Chúng ta đã qua một thời bao cấp, thường hiểu là bao cấp cái ăn cái mặc, tem phiếu gạo thịt vải dầu... Chung lại là bao cấp vật chất. Nhưng ngoài bao cấp vật chất còn có bao cấp tinh thần: tin tưởng tuyệt đối, nhiệt liệt tán thành, ý chí sắt đá, sục sôi căm thù, sẵn sàng chiến đấu... Một sự bao cấp thừa thãi khiến toàn dân hừng hực khí thế xông lên.
Trong cái bao cấp tinh thần, ẩn sâu dưới cái khí thế hừng hực đó là có một thứ để nuôi dưỡng nó, ấy là sự bao cấp khái niệm. Một chuỗi các khái niệm dưới dạng Hán Việt dồn dập được tung ra ban phát: đế quốc, thực dân, phong kiến, lý tưởng, hoài bão, phong trào, chủ nghĩa, tư tưởng, cách mạng, hy sinh, quán triệt... Quần chúng cần lao được nghe, được nghe rất nhiều, lặp đi lặp lại, dù chỉ qua loa, không có hệ thống mạch lạc. Nhưng, để được nghe như thế thì phải có người nói, người tuyên truyền và các phương tiện, phải có người nghe và thời gian để nghe, và đương nhiên phải tốn kém, phải trả giá, bằng thời gian, bằng công sức. Đấy là chưa kể cái giá mà họ phải trả cho việc áp dụng những điều được nghe, được ban phát qua loa ấy vào thực tế, khi phần lớn những cái lý thuyết đó lại là màu xám. Và nếu cái lý thuyết ấy sai thì cái giá phải trả còn đắt hơn nhiều.
Người phải trả giá tiếp theo là những bộ óc siêu việt, những trí tuệ hàng đầu. Họ phải đọc, phải ngiền ngẫm, thậm chí phải thuộc lòng những khái niệm nhập ngoại đó. Chỉ học vẹt lại thôi họ cũng đã bơ phờ mệt mỏi rồi, còn đâu thời gian và sự độc lập suy nghĩ để mà sáng tạo. So với dân chúng cần lao, họ có mức sống khá hơn, và phần lớn họ thỏa mãn với vai trò học vẹt và nhai lại đó. Nhưng với xã hội nói chung thì đấy là sự lãng phí ghê gớm về thời gian, công sức, tiền của và quan trọng hơn là chất xám.
Tệ hơn nữa, những thứ nhập ngoại ấy không phải là hàng cho không. Mình phải mất gì để có được những thứ đó. Những thiệt hại hay tổn thất, sai lầm của CCRĐ, hiệp định Giơ- ne- vơ, nhân văn giai phẩm, đánh Mỹ đến người Việt cuối cùng, hay Hoàng sa, Trường sa, thác bản Giốc, biên giới phía bắc, ải Nam quan... đều là cái giá mà ta phải trả. Cái giá này là đất liền là biển đảo quê hương, là xương máu đồng bào. Cái giá này quá đắt. Hơn thế, cái giá này không đo đếm được.
Còn cái giá nữa, chưa biết đã phải cuối cùng chưa, đấy là thời gian. Chúng ta đã mất quá nhiều năm tháng cho những mò mẫm, giáo điều sáo vẹt, lạc lối trong mớ ngôn từ khái niệm mịt mù, và cho những sai lầm không đáng có. Trong khi nhân loại tiến bộ không ngừng thì chúng ta dẫm chân tại chỗ, chưa nói chúng ta có lúc còn thụt lùi, có khi còn tổn thất.
Thời bao cấp vật chất qua rồi, cái giá phải trả là không nhỏ, nhưng bao cấp tinh thần trong đó có bao cấp khái niệm vẫn còn lởn vởn đâu đây và còn phải trả giá dài dài. Tất cả những cái đó nhằm đổi lấy cái gì?
Đổi lấy một mớ khái niệm. Có thể được thêm một chút ảo tưởng. Thế thôi!
Và cái giá phải trả là tất cả những điều thiêng liêng vô giá. Quá đau.
28-9-2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét