Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

NHỚ VỀ QUÊ NGOẠI (16,17)

16.

Năm sau cả vùng Đồng mí rộn ràng công trường xây dựng. Mé phía nam làm khu công nhân viên, mé phía bắc làm khu điều trị. Trên núi công nhân đập đá để chuyển về xây bó nền. Ngoài biển là các bè chở gỗ nứa mét cập vào, rồi được chuyển lên để dựng nhà. Các khung nhà bằng gỗ đã được gia công sẵn, chỉ việc dựng lên, bắt đinh bu lông là xong. Có những cái hố rất to được đào  để tôi vôi. Tôi nhìn thấy một người bị sẩy chân xuống hố vôi đang sôi sùng sục. Anh ấy được kéo lên rất nhanh nhưng rồi cứ chạy như cuồng, chắc là nóng quá.


Ra tết một dạo thì tôi được đi học lớp 1. Phải vào trong xã Quỳnh lập, cách Đồng mí chừng gần 4 cây số, qua truông, qua đèo. Tôi được ở trọ nhà ông bà Ngọc, ấy là gọi theo tên con trai. Anh Ngọc học lớp 2, nhưng phải lên xã Quỳnh lộc mới có lớp. Sáng ra anh và tôi cùng đi học. Vì đường xa nên anh phải đi sớm, tôi cùng đi một đoạn đường với anh. Trường tôi gần hơn nhiều, ngay trong xã. Nói là trường nhưng chỉ có một lớp 1, học trong nhà tiền tế của đền Quỳnh lập. Đền trông ra lạch Cờn, bề thế uy linh lắm. Tôi đến lớp thế là quá sớm, ngồi co ro, hết nhìn ra cổng đền lại nhìn vô đền hồi hộp, sợ hãi. Những pho tượng thần, rồi hình rồng, voi, ngựa đá, đến những cánh cửa nặng nề, mùi nhang đen và những tiếng động thỉnh thoảng lại phát ra kì lạ phía trong đền làm tôi căng hết mọi giác quan. Có điều là tôi chịu được, tôi chờ được cho tới khi thầy và các bạn đến. Học được vài ba tháng là hết năm, rồi nghỉ hè, tôi vẫn được lên lớp 2, vì tôi đã biết đọc biết viết và làm toán cọng trừ từ ở nhà.

17.

Ông bà Ngọc hiền lành, anh Ngọc cũng hiền. Anh Ngọc là con một, nên ông bà cưng. Tôi cũng được ông bà quý lắm. Ông đi biển, qua nửa  đêm là ông trở dậy lên thuyền. Giờ ấy gió thổi từ bờ ra, nên thuận buồm. Chiều tối thì thuyền về, cũng lại được gió. Bà và các chị trong xóm ra đón thuyền, mua bán cá, rồi lựa cá đưa về nướng hoặc làm nắm. Mùa khuyếc thì làm ruốc. Ông về là anh em tôi có quà của biển. Hôm thì mấy khoanh cá luộc, cá gì không biết nhưng ngon lắm. Hôm thì cua, cũng đã luộc rồi. Đặc biệt nhất là ốc sao, loại ốc to, có những chấm đỏ trên nền vỏ trắng bóng, thơm ngon lạ lùng.

Bà Ngọc nướng cá, thường lại lựa miếng cá ngon, nướng kỹ dành cho hai anh em. Nhiều hôm tôi không ăn được nữa, vì đã được ăn cá nhiều quá rồi. Có lẽ cái tạng của tôi chỉ ăn được đến thế, không nạp được lượng đạm quá nhiều, hoặc nữa là đã quen kham khổ bởi bao tháng ngày gieo neo trước đó. Các bữa cơm, bà và anh Ngọc cứ nhắc tôi gắp thức ăn, tôi không muốn thế. Bà lừa: ba mi đến tề. Tôi quay ra cửa, ngoảnh lại đã thấy bà và anh gắp cá vào đầy bát mình rồi, bắt ăn hết, không hết phải tội.

Cũng có những ngày biển động, ông Ngọc ở nhà. Những ngày ấy thì cả làng nhàn nhã, đàn bà, trẻ con đánh tam cúc, đàn ông đánh chắn. Tôi thì mù tịt, không hiểu gì về những loại bài này. Những ngày thế ai cũng kêu không có chi ăn. Thực thì vẫn ăn cá, ăm tôm, và vẫn rất sẵn, chỉ phải cái là tôm khô, cá khô thôi. Tôi thì nghĩ thế này cũng là tốt lắm rồi, chẳng có gì đáng phàn nàn cả.

Những ngày lễ, ông Ngọc đi đền. Ông về là anh em tôi lại có quà, thường là oản hoặc bánh khảo, mỗi đứa một nửa. Lần đầu tiên tôi được ăn oản, khi ở quê tôi chưa từng được biết. Oản là xôi, giã nén vào khuôn cho chặt, định hình như quả chuông nhỏ. Ăn dẻo thơm ngon lắm.

… Ở đây con trai cùng lứa thì xưng hô với nhau là tớ - ngươi, tôi quen nói tau – mi, anh Ngọc cười, bảo đồ con gái. Tôi không hiểu, anh nói chỉ có con gái mới xưng tau mi, nhớ chưa, còn con trai thì phải nói tớ ngươi, biết không. Cũng ở đây, con cái xưng tui với cha mẹ, tôi học theo anh Ngọc cũng xưng tui với ông bà, sau quen đi lại cũng nói tui với ba mẹ. Tôi tự thấy xấu hổ về cách nói này nhưng quen rồi, phải lâu sau mới sửa được.

Khi rảnh anh Ngọc dẫn tôi lên núi tìm quả dom. Quả dom to như trái vú sữa cỡ lớn nhất, khi chín thì đỏ mọng, ăn ngon. Đặc biệt là thân cây dom lại là dây leo, tôi chưa hề thấy. Một điều cũng chưa thấy nữa là việc hái lá mồng năm tháng năm, đủ các thứ lá, bẻ nguyên cả cành trên đồi trên núi ngay sau làng, đưa về chặt nhỏ ra phơi khô làm chè nấu nước uống quanh năm.

Rồi có một lần tôi theo anh Ngọc đi xem lễ cầu hồn cho những người đi biển bị tai nạn không về. Lễ tiến hành cả ngày cả đêm, anh em tôi chỉ biết chi tiết có hình người giả cho mặc quần áo xanh đỏ, có cả dây lưng, có khăn trên đầu. Nghi lễ cầu cúng linh thiêng lắm, đồ tế lễ cũng nhiều lắm, đỏ đỏ vàng vàng hoa hết cả mắt. Ngày ấy tôi và anh đâu có ngờ, sau này khi anh đã lớn và tôi cũng đã lên công tác tận vùng cao rồi thì ông Ngọc lại bị tai nạn trên biển, ông không còn trở về với bà với anh và các cháu…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét