Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

KHI NÀO NGƯỜI TA VĂNG TỤC

     Ngày tôi còn nhỏ, ở làng chẳng thấy ai văng tục. Ngày ấy đói khổ lắm, cả làng đi chân đất, áo quần vá chằng vá đụp, không mấy người đọc thông viết thạo, mà tình người thì đằm thắm biết bao. Ra đường gặp nhau là chào hỏi thân tình như thể cả làng có họ hàng với nhau vậy.
   -Chào ông ạ. – Bà đi chợ về? – O gánh nước? – Mự đi bến?
 Lời chào phần lớn là các câu hỏi nhưng không phải để mà hỏi: Cháu ăn cơm chưa? Chú đi mô vội rứa? Hỏi là để chào, câu hỏi để tỏ sự quan tâm, để thể hiện sự tôn trọng ngôi thứ trong họ, ngoài làng.
      Ngày ấy hầu như không mấy ai chửi nhau, cũng không có cái kiểu chửi thề. Cả làng chỉ có một bà hay chửi, bà chửi có vần có vè, nghe không có vẻ gì bực tức ghê gớm, thành ra trẻ con cứ xúm lại nghe.
      Lớn lên một chút, tôi được ra thị xã. Ở đây tôi không thấy ai chào ai, có giáp mặt nhau cũng không chào. Cũng ở đây lần đầu tiên tôi nghe người ta văng tục, người ta chửi thề. Về nhà hỏi mẹ, thì mẹ bảo: ngoài phố không ai biết ai thì làm sao mà chào, văng tục cũng không ngượng vì có ai biết ai đâu. Thì ra là vậy
     Lớn lên chút nữa, thì được học ở trong sách, cái anh Chí Phèo chửi mới ghê. Hắn chửi cả làng Vũ đại, hắn chửi trời, chửi người sinh ra hắn, hắn chửi người nào không chửi nhau với hắn. Thầy giáo dạy văn phân tích ấy là cái chửi chế độ thối tha áp bức bất công làm tha hóa nhân cách con người, khiến cho người ta có muốn làm người lương thiện cũng không được.
     Đấy là điển hình của sự chửi, nhưng là chửi ở trong sách, là anh Chí chửi.
Còn ở ngoài đời, thời ấy tất cả tập trung cho đánh Mỹ, chẳng thấy mấy ai chửi bới lẫn nhau.
     Sau 75, thì thấy rộ lên cái sự văng tục. Cả hai miền đều có văng tục, thậm chí miền nam tập văng tục theo kiểu miền bắc, miền bắc tập văng tục theo kiểu miền nam. Dần dần rồi cũng lắng, nhưng đâu đó vẫn còn.
     Có thể bực tức mà văng tục, mà chửi. Cũng có khi chỉ như là một thói quen, hễ mở mồm là văng tục, chẳng vì bực tức hay hận thù gì cả. Người nghe ban đầu thấy khó chịu, về sau nghe mãi cũng nhàm, có khó chịu tí chút thì cũng xí xóa bỏ qua, hơi đâu mà để tâm, mà đâu lời.
     Tôi có nghe nói bên Nhật, các vị giám đốc cho làm tượng của mình bên cạnh để cái roi, công nhân ai có điều gì bực bội, ấm ức thì tới lấy roi quất cho giám đốc tượng một trận hả hê, hết xì- trét rồi thì về vui vẻ làm việc. Làm được thế thì có thể đỡ chửi bới lung tung dẫu cho bất công, ấm ức có bao giờ hết được.
     Dân mình có một cách xả xì tret từ xưa, cũng rất hay là nói trạng, tiếu lâm, tếu táo cho vui. Người kể thì cứ lạnh te mà người nghe thì cười lăn cười bò, cười nôn cả ruột. Ngoài cách kể trực tiếp còn có thơ ca, còn có hò vè, đủ cả.
     Chửi bới, văng tục cũng là cái cách xả xì- trét. Xì-tret càng nhiều thì càng văng tục. Người có khả năng kìm nén, kiểm soát được mình thì đỡ văng tục hơn, chứ không phải là không có xì-tret. Nếu ai ai cũng kìm nén cả thì chưa hẳn đã hay, biết đâu tích tụ lâu ngày trở thành ung nhọt, đến lúc vỡ bung ra thì còn gớm hơn, không chừng còn đại họa.
     Lâu nay trên mạng ồn ào quá, ra chừng người ta muốn chính trị hóa mấy thứ này. Bên nọ đổ lỗi bên kia. Không nên làm thế.
     Tới độ này, tự nhiên lại thấy muốn trở lại ngày xưa! Ra đường gặp nhau chào hỏi thân tình, không ai văng tục, chỉ tiếu lâm tếu táo cho vui.
     18/4/2011
     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét