Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

RCYT: 110: BĂNG GIÁ

    Mùa đông năm 1973 vùng cao chúng tôi đã có những ngày băng gía. Đó là sự kiên hiếm hoi kỳ lạ làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và dẫu rất rét chúng tôi vẫn thấy thật là thú vị.
      Ban mai trời trong veo. Mặt trời lên sáng lóa. Không khí ấm dần và khô hanh. Gió chỉ heo heo. Chim chóc từ quãng chín giờ đổ lên vẫn ríu rít trong rừng. Con người cảm thấy nhẹ nhõm và sảng khoái. Đặc biệt các cô gái thì rất thích. Má các cô cứ hồng rực lên và đôi mắt cứ long lanh, long lanh.
     Về chiều nhiệt độ xuống rất nhanh. Nền trời vẫn trong xanh và cao vời vợi. Tôi thường nói đùa với trò: vậy là mặt đất thiếu chăn rồi. 17 giờ: 12 độ; 21 giờ: 5 độ; 24 giờ: 0 độ. Cái lạnh khô, tê tê. Rất khác với cái lạnh ẩm rít buốt. Trên rừng con mang không chiu được lạnh toác khản cả cổ trong bụi rậm. Thôi mày ơi, đừng toác ầm lên thế, sưng phổi đấy.
     Trong mọi nhà lửa cháy rừng rực. Các súc củi lớn được chụm vào nhau. Cái lạnh dừng ở ngoài cửa. Trời vẫn trong lạ kỳ. Ban đêm mà vẫn thấy rõ nền trời xanh biếc và muôn vàn các vì sao lấp lánh như thể đang run lên vì lạnh.
     Sáng ngày trở dậy, bếp lửa đã tàn. Nhiệt kế trong nhà chỉ âm 2 độ. Ngoài trời tất cả đều trắng xóa. Lá cây, đám cỏ, mái nhà, đến cả những chiếc cọc rào đều được phủ một lớp bột nước đông lại như muối. Lá cây trở nên cứng và giòn. Nước trong các thùng chậu đã đông cứng. Còn hơi nước từ trong giếng thì bốc lên cuồn cuộn và kết thành một lớp mù dày đặc.
      Chúng tôi say sưa thích thú với cảnh băng giá hiếm có này. Chúng tôi cũng ngạc nhiên quá đỗi đến mức quên mặc thêm áo ấm, mà cứ thế chạy khắp mọi nơi để xem xét từng nhành cây, khóm lá. Thương cho những chiếc lá gãy giòn như cái cái bánh đa và chúng tôi luôn xuýt xoa: băng giá!
      Học trò của chúng tôi cũng vậy. Nhiều trò đến trường rất sớm, mặc cho giá rét. Trò Phạm ngọc Bình còn cầm theo một tảng nước đá lạnh buốt trên tay, đem đến khoe với tôi. Và các trò xúc động nói: tuyết rơi! tuyết rơi!
     Chưa phải là tuyết rơi đâu các em ạ. Đây là sương muối và băng giá. Nghĩa là trời đã trở lạnh đến mức nước đông lại. Các giọt sương đọng ướt khắp nơi đã đông lại thành sương muối. Và một lượng nước nho nhỏ nào đó đã kịp đông lại thành đá, thành băng. Còn khi hơi nước từ trên cao đông lại thành từng bông trắng xốp và nhẹ nhàng rơi xuống thì đấy là tuyết. Để có tuyết rơi thì thường là phải lạnh hơn thế nữa và đặc biệt là phải có mây mang theo nhiều hơi nước tới. Các trò của tôi đã hiểu ra. Các em chạy tản đi khắp nơi để xem xét và luôn kêu lên: Băng giá! Ôi băng giá!
      Chúng tôi phải vào lớp muộn bởi phải chờ cho chân tay đỡ tê cóng.  May thay mặt trời lên nhanh và trời rất trong nên không khí ấn lên dần. Băng giá tan bốc lên một làn hơi nước mỏng, có cảm giác như một làn khói nhẹ màu lam. 
     Những con chim trốn rét mãi đến giờ mới cất tiếng gọi nhau dè dặt. Hình như chúng còn quá hãi hùng với cái rét đêm qua. Chúng cứ xuýt xoa: rét quá! rét quá! Những con chào mào phải trốn xuống dưới lòng các giao thông hào nơi có các lùm cây rậm phủ lên. Giờ này chúng vẫn còn ri rích đâu dưới ấy, chưa dám bay ra.
     Sau mấy ngày như thế, bầu trời trở xám nặng dần. Gió mùa về mang theo mây xốp. Mặt đất đã lại có chăn. Cái lạnh về đêm giảm dần. Nước không đông nữa nhưng chúng tôi vẫn luôn nhắc tới những ngày băng giá như một điều kỳ lạ và như một trải ngiệm lý thú. Đang khi đó chúng tôi không thể ngờ rằng chỉ ít lâu sau các đám cỏ chết khô hết cả. Các các cây bụi nhỏ thân xốp cũng xạm đen dần lại rồi chết khô. Rồi cà phê cũng chết hàng loạt. Những bãi cỏ và đồi cây bụi bao phủ một màu tối sẩm. Rải rác các em nhỏ đã đốt cháy những đám cỏ lớn.
     Mùa xuân năm sau cỏ lại nẩy mầm xanh mượt. Các đồi cây cũng đã có màu xanh lộc nõn. Ở nhưng đám bị đốt cháy cây cỏ cũng đã mọc trỏ lại, và có vẻ như còn mọc khỏe hơn nữa. Cây cỏ quên ngay một mùa băng giá, còn chúng tôi thì nhớ mãi. Đấy là kỳ băng giá hiếm hoi trong suốt mấy mươi năm.
                                                             1984

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét