Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

RCYT: 65. QUẠ KHOANG

       Lâu lắm rồi, đã nhiều năm, nay mới thấy một bóng quạ bay qua. Chỉ bay qua thôi, có cất tiếng kêu nhưng không đậu lại.  Không biết giống quạ bỏ đi đâu, mà từ hồi Mỹ ném bom tới giờ hầu như không còn thấy một chú quạ nào. Chẳng bù cho ngày xưa...

      Làng tôi ở bên sông. Mỗi khi bà con đem chó hay lợn ra sông làm lòng làm thủ là y như rằng quạ đen kéo về cả đàn. Sao mà chúng đánh hơi mùi tanh tài thế. Chúng chầu hẩu ngồi chực trên trên những ngọn cây quanh bến. Hễ người ta nẻm ra cái gì là chúng lao xuống đớp, tranh giành nhau, kêu vang lên quà... quà... Tiếng kêu khô, rợn, chấn động cả một vùng bến nước.

      Quạ thường sà xuống đồng đất, nhảy dích dắc ngay sau đường cày, chực mổ những con giun con dế bật lên. Đôi chân quạ đen thui, cứng, khô, không có hệ giảm xóc nên bước nhảy của quạ quá vụng về. Mỗi bước nhảy nó lại đổi một hướng, sang đông, sang đoài, chắc là để mở tầm quan sát. Cái mỏ đen to, dài, thẳng chực mổ vào bất cứ thứ mồi gì nó thấy: cào cào, châu chấu, giun, dế..., một con sùng phân hay là một củ lạc sót lại sau thu hoạch. Những khi ấy con quạ dạn lắm, không sợ người hay trâu bò, mặc cho thường ngày chúng là loại tinh ranh.

      Mùa ngô ngoài bãi, quạ kéo về từng đàn. Nó rỉa bẹ ngô một chỗ nhỏ và khéo léo luồn mỏ vào rỉa hết mọi hạt ngô, chỉ chừa lại mỗi cái cùi. Bà con dựng bù nhìn giữ ngô nhưng không lừa chúng được lâu. Chĩa cái đòn gánh ra giả làm nỏ, chúng cũng không sợ, nhưng nếu là nỏ thật, chúng sẽ bay ngay. 

      Giêng hai mùa gieo đỗ lạc, quạ cũng kéo về, tìm moi hạt giống lên ăn. Có thể là vì thế mà dân gian không ưa gì quạ. Ngoại hình đã xấu, lại đen kịt toàn thân, tiếng kêu thì thô, nết ăn thì tạp không chừa thức gì dù hôi tanh thối rữa. Không ưa nhưng người ta cũng không săn bắt quạ. Nghe nói thịt quạ vừa dai vừa tanh, cho chó, chó cũng không thèm . 

      Thế mà lũ trẻ chăn bò chúng tôi lại vẫn nhớ đến chúng. Nhưng là nhớ quạ khoang chứ không phải quạ đen. Quạ khoang là những con có một vòng lông trắng quanh cổ, rất nổi bật trên nền lông đen mượt. Quạ khoang không nhiều, thi thoảng mới gặp. Mùa thu trên sườn núi làng tôi có những chú quạ khoang dùng mỏ lấy phân bò kết lại thành những quả cầu rỗng, to bằng quả bóng bàn, có chừa một lỗ thủng. Chúng nghiêm trang đứng bên quả cầu rỗng ấy mà gật gù khấn: quà...quà... quà...

       Chúng tôi lấy làm lạ với việc khấn vái này của quạ khoang mà tìm đến tận nơi khi chúng đã bay đi. Chúng tôi tìm chung quanh quả cầu phân bò xem có gì nữa không. Và chúng tôi tìm ra dưới gốc một bụi niệt (*) mọc lẫn với mua gần đó, trong lớp rêu và địa y dày đặc, có một hốc nhỏ chứa những củ lạc đã khô giòn.  Chúng tôi moi ra, được một vốc đầy. Đây có thể là kho dự trử thức ăn mùa đông của quạ khoang, mà lũ trẻ thó mất.

      Khi đã xa mùa lạc, lại giữa lúc hanh heo, se lạnh, mấy đứa trẻ chăn bò gặp may chia nhau ăn những củ lạc béo bùi, mới thấy ngon làm sao, mới quý làm sao.  Vừa ăn vừa xuýt xoa và... Nhớ mãi.

     Bọn tôi sau này có dịp gặp lại nhau, thường nhắc những chuyện này và lại hỏi: - Sao quạ không về?.

                                            1985 

(*) Niệt là loài cây bụi thấp nhiều cành nhánh nhỏ nhưng rất dai dẻo, lá cũng nhỏ, trơn bóng, sống lâu năm nên dưới gốc thường có lớp rêu và địa y khá dày.

                                              

*****  Còn đó những câu hỏi:  

       *Vì sao chiến tranh bom đạn đã qua lâu rồi mà loài quạ vẫn không quay trở về đất Việt?. 

      * Vì sao hồi Pháp cũng có ném bom mà quạ vẫn ở lại?, nhưng đến cuộc ném bom miền bắc của Mỹ thì quạ phải bay đi? 

      *Vì chất độc da cam ư? - Thì sao những nơi không có chất độc da cam như ngoài miền bắc, quạ vẫn không về?. Hay là có chất phóng xạ hoặc thứ gì độc hại khác?

      *Vì mất rừng chăng? - Thì mãi tới khoảng 10 năm sau 75 rừng mới thật sự bị tàn phá, sao trước đó quạ vẫn không về?. 

      *Vì ô nhiễm chăng? - Thì phải sau những năm 90 mới bắt đầu ô nhiễm nặng bởi khói bụi, phân bón hóa học, hóa chất trừ sâu, rác thải..., sao trước đó quạ vẫn không về?.

      * Hay là quạ quá nhạy cảm với oán khí, không dám trở lại nơi chiến tranh khốc liệt, tang tóc đau thương, ám khí nặng nề, hận thù chồng chất?.

      * Cuối cùng, phải chăng quạ là loại thuốc thử tự nhiên tốt nhất và nhạy nhất về môi trường theo nghĩa rộng, vừa vật chất vừa tâm linh, vừa thô vừa mịn?


      

    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét