Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

RCYT: 33. VỈA QUẶNG

      Cuối giờ học Lô văn Thoàn đưa cho tôi một hòn đá. Hòn đá nặng, màu gan gà, đôi chỗ màu tím biếc, nơi bị vỡ ra có chút lấp lánh. Hòn đá to bằng quả cam có 12 mặt hình thoi bằng nhau tạo thành khối đa diện đều. Các mặt hình thoi có góc nhọn khoảng 75 độ còn góc tù khoảng 105 độ. Toàn khối có 6 đỉnh tứ diện và 8 đỉnh tam diện. Dễ dàng tính ra số cạnh theo công thức Ơ-le:
   12+6+8-2 = 24
  Kiểm tra lại bằng lập luận:  12 mặt, mỗi mặt 4 cạnh, mỗi cạnh lại chung cho hai mặt, vậy số cạnh là: 12x4 :2= 24.



   Đấy là tất cả những gì tôi nói được với Thoàn, theo hiểu biết của người học toán. Còn Thoàn thì cho tôi hay rằng em đã nhặt được hòn đá này trên đường đi làm rẫy. Có rẩt nhiều những hòn đá như thế, to nhỏ khác nhau nhưng cùng có hình dạng giống nhau cả. Em còn thắc mắc không biết họ đẽo những hòn đá này để làm gì, đẽo bằng cách nào mà giống nhau thế? Rồi sao họ lại chôn xuống đất?
    - Thoàn ơi, thầy cũng như em thôi, thầy chưa trả lời được, nhưng thầy đoán rằng đây là một loại quặng ở dạng tinh thể. Có lẽ ta nên đến đó một lần nữa?
     Một chiều đẹp trời tôi cùng Thoàn và Khánh lên đường. Chúng tôi đi dọc theo đường lâm trường mới mở tới bờ Nậm Giai. Ở một khuỷu sông nổi lên doi các trắng mịn màng, hạt đều như rây. Tôi nghĩ ngay: trường mình sắp xây dựng, nhanh lên kẽo mùa mưa tới nước lại cuốn chỗ cát này đi nơi khác.
     Chúng tôi đi dọc bờ sông xuôi dần. Có quãng dài Nậm Giai chảy giữa hai vách đá dựng đứng trơ khấc. Cuối quãng hẹp ấy là một cái vực khá rộng và sâu thăm thẳm.
     Tới đây con đường mới mở rẽ trái men theo sườn đồi và hơi dốc lên. Qua đỉnh dốc sang mé bên kia nơi mới mở bằng máy ủi chúng tôi thấy giữa đường và cả trên vách ta-luy có vô số nhưng tinh thể quặng 12 mặt. Hạt nhỏ bằng quả xoan, cục to bằng nắm đấm, tất cả đều đồng dạng, đồng màu. Chúng tôi nhặt lên xem rồi thả ra, rồi lại nhặt lên một khối khác. Tất cả đều như nhau. 
      Chúng tôi còn thấy một vệt các khối tinh thể xếp sát bên nhau thành một lớp chừng hai gang tay chạy dài suốt dọc vách ta- luy cách mặt đất chừng một mét. Không biết lớp quặng này còn mở ra dài rộng tới đâu, nhưng chỉ ngần này thôi cũng đã có thể xem là có mỏ. Còn nó là mỏ gì thì tôi không biết được, đành nợ Thoàn một câu trả lời. Tôi chọn nhặt mười mẩu quặng có hình dáng điển hình làm kỷ niêm chuyến đi, cũng là để tôi ghi mốc 10 năm ở miền đất này dạy học.
       Tôi đã nhờ anh Sầm Bá Tuyên vốn là chuyên gia ở viện địa lý địa cầu thuộc viện khoa học Việt nam xem mẩu quặng này và anh cho hay đây là đá granat kết tinh. Anh còn lấy làm tiếc là ngày học đại học các thầy còn phải gọt bằng gỗ các mẫu tinh thể quặng để mà minh họa. Vậy ra trường đại học cũng chưa có mẩu quặng này. Thế đấy. 
      Loại đá quặng này thường dùng chế tạo đá mài công nghiệp- anh Tuyên nói. Tất cả sự sắc bén của các công cụ cắt gọt cơ khí đều tùy thuộc vào nó. Có cả một mỏ quặng sẽ có biết bao nhiêu  đá mài, là có biết bấy nhiêu sự sắc bén. Mà sự sắc bén lại quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm cơ khí chế tạo. 
     Và còn là gì nữa trong các mẫu quặng này...
     Nhưng thôi, chỉ với ngần ấy điều biết được, mấy thầy trò chúng tôi đã thấy vui vui với phát hiện của mình.
                       1984.

*** Tìm trên google, theo phân loại đá granat thì mẫu của chúng tôi thuộc loại Almandin Fe3Al2(SiO4)3;  có độ cứng từ 7 đến 7,5 xếp sau kim cương nhưng rắn hơn hầu hết các kim loại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét