Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

MÂU THUẪN ĐỐI KHÁNG

     Mâu thuẩn, tồn tại trong mọi sự vật. Điều này tôi được học từ hồi còn trẻ. Tôi cũng được học mệnh đề: sự tác động qua lại giữa các mặt đối lập làm cho sự vật vận động và phát triển. Đại loại là vậy. Đã hơn bốn mươi năm qua rồi, không nhớ chính xác từng câu chữ môn triết học nhà trường ấy nữa. Cái ấn tượng còn lại tới giờ không phải lả chỗ đó, mà là ở chỗ đẩy cái mâu thuẩn vốn có trong lòng mỗi sự vật lên thành mâu thuẩn đối kháng một mất một còn.
   Ngày ấy tôi đã tự hỏi, tự hỏi thôi chứ không dám hỏi thầy:- nếu mất âm đi thì còn gì trong cái mâu thuẩn âm dương? Còn mỗi mình dương chăng? Một mình dương thì dương với ai? Tôi hỏi bạn, bạn chẳng trả lời. Tôi im lặng nốt, vì tôi đã thấm thía cái hậu quả của sự hỏi ngược. Nếu không còn đêm thì chỉ có ngày, như là đêm trắng ở bắc cực, nhưng mà có là đêm trắng mãi không? Không còn đen mà  chỉ có đỏ, thế giới này chỉ có một màu, có còn là thế giới nữa không?
   Mèo và chuột có đối kháng không? - Lại là một câu hỏi khác. Có một mất một còn không?. Nếu mất hết chuột rồi thì mèo ăn gì mà sống? Mà chắc gì chuột diệt vong, có khi ngược lại, mèo lại ra đi trước, như hổ báo và sư tử vào thời điểm đang đến dần này vậy. Nhưng, nếu hổ báo diệt vong rồi, loài người lại cũng văn minh lên mà không săn bắt hươu nai nữa thì liệu có đến một khi hươu nai sẽ chiếm hết cả rừng cây đồng cỏ ruộng lúa của con người như từng xẩy ra với thỏ ở Úc châu xưa?
   Lo xa, chứ loài người còn lâu mới văn minh cỡ đó. Nhưng cứ giả sử theo cái lý "một mất một còn" tới cùng đi, xem thử tới đâu. Lại mở ra câu hỏi: có thực mèo chuột là một cặp mâu thuẩn đối kháng không? Có thực chúng mâu thuẩn với nhau không hay thuần túy chỉ là mèo cần tới chuột như là một thứ thức ăn khoái khẩu? Mèo ăn no rồi nằm lim dim ngủ, chuột có đi qua cũng mặc, vậy ra không phải là mèo căm thù chuột. Căm thù, thì dù có no cũng diệt, diệt cho bỏ tức, đằng này lại không. Còn chuột có căm thù mèo không? Chắc là chúng nó không có phạm trù đó. Có chăng là chuột sợ mèo theo bản năng thôi.
   Ngược lại, ngay trong nội bộ loài người thì có triết lý về "mâu thuẩn đối kháng, một mất một còn". Và có lẽ nó ra đời chưa lâu.  Nhưng dẫu chưa lâu thì triết lý này cũng đã đủ để dẫn tới cuộc chiến "ai thắng ai" kéo dài cả thế kỷ. Xương máu cỡ nào thì mọi người đều biết. Cái giá phải trả cho triết lý ấy là quá đắt. Cái giá đau xót vô cùng này buộc chúng ta phải đặt ra câu hỏi:
   _Vậy thực chất có mâu thuẩn đối kháng không? Có thực sự cần một mất một còn không? Có thể có một còn một mất không?
    _Trong thế giới tự nhiên thì không! Chắc chắn không!
   Trước khi có triết học duy vật biện chứng ở châu Âu, văn hóa phương đông đã bàn đến thái cực và lưỡng nghi, đã đưa ra thái cực đồ. Giữa nền trắng thì thái cực đồ có hai màu đen đỏ quện bên nhau, và thêm nữa, trong đen có một chút đỏ, trong đỏ có một chút đen. Còn giữa nền đỏ thì thái cực đồ lại là hai màu đen trắng. Chưa bao giờ mất hẳn đen chỉ còn lại trắng, cũng chưa bao giờ mất hẳn trắng chỉ còn đen. Lưỡng nghi có thể vận ở âm và dương, đàn ông và đàn bà, ngày và đêm, cứng và mềm, nóng và lạnh,v.v... Lưỡng nghi có khắc mà không diệt. Đặc biệt khi phát triển âm dương đi cùng ngũ hành thì quan hệ sinh khắc trong ngũ hành vượt trội hẳn lên so với thuyết mâu thuẩn với hàm ý chỉ có khắc. Sinh khắc trong ngũ hành tiếp diễn tuần hoàn thành chuỗi không giới hạn chính là động lực cho sự vận hành trong sinh giới nói riêng và trong vũ trụ nói chung. Và cũng chính sinh khắc tuần hoàn này đảm bảo cho sự bình đẳng tồn tại đa dạng trong sinh giới cũng như sự tồn tại của mọi hình thái vật chất khác.
    Văn hóa phương đông thì vậy, còn triết học phương tây thì có bàn tới mâu thuẩn đối kháng một mất một còn không? Điều này thì tôi không biết, mong các cao nhân chỉ giáo. Điều tôi biết chắc chắn là chúng tôi có được học những thứ đó trong trường mà không rõ lắm gốc gác từ đâu. Để giải quyết rốt ráo mâu thuẩn đối kháng thì phải đấu tranh vũ trang, phải dùng bạo lực này để đánh bại bạo lực nọ. Đánh bại rồi nhưng mần mống chưa hết thì vẫn phải tiếp tục dùng chuyên chính cho đến thắng lợi cuối cùng. Điều này không chỉ dừng ở cái sự được học trong trường mà còn được kiểm chứng trong thực tế cuộc sống, thậm chí tất cả chúng ta đều là người trong cuộc, là nhân chứng, là người anh dũng hy sinh, là kẻ vô tình bị hại... Tôi xin không dẫn thêm gì nữa.
   Rõ ràng là chúng ta đã vận cái thuyết mâu thuẩn đối kháng này vào chính cuộc sống của mình, của gia đình mình, của dân tộc mình. Chúng ta có người đã thắng, có kẻ đã thua, nhưng đều là con Lạc cháu Hồng, nên nỗi đau không của riêng ai. Đứng trước nỗi đau này chúng ta một lần nữa lại phải hỏi; có thật sự tồn tại hay không cái gọi là mâu thuẩn đối kháng một mất một còn.
   Lý luận ở nhà trường chỉ ra đó là mâu thuẩn giữa nông dân và địa chủ, giữa công nhân và tư sản...Không ai phủ nhận nông dân và địa chủ mâu thuẩn nhau về lợi ích. Nhưng có đối kháng không? Theo tôi thì không! Vì sao vậy? Vì địa chủ cần có nông dân, là người trực tiếp lao động làm ra của cải cho mình. Vì nông dân cũng cần địa chủ, là người cung cấp cho mình tư liệu sản xuất để làm ra sản phẩm không chỉ cho địa chủ mà còn một phần cho mình, đấy là chưa kể địa chủ còn là người đưa ra kế hoạch sản xuất, lên lịch mùa vụ, là người quản lý và điều hành toàn bộ quy trình sản xuất, nghĩa là địa chủ cũng đã bỏ tâm sức vào quá trình làm ra sản phẩm. Có mâu thuẩn trong phân phối sản phẩm không? Chắc chắn là có nếu nhìn vào tỷ lệ ăn chia, hay tổng sản phẩm bình quân đầu người. Nhưng có đối kháng lợi ích không? Thì không! Vì ngoài tư liệu sản xuất ra thì địa chủ còn có chất lượng lao động khá hơn, hàm lượng chất xám cao hơn. Ngoài ra cũng phải xét đến một khía cạnh nữa là tỷ lệ giữa địa chủ và nông dân. Tỷ lệ này càng nhỏ thì càng chứng tỏ không dễ gì thành địa chủ. Việc không dễ mà làm được thì cái giá phải cao, đó là lẽ đương nhiên vậy.
    Cũng là không đối kháng bởi địa chủ cũng xuất thân từ nông dân. Nhờ chăm chỉ làm ăn, nhờ thông minh lanh lợi, nhờ dành dụm chắt chiu mà nông dân có thể thành địa chủ. Thành địa chủ rồi, có kẻ tham lam trở lại bóc lột ức hiếp người nghèo, nhưng không phải ai cũng như vậy. Vẫn có tấm gương những địa chủ có nghĩa có tình với người ăn kẻ ở, vẫn yêu nước thương nòi, vẫn sẵn sàng cống hiến tiền của, thậm chí cả sinh mạng mình cho dân tộc. Ở thành phần nào cũng có người thế này kẻ thế khác. Quy chụp cho cả vào một rọ là không công bằng, không biện chứng.
   Cũng là không đối kháng bởi vì không phải người nông dân nào cũng nghĩ là mình bị bóc lột. Cũng có người đã từng có ruộng đất, nhưng vì ốm đau bệnh tật hoặc tai nạn hiểm nghèo nào mà phải bán ruộng đất đi, cuối cùng phải làm thuê cho địa chủ. Họ tình nguyện làm thuê đã đành, mà có khi còn hàm ơn vì còn có chốn sinh nhai. Có kẻ cờ bạc, có người tứ chiếng vô thân, có một chỗ làm đã là quý hóa. Nói vậy cũng không loại trừ những kẻ nhẫn tâm bóc lột người nghèo.
    Có thể tôi không nên dài dòng kể lể theo kiểu này nữa, nhưng với chừng ấy cũng đủ thấy nông dân và địa chủ dù có mâu thuẩn, thậm chí mâu thuẩn này có lúc căng thẳng nhưng đẩy lên đến mức đối kháng một còn một mất thì không hẳn đã là đúng.
    Bằng lập luận tương tự với các mâu thuẩn khác như công nhân và tư sản, bình dân và quý tộc, chính quốc và thuộc địa...chúng ta cũng sẽ thấy cái lý lẽ của cuộc đấu một mất một còn không hẳn là đã rạch ròi như là một tất yếu, không thể khác được.
   Cái cách chúng ta đã tiến hành để giải quyết các mâu thuẩn bằng bạo lực "ai thắng ai", cho dù đã thắng, cũng sẽ dẫn tới một mâu thuẩn khác ngay trong lòng đội quân chiến thắng. Trong bài CHÍNH TRỊ VÀ QUYỀN LỢI tôi đã đề cập, xin không nhắc lại.
    Ngày nay chúng ta đang trải thảm đỏ mời tư bản nước ngoài vào và chúng ta đang hình thành đội ngũ công nhân làm thuê hàng triệu người trong các khu công nghiệp, khu chế suất, thì mâu thuẩn đối kháng ở đâu? Một mất một còn ra sao? Có dùng bạo lực để ai thắng ai không? Chắc là không rồi.Vậy thì phải giải quyết thế nào các mâu thuẩn xã hội? Đấy chính là việc của nhà nước với các thể chế và chế tài của mình nhằm điều hòa các lợi ích. Việc ấy cần, dễ và tốt hơn rất nhiều so với việc phát động một cuộc đấu ai thắng ai.
   Đến lúc này rồi, thấm thía cái giá phải trả cho quá khứ và cả cho hiện tại, có thể còn cho mai sau, ta hãy ngẫm lại triết thuyết âm dương ngũ hành sinh khắc tuần hoàn của cổ nhân. Cũng có thể chưa cần đến triết thuyết ấy mà chỉ cần cái ngụ ngôn chuột sợ mèo, mèo sợ mẹ Đốp..., là có thể hiểu thế giới vận hành trong đa dạng và cân bằng bền vững thế nào.
   Ôi! Lý thuyết! Lý thuyết là màu xám. Lý thuyết có thể là cả máu nữa!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét