Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Quân đông dân nhiều có phải là điều đáng sợ

     Cũng mấy tuần trước, có lẽ là trong tháng tư, tôi không nhớ rõ lắm, vốn tôi lờ mờ về thời gian; Đang cày, dừng tay dòm ra ngoài thấy có thằng cha nào đeo kính, đeo cả khẩu trang ngồi vắt trên xe máy như thể đang chờ đồng bọn. Sinh nghi, tôi tiến lại gần, định quát thì thấy hắn bỏ kính ra, bỏ cả khẩu trang, rồi cười. Tôi nhận ra cháu Đức bên an ninh. Tôi bảo: - Có chuyện chi mà cháu phải theo bác qua đây?
         - Trên mạng có thông báo biểu tình bác ạ.
         - Thế mà bác không biết, lâu nay bác không vào mạng.
  Rồi tôi bảo Đức vào nhà, bác cháu trò chuyện. (Sở dĩ xưng hô bác cháu vì bố cháu Đức còn kém tôi 10 tuổi). Trong câu chuyện Đức lộ ra cái ý sợ nước lớn, chúng nó quân đông dân nhiều, có tiềm lực hơn, mình đánh không lại với nó. Tôi bảo:
     - Không biết là cháu nói theo ý cháu hay là cháu nói theo ý cấp trên của cháu, nhưng như vậy là hèn. Nước ta tuy nhỏ nhưng không yếu, lại càng không hèn. Lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng minh điều đó. Từ xưa tới giờ có lúc nào mà kẻ thù phương bắc, là nước lớn đấy, đã thắng chúng ta, hay chỉ toàn thua nhục nhã. Hai đế quốc to cũng đã thua ê chề, cay đắng. Sao vào lúc này cháu lại nói thế, hay là sao người ta lại dạy cháu nói thế?
      - Hay là cháu chưa biết địch biết ta. Cháu chưa biết thằng Tàu? Nó có nền văn hóa lâu đời đấy, văn chương nó viết rất hay đấy, mưu lược nó nghĩ ra đủ thứ đấy, võ thuật nó giỏi đấy, nhưng đánh giặc để giữ nước thì nó hèn, đem quân đi đánh nước khác nó lại càng hèn. Chính người Tàu thừa nhận chúng nó chỉ có gia tộc mà không có quốc tộc. Một người của nó có thể mạnh nhưng ngàn người của nó thì yếu. Nó thua Nguyên Mông, đất hẹp, dân ít hơn nó rất nhiều. Cả cái Đại Hán lại thua một nhúm nhỏ Mãn Thanh. Cả cái Trung hoa rộng lớn thua một dúm quân  Anh đến phải nhượng Hồng công cho chúng. Rồi Tàu đầu hàng Nhật. Ngay cả quân GPND Trung quốc cũng chỉ dám tọa sơn quan hổ đấu chờ khi Tưởng Giới Thạch kiệt quệ mới dám dụng binh mà chiếm đại lục.
     - Cháu xem Tam quốc chưa? Rồi à. Thế cháu có thấy khi tướng thua thì quân bỏ chạy không? Vậy thì quân đông có tích sự gì? Còn tướng của nó , có tướng nào ở trong tốp những vị tướng giỏi nhất thế giới không? Cái đội quân Tàu Tưởng tràn sang ta năm 45 là gì vậy, toàn một lũ ô hợp. Cái lũ bành trướng trên dọc biên giới phía bắc năm 79 cũng thế, chẳng hơn gì.
     - Văn hóa của thằng Tàu, trong đó có phong thủy, nhiều cái hay lắm, nhưng có cái dở là làm cho người Hoa chọn nơi cư trú co cụm, rồi dần đến cát cứ, anh hùng nhất khoảnh. Thành ra tư tưởng bó hẹp, cục bộ địa phương, năm bè bảy mảng, thiếu sự thống nhất. Đó là cái gót chân Asin của thằng Tàu vậy.
    - Thứ nữa là người Tàu giờ chỉ cho sinh một con. Mà cái đầu óc gia tộc phong kiến người Tàu thì nặng lắm. Thằng Tàu tìm đâu ra người hy sinh nơi sa trường để cho kẻ khác ở nhà thụ hưởng?
    - Thêm ý nữa là thế giới ngày nay đâu dễ để thàng Tàu muốn làm gì thì làm, đánh ai thì đánh. Ngày xưa chỉ có mình với nó tay bo, thế giới có biết đấy là đâu, mà nó còn không làm gì được, huống gì ngày nay thế giới phẳng, có ai ủng hộ nó đâu.


     Bây giờ thì cháu nêu lập luận của cháu đi, vì sao lại sợ nó, bác đang nghe đây. Thật buồn, cháu Đức chỉ biết cười trừ.
    - Nói thế cháu ạ, không phải là để gây chiến với Tàu, mà là để ta có thái độ rõ ràng về chủ quyền của mình, đặc biệt là chủ quyền biên giới và biển đảo. Ta phải công khai khẳng định chủ quyền, công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông trong nước và cả trên toàn thế giới các chứng tích lịch sử về chủ quyền không thể phủ nhận của chúng ta đối với biển đảo, đối với Hoàng sa, Trường sa. Và chúng ta cũng phải tỏ rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng ấy. Các bác có đi biểu tình cũng chỉ là để góp một chút nhỏ cùng toàn dân tỏ rõ quyết tâm đó mà thôi.
       Vấn đề còn lại là dũng khí của chủ tướng cầm quân. Dũng khí không lệ thuộc vào chuyện to hay nhỏ, ít hay nhiều. Cháu ở trong lực lượng vũ trang, cháu đã được học võ thuật, cháu biết rõ điều này? Quả là bác không biết từ đâu nảy nòi ra cái tâm lý sợ thằng Tàu quân đông dân nhiều như cháu vừa nói, sợ đến mức phải nín thít không dám hé răng khi chúng xâm phạm lãnh hải của mình, bắt bớ ngư dân mình, cắt cáp tàu thăm dò của mình? Bác nghi ngờ cái tâm lý này lắm, nghi ngờ luôn cái lý do được đưa ra để mà sợ sệt này nữa. Có lẽ đây là một đề tài mà cháu cần tìm hiểu, điều đó có ích cho cháu và cả cấp trên của cháu hơn là đi theo rồi ngồi nhìn bác từ xa như vừa nãy. 
    Mười hai giờ trưa, như thông lệ, cháu hết ca phải bám theo tôi. Chia tay, hy vọng có dịp gặp lại, hai bác cháu cùng nhau trao đổi tiếp về vấn đề này.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét