Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

NHỚ VỀ QUÊ NGOẠI 9,10,11

9.

Cái năm 1954 ấy, lụt to. Đói. CCRĐ. Bà ngoại mất, mự Cả quyên sinh… Bao nhiêu điều dồn dập. Tôi đã có ghi lại chút đỉnh trong bài “Làm sao qua được cái đói” và bài “Cái đói 54” trong blog này rồi.
Còn thêm những chuyện thế này:
* Mẹ đi làm thuê, hay đi mót, đi kiếm cái gì ăn được, thì tôi cũng không rõ nữa. Tôi ở nhà một mình. Hồi ấy bà ngoại mất rồi. Tôi xuống xóm, vào nhà cậu Hai. Anh Dụng rủ tôi đi trộm ngô. Đói quá mà nghĩ dại chứ hai anh em chưa bao giờ dám ăn trộm. Hai anh em sang bại Cả chài. Lụt xong, đất bại phủ dày phù sa nên ngô tốt lắm, cây nào cũng có hai bông, có cây ba bông. Loay hoay giữa bãi ngô mà hai anh em không dám bẻ một bông ngô nào. Cuối cùng thì anh Dụng dẫn tôi về đám ngô của nhà mình, mỗi đứa bẻ hai bông, dấu vào trong áo, rồi mò về nhà. Về đến đầu ngõ, hai anh em cứ thập thò, vừa thèm được nướng ngô lên mà ăn, lại vừa sợ người lớn bắt gặp. Cuối cùng thì đành phải dấu mấy bắp ngô vào gốc tro (cây cọ), cắn răng chịu đói. Đến chiều hai anh em tìm lại chỗ dấu thì đã bị ai đó lấy mất rồi.

* Cái năm đã đói thì con quạ cũng đói. Ngô ngoài bãi vừa ngậm sữa thì quạ kéo về từng đàn, sà xuống mà rỉa những bông ngô ngay ở trên cây. Nhìn thấy bẹ ngô tua ra là biết quạ đã xơi hết hạt. Anh em tôi chỉ dám bẻ những cây ngô ấy, tước vỏ ra mà nhai cái thân xốp bên trong. Thân ngô có vị ngọt, không được như mía, nhưng mát nơi lưỡi và ấm trong cổ. Sau khi thu hoạch ngô rồi, chúng tôi vẫn còn nhai những gốc ngô như thế, cho đến khi được nhổ hết đi để cày đất trồng thứ khác.

* Bên mạnh rào Cấy (bên bờ sông Cả - sông Lam) sau lụt mọc lên rất nhiều rau khúc. Nó là cỏ dại nhưng ăn được nên gọi là rau. Lá khúc mềm, khi còn tươi thì giòn, có thể ăn sống, có thể nấu canh, và đặc biệt là có thể làm bánh. Giã ra cho nhuyễn, rồi nắm lại thành từng viên nhỏ bằng quả trứng gà, hông (đồ) lên, là thành bánh. Không được như bánh khúc bán ở Hà nội đâu, vì không có nhân hành mỡ đậu xanh, cũng không được bọc bằng xôi nếp bên ngoài. Bánh khúc năm đói ấy chỉ có lá khúc và lá khúc. Mùi khúc ăn nhiều nồng nồng, chứ không phải là thơm nữa. Còn vị thì nhạt, và có lẽ cũng không có nhiều dinh dưỡng, càng ít có năng lượng. May sao còn có thứ mà độn đẫy vào cho đỡ cồn cào.

10.

Trung thu. Con nít cả xóm được tập trung lại ở nhà bà chắt Yêng. Nhà bà chắt Yêng có ba gian ngoài để thông, rộng rãi. Hồi đó, đây cũng là lớp học vở lòng của  tôi, cũng là chỗ tôi bị đâm bằng ngòi bút.
Từ chiều con nít cả xóm đã tụ lại, chạy nhảy chơi đùa, và để chực được ăn trung thu. Khi đi cha mẹ đã cho mỗi đứa mang theo cái đọi (bát ăn) và đôi đụa (đũa). Không biết đứa mô bày ra trò gõ bát. Thế là cả lũ đặt bát lên bàn lấy đũa gõ vang lên. Tôi cũng gõ. Không biết do tôi gõ mạnh quá hay là do có dớp sẵn mà bát của tôi đã vỡ. Tôi không thể quay về nhà lấy bát khác, vì nhà tôi ở trên núi, xa lắm. Tôi lo và buồn lặng người đi. Tôi không chơi cùng lũ bạn nữa. Tôi lui ra một góc, ngồi im.
Rồi tôi cũng được ăn xôi, chấm với chẹo (chẽo). Mỗi đứa một bát xôi, còn chẹo thì chấm chung. Chẹo là nước tương có thêm lạc rang giã nhỏ, hình như có cả một chút mật. Ngon lắm.
Có lẽ đó là trung thu năm 1955. Tôi vừa sáu tuổi.

11.

Vậy là từ khi tôi có trí nhớ tới giờ, 6 tuổi, chưa có điều chi vui, ngoài một lần được cầm cây đèn dầu lạc về nhà mới trên rú Mấc. Thực ra thì là nhà cũ dời sang nơi mới chứ không phải là nhà mới hẳn, thành ra cũng không có chi háo hức.
Có một lần, vui một chút là cái năm lụt. Lụt thì lút cả làng. Dân làng lên rú. Nhiều nhà dựng lều tạm. Nhà tôi đón người dưới xóm lên ở chật cả trong nhà ra ngoài sân. Đêm lại, ngủ cả trên chạn. Đặt cả nống (nong phơi lúa) xuống nền nhà mà nằm san sát bên nhau. Mấy ngày ấy người đông nên vui. Ai cũng có vẻ thương tôi, chắc là nhỏ, lại con chủ nhà…Một buổi sáng tôi được mẹ cho một vốc khoai khô và mấy củ lạc. Đút tất vào túi áo, tôi chạy ngược lên rú, cùng ăn với nhỏ bạn. Chưa lúc nào tôi và các nhỏ bạn trong xóm lại được ở gần nhau như vầy.
Đêm trước cái buổi sáng hôm ấy là một sự lạ lùng khác đối với tôi. Tôi cùng các anh ngủ trên chạn, con trai mà. Nhiều người lắm, nằm chen chúc nhau. Không biết vào lúc nào tôi bị rơi xuống, nhưng chỉ là người rơi xuống, đúng ra là lọt xuống, còn đầu thì kẹt giữa hai thân cau làm đà chạn. Tôi cứ lủng lẳng thế, thân người ở dưới, đầu mắc ở trên, mà không kêu không khóc. Chỉ khi người nằm dưới nền thức giấc đi tiểu chạm phải, mới hét toáng lên. Mọi người choàng dậy, thắp đèn, đỡ tôi xuống. Và sáng ngày thì mẹ cho nắm khoai khô, thường gọi là khoai sát (sát: thái thành lát mỏng), lại thêm mấy củ lạc. Chừng ấy, đủ vui sướng lắm rồi giữa những ngày lụt 1954.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét