Ngày ấy phải phân công học sinh trực trường cùng thầy những dịp nghỉ hè và tết. Một chiều hè 1972, tôi cùng Lô thanh Chương (K4), nghe tiếng mang toác trên Pu Hiêu, liền xách súng dò lên. Theo lối mòn đi được mấy chục bước thì rừng cây đã vây kín bịt bùng. Tiếng mang vẫn toác trên cao. Chúng tôi len lách đi dần lên, rồi chui qua một triền cây lịm (cùng họ với giang), đến khi đứng thẳng lên được thì Chương bỗng la lớn: - Ổ lợn rừng!
Tôi không kịp hiểu. Chương cầm tay tôi kéo lùi lại. Tôi thấy mặt Chương xám nghoét. Như một luồng điện chạy qua người, tôi thoáng nhận ra: nguy rồi.
Trước mắt tôi là một đống cành lá còn tươi nguyên chất vun lên cao tầm đến đầu người, tỏa rộng chừng ba mét. Ổ lợn rừng. Bấy giờ tôi mới hiểu. Chúng tôi đã đứng sát bên. Con lơn mạ mà xông ra? Thôi xong. Chỉ một phần trăm giây thầy trò tôi đã bị húc lòi ruột.
Theo một bản năng tự nhiên hai thầy trò nhẹ nhàng lùi ra sau một gốc cây to. Dưới gốc cây là một vạt đất vừa bị ủi lên còn hăng mùi nến. Thân cây nến chảy ướt dính nhựa. Đây là cây trám trắng, còn gọi là cây nến, lợn rừng thích cọ vào cho nhưa dính lên da.(*)
...Đống lá im phắc. Rừng già pu Hiêu im phắc. Chúng tôi cùng cảm thấy một sự chẳng lành. Chúng tôi tìm một cây vừa ôm để trèo lên. Đến khi yên yên chúng tôi mới bẻ cành ném xuống. Vẫn yên ắng. Chúng tôi ném nữa. Vẫn lặng tờ. Chúng tôi xuỵt, hù, uậy. Không thấy gì cả. Tôi hú lên. Tiếng hú bản năng hoang dại vang xa trong rừng rồi vọng lại: h.u.ú...u...
Một lúc sau chúng tôi quyết định phải nhanh chóng rời đi. Trời đã ngả chiều. Phải về thôi. Rừng mờ mờ tối. Sương mù bắt đầu loang trong khe núi. Chúng tôi tụt xuống, nhìn trước nhìn sau nhẹ nhàng luồn rừng để đi. Đi mãi, một lúc sau ngẫng đầu lên lại thấy cây nến đất bết nhựa.
Lạc rồi. Sau này tôi mới hiểu ra: -mỏm núi như bát úp, còn chúng tôi thì đi quanh trôn bát, tròn một vòng về lại chỗ cũ. Còn lúc bấy giờ thì chúng tôi hoảng. Chương biết nhiều hơn tôi các huyền thoại về Pu Hiêu, Chương càng hoảng hơn. Như người ta nói:- gặp phải ma lạc.
Tôi nắm tay Chương kéo tụt xuống dốc. Dốc khoảng 60 độ. Đi xuống rất khó, thậm chí không thể đi được. Chúng tôi phải toài người ra cho chân xuống trước, người tuột dần theo. Có một triền cây lịm giăng giăng đan kết bịt bùng. Chỉ có thể toài người dưới cái lưới bùng nhùng ấy mà tụt dần. Ánh sáng yếu ớt lúc hoàng hôn không len đến chỗ chúng tôi. Chúng tôi tụt dần, nằm toài ra mà tụt. Rất may dưới rừng lịm không có gai.
Qua khỏi triền lịm chúng tôi gặp con khe cạn. Chúng tôi đi theo lòng khe xuôi xuống dần. Đã có lối mòn. Mọi con khe đều chảy về chỗ thấp, về thung lũng, về sông lớn. Mọi con đường xuôi xuống đều về bản. Tối mịt chúng tôi về đến nhà. Mẹ tôi đang bồn chồn lo lắng. Mâm cơm đã dọn rồi để lạnh.
Đêm ấy Chương rủ rỉ kể cho mẹ con tôi các huyền thoại về Pu Hiêu, vì sao lại gọi là Pu Hiêu (núi cao) mặc dù núi không cao, vì sao dân làng giữ nguyên Pu Hiêu mà không dám phát đốt làm nương nại...
1984
(*) Nhựa cây chảy xuống đất kết thành từng mảng, người ta lấy về gọi là nến đất, vẫn có bán ở chợ dưới xuôi, cho người xông bếp than.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét