Tôi xin nhắc lại lời thầy- cụ Sầm Văn Phú - dạy tôi hồi 1972. Cụ chỉ nói có ba câu:
"1. Sinh khí, trong đó có dưỡng khí là vô biên trong trời đất . 2. Trong lục phủ ngũ tạng của con người duy nhất chỉ có tạng phế là có thể điều khiển được. 3. Vậy thì hãy dùng ý thức của mình mà điều khiển hơi thở sao cho có thể thu nhận tối đa dưỡng khí và hơn nữa là sinh khí trong trời đất."
Sau ngày được gặp thầy tôi đã thường xuyên để tâm đến "khí công" như thầy đã nói, nhưng tôi chưa có may mắn được tập khí công cùng ai cả. Tôi lần mò theo các sách của Nguyễn Khắc Viện, của Nguyễn Văn Hưởng, rồi sách dịch của Nga, rồi sách nói về thiền, về đạo Phật, về yoga v.v... Rồi tôi lần mò tự tập. Nhiều cái tôi tập một thời gian rồi mới biết mình tập như thế là sai, lại bỏ, lại phải tập lại theo cách khác. Cứ như vậy cho tới giờ, kể ra cũng đã được 40 năm.
Chục năm lại nay tôi đúc rút ra được 4 phương châm chỉ đạo, hay là yếu lĩnh nhất thiết phải có của sự tập dưỡng sinh, ấy là:
-. Đầu óc trống rỗng. -. Thư giãn tối đa. -. Hơi thở điều hòa. -. Để tâm một điểm.
Đầu óc trống rỗng là không nghĩ ngợi, không suy luận, không cố ý ghi nhớ cái gì, và cũng không quan tâm tới một điều gì ngoài một điểm nào đó của chính mình.
Thư giãn tối đa là thả lỏng cơ bắp, gân xương và cả thần kinh ở mức cao nhất, nhiều nhất có thể ở mọi tư thế khác nhau trong suốt thời gian tập cũng như trong suốt thời gian sống và làm việc của mình.
Hơi thở điều hòa là thở bằng cơ hoành và bằng cơ bụng một cách chậm, đều, êm và sâu tới chừng mực có thể trong mọi hoàn cảnh, mọi tư thế kể cả những tư thể ngặt nghèo nhất hoặc bị chèn ép gò bó nhất.
Để tâm một điểm, có thể là một nhóm gân cơ, một ổ khớp, một huyệt đạo, hay chỉ là một điểm nào đó trên cơ thể, hay là chính hơi thở của mình... Thường là để tâm cảm nhận cái chỗ khó nhất ở mỗi tư thế, mà ở đó góc quay của khớp xương và sự giãn cơ gân diễn ra nhiều nhất. Chỉ cảm nhận chứ không suy luận, không biện giải, cũng không cần ghi nhớ. Để tâm chứ không phải là để trí vào điểm đó.
Thời gian tập tốt nhất là buổi sáng, khi vừa tỉnh dậy. Cũng có thể vào thời điểm khác nhưng phải xa bữa ăn ít nhất 3 giờ.
Bài tập vào buổi sáng khi vừa thức dậy(lưu ý đi tiểu xong) gồm có ba phần:
Phần 1: Đánh thức giác quan. Tôi dùng bài xoa bóp Cốc Đại Phong, chủ yếu ở đầu, cổ và răng miệng cho phần này. Xoa ấm hai bàn tay- xoa mặt - xoa mũi - gãi đầu- chải tóc- xoa tai - đánh mắt- gõ răng- đánh lưỡi- súc miệng- xoa cổ và xoa gáy. Lưu ý bốn yêu cầu trong khi tập.
Phần 2: Tập các tư thế của yoga lần lượt từ nằm đến ngồi bán già, đến ngồi trên gót chân (ngồi kiểu Nhật), đến ngồi trên đầu ngón chân và tới đứng thẳng.
Vì yoga có rất nhiều các tư thế khác nhau, người có tuổi không thể tập hết các thế đó được, chỉ nên chọn lựa những tư thế phù hợp với mình. Khi vào cũng như khi thoát ra khỏi mỗi tư thế đều phải nhẹ nhàng chậm rãi, kết hợp hơi thở và thư giãn, để tâm cảm nhận những thay đổi mà tự động điều chỉnh gân xương. Mỗi tư thế nên đạt đến biên độ tối đa có thể, dừng lại ở biên độ đó từ ba đến năm nhịp thở, rồi từ từ trở về tư thế ban đầu trước khi tập sang tư thế mới. Lưu ý tốc độ vào ra mỗi tư thế ở mỗi người một khác, và cả biên độ cũng vậy, vì thế những người cao tuổi không nên tập theo nhịp độ của người khác.
Phần 3: Niệm và vẩy tay theo Dịch cân kinh:
- Cúi chào đất mẹ. (Từ bắt đầu tập cho tới đây, hai mắt đều nhắm, không nhìn ra ngoài mà "nhìn" vào trong).
- Ngước nhìn trời xanh (đến đây thì mở mắt).
- Chắp tay trước ngực (lại nhắm mắt) và niệm: Xin cản ơn trời phật... Xin cảm ơn đất mẹ...
- Một ngày mới bắt đầu. Mở mắt. Buông tay xuống, và vẩy về phía sau theo Dịch cân kinh và niệm: Hãy nhẹ nhàng - tự tin - bước đi - trên cõi - đời này. Tiếp tục vẩy tay và niệm tới chừng nào có thể, nhưng không gắng sức. Lưu ý kết hợp vẩy tay với dập gót chân xuống đất và vỗ tay.
Tôi thấy bài tập này có ích cho việc giữ gìn sức khỏe, gân cốt dẻo dai, chống chịu bệnh tật và ngừa được những sang chấn bất thường cả về thể chất lẫn tâm lý. Có lẽ nhờ thế mà từ khi nghỉ hưu tới giờ, đã hai mươi năm tôi chưa phải dùng đến bảo hiểm y tế. Tôi đã trao đổi và cùng với bạn bè tập bài dưỡng sinh này. Có nhiều người bỏ giữa chừng nhưng cũng có nhiều người kiên trì tập được và đã kiểm chứng những lợi ích rõ rệt. Bởi thế, với sự động viên của bè bạn, tôi lên trang bài viết này, mở đầu cho loạt bài tiếp theo về dưỡng sinh được viết cặn kẽ hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét