Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

RỪNG SƠN TRÀ

     Đêm qua tôi nghe tiếng mang toác trên rừng Sơn trà. Vui như gặp lại người thân. Rồi miên man trong đêm nhớ lại mình đã gặp ở Sơn trà nhiều loài chim loài thú khác. Đặc biệt nhất là khỉ và voọc. Voọc là nữ hoàng linh trưởng, chỉ có duy nhất ở Sơn trà. Rồi khỉ, rất nhiều khỉ, từng đàn. Và các loài chim, đủ hết từ cu xanh, cu kì, sáo, cu rúc, gõ kiến, bã trầu, chìa vôi,... có cả cò cói và còn có cả gà rừng nữa.


      Khi tôi đưa hình khỉ vào vườn nhà, có bạn đã còm trên phây: - Ô, giá như ở chỗ khác thì chúng đã bị nấu cao rồi(!). 

Không những khỉ, mà voọc cũng có thể bị nấu cao. Và chim chóc, chồn sóc... tất tất sẽ bị giết. Rồi rừng cây nữa, sẽ bị chặt hạ để lấy gỗ, để đốt than, để làm củi... như ở đâu đó khắp nơi. Nếu thế, làm gì còn rừng Sơn trà, làm gì còn những con suối trong lành cấp đủ nước cho toàn dân trong quận.
     Nhưng không! Người dân Sơn trà không làm thế. Bán đáo Sơn trà vẫn còn gần 4000 ha rừng xanh mướt và 20 dòng suối có nước chảy quanh năm với bao nhiêu loài cây và bao nhiêu loài chim thú. Thế mới biết trân quý Sơn trà, và càng trân trọng hơn người dân Đà nẵng.
      Dễ chừng đã hơn 40 năm tôi không còn nghe tiếng mang toác nữa, kể từ ngày rừng mỡ trên núi thiêng Pu Hiêu và cả rừng quế của lâm trường Quế phong bị tàn phá. Khi Pu Mai bị cạo trọc để làm nương rẫy thì cũng không còn nghe tiếng coong còi. Cũng từ những năm ấy thưa vắng những cánh chim.


      May sao, trời cho tôi được gặp lại nơi này những voọc, những khỉ và vô vàn chim chóc. May sao đêm nay nghe thấy tiếng mang toác.  Và mong sao Sơn trà mãi xanh. Mong sao nữa: Pu Mai, Pu Quai, Pu Hiêu và cả đại ngàn Trường sơn lại trở nên xanh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét