Từ ngày vùng cao chúng tôi có máy xay xát, phụ nữ bản làng gần như đỡ phải lo giã gạo sớm chiều. Chúng tôi vui cùng tiếng máy nổ giòn và chúng tôi mừng cho các mẹ các chị đỡ phần vất vả.
Thế mà… Đến một lúc nào đó, như trò tôi đi xa về, tôi bỗng nhớ nôn nao tiếng chày khua vang động bản làng những sáng tinh mơ, những chiều chạng vạng.
Tiếng chày thụp, cắc, thụp, thụp… nếu nghe đơn lẻ thì nó nặng nề cực nhọc. Những ngày đói kém, thi thoảng mới có tiếng chày, càng thấy cực thêm. Có lúc nghe như tiếng vọng con chim tu hú kêu giữa ngày giáp hạt, gợi về một nỗi đau xưa: hai chú cháu nhường nhau hạt gạo…
Vào ngày mùa những năm no đủ, cả bản bừng lên rộn rã tiếng chày. Mường trên bản dưới tiếng chày hòa nhau thành hợp tấu rộn ràng. Các chị các em khỏe mạnh nhịp nhàng uyển chuyển như múa cùng cối cùng chày và mê say cuốn đi trong nhạc điệu vui chày cối.
Những chiếc cối bằng gỗ lát hoa, cả súc to bổ ra như chiếc thuyền, hiếm ở đâu có mà gặp lại. Rơm thóc cọ vào, gạo cám xát qua thành nhẵn bóng, vân gỗ nổi lên lóng lánh. Những chiếc chày gỗ trai chắc nặng đằm tay dùng lâu lên nước như ngà.
Đêm trăng sáng, đêm hội vui, mùa lễ Xăng khàn, chị em cả bản tụ về nhà chủ hội đứng thành hàng, dọc theo hai bên cối mà giã chày suông. Chày nện thẳng vào lòng cối vang lên một nốt trầm phách mạnh, nhấc chày lên khẽ lắc cổ tay cho mỏ chày bật vào thành cối lảnh lên âm cao rơi vào phách nhẹ. Có khi đảo phách chuyển nhịp mạnh mẽ, rộn ràng hòa hợp, vui bừng lên rạo rực. Các cô gái mềm mại uyển chuyển, mà sao mạnh mẽ dẻo dai đến thế. Tiếng chày chuyển lên mau dần, mau dần rồi đan quyện vào nhau. Tám người, mười người, ngần ấy tiếng chày cùng một nhịp dào lên âm thanh.
Rồi tiếng chày lắng lại, chậm dần, chậm dần… Rồi nét nhạc ngưng nơi dấu lặng, cho người nghe kịp thấm đọng cảm xúc rạo rực mà đầm ấm trong lòng, để lưu lại mãi tình yêu quê hương, con người, làng bản.
Và tiếng chày lại rộn ràng lên trào dâng âm thanh. Và lòng người như rượu đang men, như tình yêu nhân thêm.
1984
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét