Cháu của tôi sinh ra ở thủ đô, đến tuổi thiếu niên thì về rừng với tôi. Ở rừng có quá nhiều điều lạ lẫm đối với cháu. Điều đó làm cháu thích thú nhưng cũng không ít ngại ngần. Nhiều khi thấy cháu buồn, cái buồn của sự vắng lặng tịch mịch, không xe, không đài, không điện, rất khác biệt với thị thành.
Mà tôi cũng có khi buồn. Tôi lắng tìm nghe trong vắng lặng một chút âm thanh, một chút rì rào, róc rách... Rồi đôi tai trở nên thính nhạy hơn, tôi nhận ra nhiều âm thanh hơn, nhiều dấu hiệu của sự sống hơn, và vui với chúng.
Với thời gian, cháu tôi cũng thế. thiên nhiên dần trả lại cho cháu đôi tai như vốn có. Bằng chứng là sáng nay, gần như cùng một lúc với tôi, cháu đã nghe tiếng chim cu gáy. Chỉ tiếc là cháu chưa biết đấy là tiếng chim gì.
- Chim cu đang gáy đấy cháu. Cởi áo may ô ra, đi với chú.
Chú cháu tôi băng qua hai khoảng vườn, hai khoảng sân, tới mé bên kia, nơi tiếp giáp với đồi cây; ở đấy có một cây xoan đứng khuất sau bờ hóp. Tiếng cu gáy vọng ra từ đó. Chúng tôi lén nhìn qua kẽ lá. Con chim đậu một mình trên cành xoan đang phát ra chuỗi âm Cúc... cù... cu... bằng một nỗ lực tự thân mê mải. Nó vươn cổ, ưỡn ngực ra mà lấy hơi, rồi từ từ cúi xuống ép hơi cho chuỗi âm phát ra tròn trịa, trầm ấm lan tỏa nối dài...cúc... cù... cu...cù...
Cháu tôi ngồi nghe trong sự tập trung cao độ. Rồi từ khu vườn bên kia có tiếng gáy đáp lại. Tiếng chim cu tròn ấm, mộc mạc thân thương, gần gụi. Tôi biết cháu đã thẩm được tiếng chim. Cháu nói: _Con gà trống cũng gáy như thế phải không chú?
- Đúng vậy. đây là tiếng gáy, còn tiếng hót sẽ khác, nó đa thanh ríu ran hơn, líu lo hồn nhiên hơn. Cũng say mê nhưng tươi vui hơn.
Cứ thế, dần dần cháu tôi nhận ra tiếng cục, tiếng gù, tiếng gáy, tiếng hót, tiếng kêu, tiếng hú... giữa bao la trùng điệp núi rừng. Rồi nhận ra tiếng vi vu rì rào róc rách... Cháu nhạy cảm hơn và cũng điềm tĩnh tự tin hơn.
Rừng chiều yên tĩnh 1985. (Viết tặng cháu Tùng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét