Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

NHỚ VỀ QUÊ NGOẠI (4,5)

4.
Hôm dời nhà, tôi được giao cầm cây đèn dầu lạc, chỉ thế. Đèn có cái cần dài bằng sắt vuông được vặn xoắn, trên đầu uốn cong thành cái móc rất đẹp. Phía dưới là đĩa đèn, cũng bằng sắt. Phải nhắc lại một tí về đèn. Đổ dầu lạc vào đĩa, thả bấc vào- bấc là ruột một loại cỏ hình như là cỏ lùng, khêu một đầu bấc thòi ra, châm lửa là có đèn sáng, rồi treo đèn lên bức vách. Đèn không có chụp, nên gió mạnh là tắt. Sau này có đèn dầu hỏa, có bóng thủy tinh chắn gió, có cái “máy” điều chỉnh ngọn đèn to nhỏ. Đèn này không biết xuất xứ từ đâu nhưng lại có tên gọi: đèn Hoa kỳ.
Các anh tôi từ trong Nam vượt tuyến ra bắc. Ba tôi cùng các anh bạt núi để làm nền nhà. Vách núi phía sau còn cao hơn chân mái. Dựng nhà lợp mái xong, ba tôi lấy phân bò trộn với trấu để trét vách. Việc này cũng chưa từng thấy. Kỳ quặc vô cùng. Nhưng vách trát xong là kín bưng, khô nhanh và không còn mùi gì.
Nhà ở lưng núi, dưới chân núi trước mặt nhà là đường quan, rồi bến nước, gọi là bến bại (bãi). Trên bến là một bãi cỏ rộng, có hai cây đa to ba bốn người ôm, lại thêm một cây gối, cũng to cao như thế. Ba cây ở ba góc che mát cả một vùng rộng bằng cả mẫu đất. Thích nhất là các rễ đa nổi lên thành những chỗ ngồi thuận tiện và sạch sẽ. Bà con đi làm đồng về, xuống bến rửa ráy, có khi còn tắm cả cho trâu, rửa sạch cả cuốc cào, cày bừa, rồi lên gốc đa ngồi nghỉ ngơi, hóng mát, chuyện trạng.
Nhà tôi về đấy nên vui. Chỉ có ban đêm thì buồn vì xung quanh lại chẳng có ai ngoài gia đình tôi trên núi.

5.
Lúc đó tôi đã đi học vở lòng. Thường là học vào buổi chiều. Ban đầu học ở ngoài điếm. Điếm là nơi tụ họp của làng. Khung gỗ của điếm khá là vững chắc, trên mái lượp tranh còn bốn bề trống hoác. Ở điếm có treo cái mõ to, bằng gỗ mít, thêm một cái vồ để đánh. Cái mõ ấy, như giờ ước lượng đường kính phải trên 40 phân, còn dài thì phải tầm mét rưỡi. dọc thân mõ có đục một cái rãnh xói sâu vào. Khi đánh thì nện búa gỗ vào bên thành cái rãnh ấy: cốc cốc cốc…
Về sau chắc là vì mưa gió bất tiện nên lớp học chuyển vào nhà bà chắt Yêng. Sau nữa lại thấy chuyển sang học ở nhà thầy, xóm Hà thanh, bên tê hói Trừng.
Thầy của bọn tôi là cậu Thuyết. Tôi gọi như vậy vì còn là chỗ bà con. Như ngoài bắc thì gọi là bác, vì là chi trên bên ngoại. Tôi không nhớ mình được học với thầy trong bao lâu, liên tục hay gián đoạn thế nào, nhưng còn nhớ mấy chuyện lẻ như này.
* Có thằng chắt Xin, ở xóm bên tê hói, hắn có cái bút ngòi sắt, gọi là bút lá tre. Hắn nhìn thấy đùi của tôi sạch sẽ trắng mịn, hắn nói: trấp vả mi trắng hầy, rồi hắn đâm cái bút vào đùi tôi, lút hết cả ngòi.
Tôi được sạch sẽ như vậy là nhờ mẹ chăm nom tắm táp  thường xuyên, cũng nhờ ba tôi làm nghề y nên rất chú ý giữ gìn vệ sinh thân thể. Còn thì bạn bè cùng lứa với tôi, đứa mô cũng đen thui thủi, cáu ghét bám dày, da dẻ nhăn nheo nứt nẻ.
* Hồi học ở nhà thầy, bọn tôi phải đi qua hói. Cầu qua hói bắc bằng tre, cột bằng chạc chìu, có tay vịn cũng bằng tre. Vì hói rộng lại sâu, nên qua cầu sợ lắm. Tôi còn nhỏ, với hết tầm thì mới tới tay vịn. Tôi đi ra đến giữa cầu thì thằng Lệ cũng vừa tới đầu cầu. Hắn học cùng lớp nhưng to cao hơn tôi nhiều lắm. Hắn cầm lấy tay vịn rồi rung lắc liên hồi. Hắn còn hét: tránh ra, tránh ra. Tôi biết tránh vào đâu, chới với, tôi rớt. Dưới chân cầu toàn là gai góc, rều củi, thân cây trôi dạt về vướng lại, còn thêm cả đăng đó của người làm cá. May sao tôi không hề gì, chỉ ướt, lóp ngóp bò lên. 
* Có một buổi chiều đi học về ngang qua đình thì tôi gặp một con voi. Nó đứng chắn ngang đường, nhưng trong lòng tôi không thấy sợ. Tôi quành ra phía sau đuôi để đi thì nó lại thụt lùi. Tôi quành ra đàng trước thì nó lại tiến lên. Lặp đi lặp lại mấy lần như thế mà không đi qua được. Lạ sao tôi lại nhìn thấy ba tôi đang đứng ở trước sân, trên cao. Tôi gọi ba, ông chạy xuống đón. Con voi cũng không thấy ở đấy nữa. Hình như chỉ là cái bóng mờ mờ của con voi, chứ không có con voi thật.
 Nói thêm, cái gọi là đình ở làng tôi là một rừng cây, dày đặc nhiều tầng, mọc ở bên sông, kề bến bại, cũng xế ngay trước nhà tôi trên núi. Đường quan chạy dọc bên đình, còn bên kia đường là một hàng duối và tiếp nữa là những đám đất cao chỉ để trồng màu. Qua khỏi đình, tới đầu xóm có một đội ruộng sâu quanh năm ngập nước, thậm chí còn có nhiều cá tràu cá rô, có cả cá diếc, rộng chừng héc ta, lại cũng có tên là đám cựa đình (cửa đình). Phải chăng ở đâu đây có một cái đình làng từ hồi xưa mà tới thời tôi thì không còn dấu vết.
                                                               Còn nữa


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét