Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

HỌC TOÁN ĐỂ LÀM GÌ

     Nhân được đọc bài đáp từ của GS Hoàng Tụy trong lễ nhận giải Phan Chu Trinh trên blog NXD tôi tự dưng hỏi mình câu hỏi đó. Là người được học toán từ phổ thông cho đến đại học tôi chưa bao giờ tự hỏi mình như thế. Hình như hỏi thế là thừa vì câu trả lời đã có sẵn hay là đã biết câu trả lời trước khi hỏi. Cũng tương tự như thế, chẳng ai hỏi ăn cơm để làm gì, hay tập thể dục để làm gì.
    Nay thì tôi phải tự hỏi mình, dù rằng bây giờ tôi già rồi không còn dính dáng gì với toán nữa. Vậy khi còn trẻ, khi đi học phổ thông, tôi học toán để làm gì? Ngày ấy tôi chưa bao giờ hỏi mình như thế. Chỉ thấy rất thích học toán. Cũng chưa bao giờ tự hỏi tại sao lại thích. Bây giờ nghĩ lại, có khi thích là vì học nó dễ vào hơn những môn khác, bài tập cũng dễ hơn, ít nhất là dễ hơn rất nhiều so với làm một bài tập làm văn. Đã thế, thường lại được điểm cao, sao lại không thích. Cũng không loại trừ cái hiếu thắng của con trẻ. Ấy là cái cảm giác lâng lâng khi thấy mình làm được mà ít người khác làm được. Cũng có thể, nhưng chỉ chút nhỏ thôi, thấy toán có thể dùng được vào cuộc sống thường ngày. Bây giờ cũng câu hỏi này có người trả lời rằng học để lên lớp, học để thi vào đại học. Đúng quá, nhưng ngày ấy tôi không hề nghĩ thế. Lên lớp, hay đỗ đại học như là một điều tất nhiên. Còn học do thích lại là việc khác.
    Khi lên đại học rồi, học toán để làm gì. Nói thực lòng, cũng là học do thích. Còn để làm gì, thì rõ rồi, vào sư phạm, học toán là để sau này đi dạy toán. Dạy toán là nghề để tôi kiếm sống, nhưng chỉ vì kiếm sống mà học toán thì không phải. Dạy toán cũng không đơn thuần là để kiếm sống, với tôi còn là niềm vui, là hứng thú, và là trách nhiệm nữa.
    Với tôi, như thế tạm cho là đã trả lời được học toán để làm gì. Còn với những người không thích học toán, thậm chí sợ học toán, và cũng không phải để mà đi dạy toán như tôi thì học toán để làm gì. Như trên, đã có ngườ trả lời: học để được lên lớp, để thi tốt nghiệp, để thi đại học...Không lên lớp thì không qua nạn mù chữ. Không thi được vào đại học thì còn mặt mũi nào, thì làm gì, đi cày à, lấy đâu ra ruộng?...
     Tạm cho như thế là câu trả lời, nhưng là nằm ngoài cái thực chất của toán học, nó chỉ là cái thủ tục thì đúng hơn, mà mỗi người muốn qua thì phải làm cái thủ tục đó, như là phải mua vé để qua phà, mà cái vé không phải là cái sào để chống phà. Hóa ra trả lời câu hỏi này không dễ.
   Để dễ trả lời hơn, tôi hỏi bạn bè, hỏi các trò của tôi, những người đã trưởng thành ở nhiều nghành nghề khác nhau, có người là kỹ sư, là bác sĩ, là tiến sĩ khoa học công nghệ, chứ không phải là khoa học xã hội, những câu cụ thể thế này:
   - Anh vẫn nhớ chứ, cái gọi là số nguyên tố ấy, theo anh học nó để làm gì?. Phần lớn là chịu, có người còn không nhớ, có người nói được là để tìm  bscnn và ưscln. Tìm được những cái đó rồi thì để làm gì nữa? Lại chịu!.
   - Hỏi tương tự với phân số, hỗn số, với hằng đẳng thức đáng nhớ, với cọng trừ nhân chia đơn thức đa thức, rối ù cả tai, chẳng mấy ai nhớ, chứ nói gì đến chuyện dùng để làm gì.
   - Hỏi thêm tới trung tuyến trung trực, góc trong cùng phía, rồi cung chứa góc, nội tiếp ngoại tiếp, rồi sin, cos, rồi logarit, chẳng còn mấy ai nhớ, cả bọn cười xòa với nhau.
   - Ừ  nhỉ, chẳng biết học để làm gì. Quả là chưa bao giờ dùng đến, lâu ngày rồi quên mất.
   - Tôi hỏi thêm, cái này thì hay lắm, chắc là dùng được, cái cực đại cực tiểu ấy, có vị nào nhớ không? Ừ, có nhớ, ngày ấy cày kỹ lắm, nhưng mà cũng chưa dùng bao giờ.
   -Hỏi câu cuối cùng nhá thế có dùng tích phân vi phân vào đâu không? - Cậu hỏi mới nhớ ra, biết, có biết, nhưng nói thực cũng chưa bao giờ dùng tới cả. - Ông là kỹ sư kia mà sao lại không dùng? Không cần thì không dùng, ông đừng tự ái, môn của ông thật đấy nhưng thực tế không dùng tới thì tớ nói là không dùng. Ông đừng giận.
    Còn giận ai được, thực tế nó vậy. Có cảm giác cay đắng một chút cho cái môn của mình, cho cái việc của mình. Thế mà ngày xưa đi dạy mình bắt trò học, bò ra mà học. Mình lại ra thêm cho chúng những bài toán khó. Mình không giải, chỉ gợi ý, rồi bắt chúng phải tự giải. Rơm rớm nói với trò: - tha lỗi cho thầy. -Không phải đâu thầy ơi, nếu thầy không rèn bọn em như thế thì làm sao bọn em có thể thi đỗ được. Ừ, thì còn chút an ủi cuối cùng- giúp trò có cái vé qua phà.

    Toán học, quả thực có giúp cho chúng ta rèn luyện tư duy, rèn cả cách diễn đạt sao cho chính xác rõ ràng súc tích. Toán học giúp ta biết khi nào thì dùng cọng trừ nhân chia, dù là bây giờ bằng máy bỏ túi.
    Toán cũng cần cho người thợ xây khi thả dây dọi kiểm tra cái cột thẳng đứng bằng cách ngắm từ hai phía không thẳng hàng với nó. Tiếc là không mấy ai dạy toán nhớ nhắc cái ứng dụng ấy với trò, có nhắc cũng chẳng mấy trò nhớ nổi, có nhớ nhập tâm thì chắc gì trò ấy đã làm thợ.
   Xin nói thêm, để rèn tư duy thì đánh cờ cũng là rèn. Để rèn diễn đạt rõ ràng chính xác súc tích thì làm thơ viết văn cũng là rèn, đặc biệt viết câu đối lại càng rèn. Thành thử toán không phải là môn độc quyền về mấy thứ đó.
    Nôm na mấy ý nhân đọc bài diễn từ của GS Hoàng Tụy. GS có nhắc điều đầu tiên là học và thi. Học cái gì, thi ra sao. Tôi không lý giải sâu xa được, chỉ xin nêu một thực tế, bằng chính việc học và dạy toán của mình, một ngày đã xa rồi.

5 nhận xét:

  1. hay :) mình cũng đang k hiểu học toán để làm gì. Học toán là để có cái vé qua phà. Cảm ơn bài viết của bạn :)

    Trả lờiXóa
  2. có một số học sinh cũng hỏi tôi như thế. "Học toán để có vé qua phà". cám ơn bạn!

    Trả lờiXóa
  3. Xin phép thầy cho em được trích dẫn bài viết sang blog của em. Cảm ơn thầy về một bài luận hay. :)

    Trả lờiXóa
  4. Theo mình thì học Toán cực kì nhiều ứng dụng và có lợi cho cuộc sống.
    Thứ nhất: toán để rèn tư duy như bạn nói rồi.
    Thứ hai: toán ứng dụng cực kì nhiều vào trong cuộc sống. Nếu xét toán đứng riêng một mình thì vô nghĩa. Nhưng áp dụng vào những lĩnh vực cụ thể thì toán cực kì cần thiết. Phân số, hỗn số, với hằng đẳng thức đáng nhớ, với cọng trừ nhân chia đơn thức đa thức vân vân mà bạn liệt kê đều ứng dụng thường xuyên trong tin học để giải thuật. Cung chứa góc, nội tiếp ngoại tiếp, rồi sin, cos,... ứng dụng nhiều trong thiết kế đồ hoạ 3D. Log, ln... ứng dụng trong vật lý, hoá phân tích định lượng...
    Tất cả đều có mục đích của nó

    Trả lờiXóa