Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Xin góp đôi điều bàn về văn hóa


Nhân việc học “các kết luận của hội nghị BCHTW lần thứ X”, xin góp đôi điều về văn hóa.

      Văn hóa có phạm trù rất rộng. Ở đâu có sự hoạt động của con người, kể cả trong suy nghĩ tình cảm và nhận thức, ở đâu có dấu ấn của con người ở đó có văn hóa và có nhu cầu về văn hóa.
      Văn hóa dễ thấy nhất là văn hóa dân sinh. Cái gần gũi hàng ngày trong văn hóa dân sinh là văn hóa sinh hoạt: ăn, mặc, ở, đi lại, nghe nhìn, thể thao, giải trí…Với riêng ẩm thực, một khía cạnh rất nhỏ trong sinh hoạt, đã có bao giá trị văn hóa. Cho nên chỉ với văn hóa sinh hoạt thôi đã thấy phong phú đa dạng thế nào. Đấy là chưa kể bao nhiêu giá trị tiềm ẩn trong đó mà ta chưa thể nào khôi phục và phát huy hết được.
       Ngoài văn hóa sinh hoạt, trong văn hóa dân sinh còn có văn hóa giao tiếp ứng xử ( với cộng đồng, với từng cá thể, với môi trường, với tự nhiên và xã hội), còn có văn hóa dân gian với ca dao, tục ngữ…, với phong tục tập quán và lễ hội, còn có văn hóa tâm linh, tín ngưỡng; còn có văn hóa thần bí…Như vậy, chỉ với riêng văn hóa dân sinh ta đã thấy văn hóa là phạm trù rộng lớn đến mức nào.
       Điều thứ hai dễ thấy nữa là văn hóa vật thểvăn hóa thiên nhiên. Chúng ta đã có cố đô Huế, phố cổ Hội an, thánh địa Mỹ sơn, vịnh Hạ long, động Phong nha- Kẻ bàng và biết bao di tích, danh lam thắng cảnh khác. Có nhiều cái chúng ta chưa khai thác, chưa làm nổi bật lên được, cũng có những cái chúng ta đã phá hủy mất. Dẫu sao những cái còn lại cũng rất đáng tự hào.
       Nhưng chúng tôi nghĩ rằng văn hóa của một người, một địa phương, một dân tộc, hay một quốc gia không phải chỉ có thế. Ngoài văn hóa dân sinh, văn hóa vật thể chúng ta còn có những giá trị văn hóa khác như văn hóa dân trí, văn hóa dân chủ…Có thể đây là những điều ít được nhắc đến nhưng không phải vì thế mà chúng không phải là văn hóa.
      Văn hóa dân trí bao gồm tất cả những tri thức và kinh nghiệm mà một chủ thể (một người, một địa phương, một dân tộc hay một quốc gia) có được. Nó còn gồm cả những kỹ năng sống và làm việc của chủ thể đó. Văn hóa học vấn chỉ là một chút nhỏ trong văn hóa tri thức, văn hóa tri thức lại là một phần trong văn hóa dân trí, và văn hóa dân trí chỉ là phần nhỏ của văn hóa nói chung. Thế nhưng chúng ta đã có lúc lấy trình độ học vấn làm trình độ văn hóa. Đây là một trong những nhầm lẫn không đáng có, tiếc là nó kéo dài không ít tháng năm.
      Rõ ràng ngày nay dân trí đang được nâng lên, không phải chỉ cho từng người mà cho cả cộng đồng. Đó là một tiêu chí cực kỳ quan trọng để đánh giá một nền văn hóa mà có lúc chúng ta ngỡ như quên mất.
     Một nét văn hóa khác mà chúng ta cũng ngỡ như quên là văn hóa dân chủ. Chúng ta đã tốn biết bao nhiêu xương máu chống thực dân phong kiến để dành độc lập dân tộc và dân chủ nhân dân. Dân chủ nhân dân là một mục tiêu chính trị, nhưng ngày nay nó đã là một nếp văn hóa. Văn hóa dân chủ  thể hiện trước hết ở thể chế dân chủ và năng lực cũng như ý thức làm chủ của mỗi chủ thể. Văn hóa dân chủ còn thể hiện ở khả năng cống hiến và quyền lợi được hưởng của mỗi thành viên, là sự bình đẳng trước pháp luật, là quyền được tự do tư tưởng, tự do ngôn luận…trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật, là “quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc”.
     Lấy dân làm gốc chính là một nét truyền thống của văn hóa dân chủ.
     Chúng ta lại phải quan tâm đến văn hóa lao động vì chưa bao giờ lao động lại mang một giá trị văn hóa cao như bây giờ. Bởi vì ngày nay lao động với công nghệ cao, tri thức sâu, kỹ luật chặt chẽ, tiêu chuẩn nghiêm ngặt, không chỉ với tay nghề riêng lẻ mà còn là sự hợp tác rộng mở giữa các lực lượng  lao động toàn cầu. Sản phẩm của lao động ngoài giá trị vất chất còn có giá trị văn hóa. Lao động lại phải gắn liền với bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Lao động phải được bảo hiểm và được hưởng phúc lợi xã hội. Tất cả những điều đó chính là văn hóa lao động. Đấy cũng chính là điều mà ngày xưa dưới thời đế quốc phong kiến chưa bao giờ nói tói.
    Điều cuối cùng tôi xin nêu lên là văn hóa lãnh đạo. Chũng ta đã qua thời quân chủ chuyên chế, cũng không phải ở thời tư bản mà đồng tiền chế ngự tất cả. Sự tốt đẹp của xã hội chúng ta trước hết là ở văn hóa lãnh đạo. Đấy là tiêu chí đầu tiên để nói đến các nền văn hóa đương đại. Muốn ổn định chính trị, muốn thu hút đầu tư, muốn hợp tác quốc tế, muốn làm bạn bốn phương, muốn dân giàu nước mạnh, trước hết là nhờ lãnh đạo có tầm nhìn, có tâm, có tài, có văn hóa.
     Văn hóa lãnh đạo bao gồm: đường lối đúng đắn, bộ máy trong sạch lành mạnh, tổ chức hợp lý, công nghệ tiên tiến, tác phong gần gũi thân thiện, thực sự do dân vì dân. Có được những điều đó lại không phải là văn hóa sao.
“Cần kiệm liêm chính chí công vô tư” chính là văn hóa, là đạo đức của người lãnh đạo. Bác Hồ là danh nhân văn hóa thế giới không chỉ vì Bác là một công dân mẫu mực, cũng không chỉ vì Bác là một nhà thơ, mà cơ bản Bác là một nhà văn hóa lãnh đạo.
     Chúng tôi nghĩ rằng văn hóa di sản là thuần nhất văn hóa dân tộc. Văn hóa dân sinh có cốt lõi là văn hóa dân tộc, và nhiều điều đã nằm sâu trong máu thịt chúng ta. Ngày nay văn hóa dân sinh đang ngày một hiện đại hóa. Đó là một dấu hiệu tốt. Còn văn hóa tiên tiến có cốt lõi là văn hóa dân trí, văn hóa dân chủ, văn hóa lao động và văn hóa lãnh đạo. Trong cái tiên tiến vẫn có cái cốt cách dân tộc, đó là dân trí Việt nam, dân chủ Việt nam, lao động Việt nam. Chúng ta cũng không nên xem văn hóa của mình là dân tộc, còn văn hóa của người là tiên tiến. Mà văn hóa tiên tiến phải là những thành tựu lớn mang tầm thời đại của toàn nhân loại trong đó có chúng ta, mà dân trí, dân chủ… chính là một trong những thành tựu đó.
20-12-2004
                                                   



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét