14.
Lâu lắm tôi không thấy ba, không gặp ba… Tôi cũng không hỏi mẹ. Về sau tôi biết người ta điều ba đi điều tra về bệnh phung và tìm địa điểm để lập trại điều trị. Ấy là khu điều trị phung Quỳnh lập, (gọi tắt là trại). Sau nhiều năm nữa mới gọi là bệnh viện.
Khi lập trại phung là ba về đón mẹ con tôi. Tôi không còn nhớ mình đã đi ra đến trại phung bằng cách gì, nhưng khi ra đến nơi thì đó chỉ là một túp lều, hình như là một gian hai chái, con con…
Anh Đỉnh con cậu Cả và ả Thu con cậu Hai cùng đi với ba, và mẹ nữa là những nhân viên đầu tiên của trại phung. Khi ấy ba vẫn đi điều tra lấy số liệu về bệnh nhân trên toàn khu 4, từ Vĩnh linh cho tới Ninh bình. Mẹ, anh Đỉnh và ả Thu cày ruộng, cấy lúa mà lấy cái ăn. Cày xong anh Đỉnh cùng đi với ba. Chỉ còn mẹ con tôi và ả Thu ở lại. Lâu lâu ba mới về một lần. Rồi ả Thu về quê lấy chồng. Chỉ còn mẹ con tôi giữa mung lung mênh mông bốn bề núi - rừng - biển, với những thửa ruộng, bãi đất, sình lầy, bờ bụi, lạch nước, gió cát...
Vùng này gọi là Đồng mí, vốn là đất đai của một chủ đất trước đó đã khai khẩn ra, thành ruộng thành bờ hẳn hoi. Trước túp lều dựng tạm vẫn còn cái sân nề cũ to rộng lắm. Không biết chủ cũ là ai, giờ ở đâu, sau CCRĐ mà, có thể là không còn nữa…
Thu hoạch vụ lúa đầu tiên, mẹ ước tính được hơn một tấn, nhiều lắm. Tôi chưa từng thấy những bịch cót nào đựng lúa mà to đến thế, chiếm gần hết cả gian lều…
15.
Tết năm ấy chỉ có hai mẹ con tôi ở lại. Có lẽ là tết 1956 sang 1957. Ba ngày tết có ba sự kiện mà mẹ tôi nhiều lần nhắc lại. Lần nào nghe tôi cũng nổi da gà. Ai nghe cũng kinh sợ. Nhưng tôi trong những ngày ấy, dù có thấy nhưng lại chẳng nghĩ gì, và mẹ cũng lặng im không nói, coi như cắn răng chịu đựng cho qua, chứ mẹ con mà nói với nhau chắc là không đứng vững.
Ngày đầu là con trâu của chúng tôi vẫn nuôi để cày ruộng bỗng nhiên bỏ ăn, cứ đứng ngước mõm lên trời, như thể có ai cầm chạc mụi kéo ngược lên. Dắt vào chuồng không chịu vào, cắt cỏ đưa tận mõm vẫn không ngửi. Sang hôm sau thì tự nhiên hết, trở lại hiền lành và gặm cỏ bình thường. Nhưng lại có chuyện đàn gà bỗng nhiên đồng loạt ra phá vườn thuốc. Ba mẹ tôi hút thuốc lào, Quỳnh lưu là nơi trồng thuốc, ba mới mua giống về trồng để tự túc một vạt lớn phía trước cái sân nề. Cây thuốc đã lên cao, ngang tầm vai tôi rồi. Bình thường gà không bao giờ ra vườn thuốc, vậy mà hôm ấy chúng thi nhau mổ, vặt lá thuốc tơi bời, không phải để ăn, mà vặt để phá, đuổi cũng không được. Cho thóc để nhử ra cũng không xong. Lạ thế. Sang ngày thứ ba, gà không phá nữa, thì ruồi, không biết từ đâu kéo về, đen đặc, bu bám khắp nơi. Mẹ con tôi phải buông màn xuống, chui vào trong mới ăn được bữa cơm trưa. Qua ba ngày tết thì hết mọi chuyện, tất cả trở lại bình thường.
Nghe chuyện này ai cũng nghĩ đến ma. Bây giờ ít ai nhắc chuyện ma, chứ thời ấy ma quỷ là chuyện thường ngày mọi người vẫn nói với nhau, hoặc là hù dọa nhau, đặc biệt để nhát đàn bà con nít. Trên ngọn tre đầu làng có ma đưa võng kẽo kẹt… Bụi duối bên đường cũng có ma… Con cú, con chim lợn, con dù dì kêu đêm, đều là có ma, là gọi ma về… Gió xoáy trên đồng, trên bãi cuộn lá cây rác rưởi, đất cát quay tít mù rồi bốc ngược lên được gọi là ma cụt trốc (đầu). Những ngày mưa dầm, đâu đó lập lòe, chờn vờn ánh lửa ma trơi…Dưới vực, dưới sông có ma gia, thuồng luồng, hà bá…Ma trơi thì tôi đã tận mắt chứng kiến, nhưng hồi ấy đã học cấp III, sau cái thời điểm này khá lâu, còn các thứ ma khác thì tôi không rõ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét