20.
Buổi chiều tôi lại tha thẩn ngoài bãi biển, hay đầu ghềnh đá, hoặc bắt dế, hoặc lên đồi hái sim hái móc. Có đêm theo mẹ và mấy người nữa trong cơ quan đi bắt còng. Lấy nứa bó lại làm đuốc, soi dọc bờ bể, đêm còng ra ăn nhiều, đuổi theo mà bắt trước khi nó kịp chạy về hốc hoặc xuống nước. Đuổi bắt còng rất thú vị, nghĩ là được ăn còng càng hứng thú thêm, đến khi ăn thì mới nhận ra không có gì hấp dẫn cả.
…Cũng có những khi theo người lớn đi tắm, nhất là khi có đoàn của ty của bộ về thăm. Mấy ông cán bộ ấy ham tắm biển lắm. Có khi gặp bà con kéo lưới cũng chung tay kéo cùng. Tôi nhớ có lần đi tắm về được một lúc thì bà con gánh cá vào biếu, nói rằng: Nhờ có cán bộ, mẻ lưới này trúng to, xin biếu cán bộ lấy may.
… Có lần một tàu đánh cá của Trung quốc hỏng bánh lái dạt vào bãi biển. Họ nói gì không ai hiểu. Ba viết mấy chữ nho lên bãi cát, họ cũng viết, bằng cách đó mà trao đổi với nhau. Thế là biết họ có người ốm. có người say sóng. Ba tổ chức cứu chữa, rồi liên hệ địa phương sửa tàu cho họ.
…Đồng Mí cách biệt với xung quanh, trước mặt là biển, ôm trọn phía sau và hai bên là núi như một vòng cung, mà không hiểu sao vẫn có nhiều cá rô trong ruộng, trong khe re rách nước. Anh Đỉnh đan lờ, đặt vào trộ nước chảy, cá rô lóc ngược, có hôm vào trặt cả lờ.
…Ngoài Đồng mí là Đông thanh, Đồng minh, cũng địa phận Quỳnh lập. Ra nữa theo phía bắc là Tĩnh gia Thanh hóa. Đồng thanh, Đồng minh có nhiều cư dân làm nghề cá, không như Đồng mí bỏ hoang không có người ở. Dân hai làng ấy đánh được cá phải gánh lên tận Hoàng mai mới có nơi tiêu thụ. Từ ngày có trại phung, có công trường xây dựng, hai làng có thêm thị trường ngay kề nên phấn khởi. Tôi được ba mẹ cho đi cùng đến thăm hai làng đó. Tới đâu cũng được bà con tiếp đón ân cần và cho thưởng thức nhiều thứ như cua đá, tôm hùm, mực ống, cho cả rau câu đã phơi khô để về nấu thạch.
… Có những ngày mẹ lặng lẽ chuẩn bị cho tôi đi học theo tiêu chuẩn học sinh miền Nam. Như thế là tôi phải xa ba mẹ. Mẹ thêu tên tôi lên áo quần, khăn mặt, thêu lên cả cái túi đựng quần áo sách vở. Cũng không có chi nhiều, vừa một cái túi có quai đeo qua vai. Mẹ may cái túi ấy và cả bộ áo mới của tôi bằng vải của cái vỏ chăn hoa mà mẹ cắt ra. Tôi thấy mẹ khóc nhiều lần, khóc giấu ba tôi, giấu cả tôi, không thành tiếng. Thế rồi thôi, tôi không đi ra trường học sinh niềm Nam nữa. Tôi ở nhà với ba mẹ, chấp nhận đi học xa bốn cây số qua đèo.
21.
Học lên lớp 3 thì trại phung dời khu CNV ra phía ngoài đèo, nghĩa là ra khỏi vành trăng khuyết của thung lũng Đồng mí. Ra đây thì tôi đi học gần hơn nhưng ba mẹ đi làm lại xa hơn. Bệnh nhân hồi này vào nhiều. Thực tình tôi không mấy khi thấy họ, chỉ nghe ba mẹ nói và nhất là nhìn vào những quyển sổ bìa cứng to đùng ghi danh sách người bệnh của ba.
… Có hai chuyên gia người Bun sang giảng về bệnh phung. Lớp học có vài chục người. Tôi thấy Tây lấy làm lạ, cứ rình ở bên ngoài để nghe. Chỉ nhớ hai từ “úy, nông”, nhưng lại biết được ba vừa là giám đốc, vừa là học viên, vừa là phiên dịch. Hôm kết thúc khóa học, có buổi liên hoan, tôi cũng được ngồi bên ba mẹ. Không ăn gì, tôi chỉ đòi khoai tây, đòi được rồi mới biết dại. Khoai tây nhạt thếch, không ngon bằng khoai lang.
… Trong không gian vắng lặng của vùng đồi, cách xa khu dân cư, đêm đêm ở trong nhà tôi có thể nghe tiếng guốc, tiếng dép mà nhận ra ai đang đi ngoài đường hay ai đang đi về phía nhà mình. Tôi cũng dễ dàng nhận ra mùi thơm khoai lang cháy khi đi giữa trảng cỏ, nhất là những buổi sáng mai của mùa nắng. Ba tôi nói đấy là mùi cỏ mật, khi bị héo cỏ mật dậy mùi, nhất là khi đọng chút hơi ẩm. Còn người khác thì nói là ma luộc khoai, hay ma nấu ăn. Khoai luộc nồi đất, đến khi chín rồi, cạn nước, thì củ khoai bị sém, chất mật trong khoai bị cháy bốc hơi lên, thơm ngọt. Mùi cỏ mật cũng vậy, nhưng không ai nhìn thấy giữa chốn đồng bãi vắng lặng, chỉ ngửi thấy thôi, thành ra bí ẩn mà gọi là ma. Bây giờ con cháu tôi không thể phân biệt được các loại cỏ, còn ngày đó thì trẻ con biết rõ từng loại cây, loại cỏ bên đường, trên đồi trên núi. Cỏ mật bò sát đất, thân mập, đốt ngắn. Phải nắng nóng dài ngày lắm cỏ mật mới héo, gặp khi có sương ẩm thì mùi thơm mới dậy lên và lắng đọng trong không khí.
…Con đường mòn qua đèo mà hồi học lớp 2 tôi vẫn đi về mỗi buổi nay được mở ra to rộng hơn cho xe ô tô con có thể chạy được. Rồi người ta cho bệnh viện cả một cái máy phát điện to kinh khủng. Cho tới khi đó tôi chưa từng thấy cái máy gì to như vậy. Phải dùng đến bốn chục người gánh cái máy ấy từ ngoài đường I vào. Tôi đã bỏ hai buổi học để đi theo đoàn người gánh máy. Họ đã dùng những cây mét dài để làm đòn khiêng. Ì ạch nhích dần từng chặng. Cuối cùng thì cũng phải dừng lại ở chân đèo phía ngoài dốc, và xây trạm điện ở đó. Chỉ tiếc là đến khi phát được điện thì tôi không còn được ở Quỳnh lập nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét