Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

NHÀ VƯỜN AN HIÊN

Lần đầu vợ chồng tôi ghé thăm An hiên thì đã vào chạng vạng, nên chỉ dừng trước cổng mà không dám vào.


















Lần sau cha con tôi về thì được gặp chủ nhân của An hiên- không ngờ lại chính là dì Oanh. 
 

Dì là con dâu, và là người trở về trông coi di sản của gia đình ông bà Nguyễn Đình Chi.




Hàng mơ trước cổng là giống mai bắc, lấy từ chùa Hương.








Nhà rường đặc trưng kiến trúc Huế ,  bức bình phong và bể cạn.



Ban thờ được tái lập sau này.

Các bức đại tự còn giữ được.










Và vườn cây trái xum xuê.


Cháu xin chào xa dì, Kính chúc dì luôn khỏe.


Mời đọc thêm:

Nữ chủ nhân của nhà vườn An Hiên đẹp nhất xứ Huế

(Phunutoday) - Ngày bà còn sống, người ta thường ví von rằng, nếu đến Huế mà muốn tìm các nhân sĩ Huế, các nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa nổi tiếng xứ Huế, thì hãy đến nhà vườn An Hiên. Vì đến An Hiên sẽ dễ gặp họ hơn ở chính nhà họ.
Khu nhà vườn An Hiên cùng với nữ chủ nhân của nó – một người phụ nữ “có một không hai” ở xứ Huế, một thời đã luôn là nơi mà bất cứ người nào yêu văn hóa Huế ao ước được đến thăm mỗi khi có cơ hội đến Kinh thành Huế.
Như lời nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng Nguyễn Đắc Xuân, thì bà là “nhà ngoại giao quần chúng đứng đầu ở miền Nam Việt Nam. Không có bất cứ người phụ nữ thứ hai nào ở miền Nam Việt Nam có thể so sánh với bà”.
Sự thủy chung của một người phụ nữ Huế có một không hai
Bà Nguyễn Đình Chi (tên thời con gái là Đào Thị Xuân Yến) người mặc áo tối màu
Bà Nguyễn Đình Chi (tên thời con gái là Đào Thị Xuân Yến) người mặc áo tối màu
Ở Huế, người ta thường biết đến bà Nguyễn Đình Chi (tên thời con gái là Đào Thị Xuân Yến) với tên gọi bà Tùng Chi – nữ chủ nhân nổi tiếng của ngôi nhà vườn An Hiên – một trong ba ngôi nhà vườn đẹp nhất xứ Huế.
Đến Huế mà chưa ghé thăm An Hiên, coi như chưa đến Huế. Nhiều người từng ví von như thế. Sinh ra ở Bình Định, nhưng bà Nguyễn Đình Chi yêu Huế với một tình yêu đặc biệt. Cả đời bà, ngoài việc thờ chồng, nuôi con và đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thì việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa Huế và các giá trị truyền thống của Huế là điều mà bà quan tâm hơn mọi thứ.
Khi còn sống, bà Nguyễn Đình Chi từng tâm sự: “Đời tôi sống với hai sự thủy chung: thủy chung với chồng và thủy chung với Cách mạng giải phóng dân tộc”. Bà chỉ được làm vợ 5 năm và trở thành góa phụ khi mới bước sang tuổi 30, nhưng bà đã sống thủy chung, trọn vẹn đến cuối đời với người chồng quá cố của mình.
Chồng của bà là ông cử Nguyễn Đình Chi (sinh năm 1888). Ông đỗ Cử nhân năm 1912 dưới triều Duy Tân. Ông Nguyễn Đình Chi góa vợ sớm, nên phải sống cảnh gà chống nuôi con khi cậu con trai mới biết đi chập chững.
Khi ông cử Nguyễn Đình Chi được bổ vào làm Tri huyện An Nhơn (Bình Đình), hằng ngày ông thường đi xe ngựa đến Huyện đường ở phía Tây Bắc thành phố Quy Nhơn bây giờ. Trên đường đi ông cử Chi thường thấy có một tán cổ thụ vươn ra đường tỏa bóng mát xuống một cái ghế dài, bên cạnh có mấy cái gáo dừa úp trên một cái lu nước.
Lối vào và một góc khu Nhà vườn An Hiên
Lối vào và một góc khu Nhà vườn An Hiên
Nhiều lần như thế, thấy lạ, một hôm ông Nguyễn Đình Chi quyết định dừng lại xem. Ông thấy một khách bộ hành đi tới, ngồi xuống ghế và cầm gáo dừa múc nước uống. Uống xong người khách nhổm dậy tiếp tục đi mà không để lại một đồng xu cắc bạc nào, cũng không nói lời cảm ơn gia chủ đang ở đâu đó trong nhà phía sau hàng rào dâm bụt.
Ông cử Nguyễn Đình Chi đã mục kích cảnh khách bộ hành dừng chân uống nước nhiều lần. Hình ảnh giạn dị ấy níu kéo sự chú ý của ông. Sau này ông mới biết đó là ý tốt của gia chủ dành cho các khách bộ hành lỡ độ đường.
Ông tự hỏi: Sao lại có một gia đình thương dân nghèo đến vậy? Một hôm ông liều đánh tiếng gọi người trong nhà ra cho ông hỏi thăm. Một người phụ nữ trung tuổi bước ra và niềm nở mời ông vào nhà. Gia đình có một bà mẹ góa sống với 6 cô con gái, sống bằng nghề nhồi gối nệm bông gòn, mặt cô nào cũng xinh xắn như hoa nhưng quần áo, tóc tai dính bông gòn trắng xóa.
Ông cử Nguyễn Đình Chi lấy làm tò mò hỏi ra mới biết đây là gia đình cụ Đào Thái Hanh – Tham biện Viện cơ mật, một vị quan rất nổi tiếng dưới triều Duy Tân. Cụ Đào Thái Hanh đã mất từ năm 1916. Biết chuyện, ông Huyện Nguyễn Đình Chi hết sức xúc động. Ông không nghĩ gia đình một quan Tham biện mà nghèo đến thế! Từ đó ông hay lui tới giúp đỡ gia đình.
Bà góa phụ của quan Tham biện Đào Thái Hanh biết quan Huyện Nguyễn Đình Chi đang góa vợ và phải nuôi con dại nên đã gả cho ông  cô con gái thứ hai là Đào Thị Xuân Oanh (sinh năm 1903). Sau này, ông Huyện Nguyễn Đình Chi được cất nhắc lên làm Tuần Vũ Quảng Ngãi.
Ông Tuần rất yêu quý gia đình vợ và coi gia đình vợ như gia đình mình. Ông nuôi hai người em út của gia đình vợ là Đào Thị Xuân Yến (sinh năm 1909) và Đào Thị Xuân NHạn (sinh năm 1910) ra học nội trú ở trường Đồng Khánh (Huế).
Nhưng số ông Tuần là số lận đận. Sau mấy năm hương lửa hạnh phúc, bà Xuân Oanh qua đời vào năm 1934, được táng trong khuôn viên chùa Thiên Ấn nhìn xuống sông Trà Khúc. Ông Tuần hết sức đau đớn. Cảnh gà trống nuôi con lại tái diễn.
Khi đó, bà Đào Thị Xuân Yến đã đỗ Tú tài, trở thành người phụ nữ Trung Kỳ đầu tiên có bằng Tú tài. Rất nhiều quan lại trẻ, trí thức ở Hà thành và Kinh đô Huế muốn được kết tóc xe tơ với một người phụ nữ vừa có nhan sắc, vừa có học vấn như bà. Nhưng dù người anh rể làm quan Tuần phủ chưa bao giờ ngỏ ý, nhưng bà đã muốn thay người chị vắn số trả ơn cho người anh rể.
Bà Đào Thị Xuân Yến trở thành bà Tuần Chi từ năm 1935. Bà Tuần Chi ít hơn ông Tuần gần 30 tuổi. Chỉ sau 5 năm chung sống, ông Tuần đã bị bệnh nặng qua đời. Bà đưa chồng về an táng tại quê nhà Chí Long, trở thành quả phụ khi mới ngoài 30 tuổi. Kể từ đó bà thủ tiết thờ chồng, nuôi mẹ, nuôi con chồng và nuôi một người con gái nuôi ăn học cho đến khi trưởng thành.
Tâm sự về lý do thủ tiết thờ chồng, bà nói: “Tôi lấy ông Tuần vì sự kính trọng, lấy để bù đắp nỗi mất mát hạnh phúc gia đình của ông, để giúp ông nuôi người con nối dõi tông đường. Lấy ông Tuần để trả ơn ông đã cưu mang gia đình tôi. Tôi phải chung thủy trọn đời với cái nghĩa ấy. Cũng như sau này, cô đã thủy chung với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”.
Người phụ nữ đặc biệt nhất của Kinh đô Huế
Như đã nói, bà Nguyễn Đình Chi (tên thời con gái là Đào Thị Xuân Yến) là con gái quan Tham biện Đào Thái Hanh. Năm 1923, với sự đỡ đầu của người anh rể (sau này trở thành chồng bà), bà ra học ở trường Đồng Khánh – trường nữ Trung học độc nhất ở miền Trung, một ngôi trường mà bất cứ cô gái nào cũng cảm thấy vô cùng vinh dự nếu được theo học.
Khi còn học ở trường nữ sinh Đồng Khánh, bà luôn đứng ở vị trí Nhất, Nhì lớp. Khi bà học năm thứ 3 trường Đồng KHánh, thì cũng là lúc Nhà yêu nước Phan Bội Châu bị bắt. Bà đã được là người đại diện cho học sinh Đồng Khánh năm thứ 3 đến thăm cụ Phan Bội Châu tại nơi cụ bị quản thúc.
Từ thời đi học ở trường Đồng Khánh, bà Nguyễn Đình Chi đã thường xuyên kêu gọi các bạn học phản đối những bài học về “sự trung thành với chính quyền bảo hộ Pháp” mà các giáo viên người Pháp thường dạy cho các nữ sinh Đồng Khánh.
Năm đó một học sinh ở trường Khải Định tên là Nguyễn Chí Diễu (sau này là nhà hoạt động chính trị Nguyễn Chí Diễu) bị thầy Pháp nhục mạ là đồ “sale race” – nòi giống dơ bẩn. Nguyễn Chí Diễu cãi lại và bị đuổi ra khỏi lớp. Việc này đã bị nhiều học sinh ở trường Khải Định phản đối, bỏ học, đòi nhà trường phải bỏ lệnh đuổi học anh Nguyễn Chí Diễu.
Bà Nguyễn Đình Chi khi đó đã vận động các nữ sinh Đồng Khánh viết đơn gửi Tòa Khâm, biểu tình chống đuổi học Nguyễn Chí Diễu. Vì chuyện đó mà bà bị đuổi ra khỏi trường Đồng Khánh với một lời phê trong học bạ: “Đuổi học vĩnh viễn ra khỏi trường Trung học Đồng Khánh vì đã tham gia tích cực vào cuộc bãi khóa ngày 27/4/1927”.
Tuy bị đuổi khỏi trường nữ sinh Đồng Khánh, nhưng năm 1933, bà vẫn đậu kỳ thi Tú tài tại trường Albert Sarraut, trở thành người phụ nữ Trung kỳ đầu tiên có bằng Tú tài Tây. Bất chấp việc đã từng bị trường Đồng Khánh đuổi học, sau này, bà đã hiên ngang trở lại trường Đồng Khánh với vị thế một cô gái, rồi trở thành Hiệu trưởng trường Đồng Khánh (bà là người phụ nữ Việt Nam thứ 3 nắm giữ cương vị này).
Với trí tuệ tinh thông và tinh thần quyết liệt, bà là người phụ nữ đầu tiên được mời tham dự chính phủ Trần Trọng Kim , rồi sau này trở thành Phó Chủ tịch Hội Liên Việt do đồng chí Nguyễn Chí Thanh tổ chức (năm 1947). Bà cũng là người đầu tiên bất hợp tác với Chính phủ Ngô Đình Diệm ngay khi Diệm mới về nước năm 1955.
Năm 1968, bà đã bỏ lại khu nhà vườn An Hiên để thoát ly tham gia kháng chiến. Giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh và biết chữ Hán, lại có phong cách quý phái  Việt Nam, bà thường gia nhiều đoàn ngoại giao ra nước ngoài vận động thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam Việt Nam, tiếp xúc với nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Không có bất cứ một người phụ nữ thứ hai nào ở miền Nam Việt Nam có thể so sánh với bà.
Trong hoạt động chính trị, bà là một nhà ngoại giao quần chúng đứng đầu ở miền Nam Việt Na,. Trong đời sống xã hội, bà là một mệnh phụ mẫu mực về cách ăn mặc, cung cách giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ, màu sắc, kiểu dáng.
Đến khi về già, bà vẫn luôn giữ được phong thái quý phái của một mệnh phụ. Bà thường xuất hiện với chiếc áo dài nền nã, với gương mặt được trang điểm nhẹ nhàng bằng phấn nụ cung đình Huế. Quê gốc ở Bình Định, nhưng bà Nguyễn Đình Chi luôn được coi là một người phụ nữ Huế điển hình, với một tình yêu Huế đặc biệt mà khó có người Huế nào sánh bằng.
Ngôi nhà vườn An Hiên là một trong 3 ngôi nhà vườn nổi tiếng nhất xứ Huế. Sự nổi tiếng của nó có một phần đóng góp vô cùng to lớn của nữ chủ nhân – bà Nguyễn Đình Chi. Nhà vườn An Hiên được bà và ông Tuần mua lại từ khi ông Tuần còn sống.
Người chủ cũ của nhà vườn An Hiên là một người nhân đức. Vợ chồng bà vì cái tiếng nhân đức đó mà mua lại An Hiên với hi vọng sẽ luôn được sống trong cái gốc rễ nhân đức đó và gửi gắm cái nhân đức đó đến muôn đời sau.
Khi bà còn sống, hầu như bất cứ đoàn khách cấp cao nào ở trong nước và ngoài nước khi đến Huế cũng phải ghé qua An Hiên. Bà bán đi từng buồng chuối, từng quả măng cụt trong vườn để có tiền tổ chức những bữa cơm rất Huế mời những đoàn khách đó ngay tại chính An Hiên.
Khi bà còn sống, An Hiên luôn là nơi mà các nhân sĩ, các nhà văn hóa của Huế và ghé thăm Huế thường gặp gỡ. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã viết ra những tác phẩm của mình ngay tại An Hiên. Họ coi An Hiên như một cái nôi văn hóa, như một nơi cõi tu thiền để ươm mầm ra những mầm văn hóa.
NHững năm 1950, khi bà tham gia một đoàn đại biểu đến Nhật Bản, vì quý mến bà, người Nhật đã đề nghị tặng bà 2 cây anh đào. Đến những năm 1990, người Nhật mới thực hiện được lời hứa đó. Họ gửi từ nước Nhật xa xôi sang 2 cây anh đào quý giá. Bà đã trồng 2 cây anh đào tại An Hiên và vô cùng nâng niu chúng. Chỉ một câu chuyện nhỏ đó thôi cũng đủ để biết bà được bạn bè trong nước và quốc tế yêu quý đến mức nào.
Năm bà 85 tuổi, trong dịp ông Dominique Bouchart ghé thăm Huế và đến thăm An Hiên, bà đã ghi đậm dấu ấn trong lòng vị sứ giả Unesco. Ông Dominque đã hỏi bà: “Theo cụ, cái gì ở Huế là quan trọng nhất?”.
Bà trả lời dõng dạc bằng tiếng Pháp không chút do dự: “Thưa ông, Văn hóa.”.
Sứ giả Unesco lại hỏi: “Xin cụ tha thứ cho tính tò mò của tôi, cái gì ở Huế cụ thích nhất?”.
Bà cười và nhìn thẳng vào mắt vị sứ giả nói: “Mưa dầm”.
Bà luôn nói bà không thể hình dung nổi bà sẽ sống thế nào nếu không có mưa dầm Huế. Dù đi đâu, bà cũng luôn trở về Huế mùa mưa, để được sống trong mưa dầm xứ Huế.
Bà Tùng Chi đã mất cách đây 15 năm, nhưng mỗi khi đi qua ngôi nhà vườn An Hiên đã không còn bóng dáng bà, người ta vẫn luôn cảm nhận thấy bà luôn ở đó, trong từng gốc cây, ngọn cỏ, từng bông hoa ở An Hiên. Với nhiều người Huế, bà là người phụ nữ Huế nhất trong tất cả những người phụ nữ Huế.

1 nhận xét:

  1. Năm ngoái 2021 tôi về thăm lại An Hiên mà không nhận ra. An Hiên đã đổi chủ. Cảnh quan cũng biến đổi nhiều. Chỉ vào tới ngõ nhìn lạ quá, người từ trong bước ra cũng lạ quá. chào nhau xong tôi lùi ra. Buồn không nói nên lời.

    Trả lờiXóa