệm về mọi mặt, toàn diện triệt để mà sao khi chủ quyền quốc gia bị đe dọa lại im tiếng, ngược lại còn ngăn cản nhân dân đấu tranh, biểu tình tỏ rõ quyết tâm giữ nước, giữ biển, giữ đảo.  Oái oăm là không có một lý lẽ gì được đưa ra thật rõ ràng xác đáng để giải thích vì sao ngăn cản. Dân biểu tình là đúng hay sai, nhà cầm quyền không nói. Vì sao bắt người, không nói. Vì sao không phản đối kẻ bắt ngư dân , không nói. Chuyện tày đình đáng lên tiếng thì lại lặng im, dân đang cần định hướng thì chẳng thấy nói hướng nào. Nhà cầm quyền không nói trực tiếp, cũng không nói qua thông tin đại chúng. Bởi vậy mà dân càng lo lắng, bức xúc. Dân đi biểu tình là một cách để tự cứu lấy mình, dân mình, nước mình khi kẻ thù đang rình rập ngoài kia, mà nhà cầm quyền thì lặng tờ không thể hiện gì.
So với anh Chí ngày xưa, dân nay ôn hòa hơn, văn hóa hơn rất nhiều. Họ đấu tranh tỉnh táo, có lý có lẽ, hòa bình và hợp hiến. Lẽ phải đang thuộc về họ, nhân loại đang theo dõi họ và ủng hộ họ. Việt kiều cũng đã và đang hợp sức cùng họ. Các nước có Việt kiều đấu tranh cũng ủng hộ Việt kiều mình, ít nhất là đã không ngăn cản.
Lúc này nhà cầm quyền tự đặt mình kẹt giữa kẻ xâm lược bên ngoài và đồng bào mình, dân tộc mình. Chủ nhật này là chủ nhật thứ bảy có biểu tình chống Trung quốc gây hấn biển đông, cũng là bảy chủ nhật nhà cầm quyền không ủng hộ biểu tình, thậm chí còn ngăn cản bắt bớ người dân biểu tình ôn hòa. Trung quốc không ngừng gây hấn, các cuộc biểu tình phản đói Trung quốc không ngừng nổ ra. Nhà cầm quyền không tỏ rõ đứng về bên nào, họ đang tự cô lập và tự làm khó mình rồi.

*****
Tiếc là chủ nhật mà phải lên trang này. Cáo lỗi với bà con.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét