Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

NHỚ VỀ TRƯỜNG CẤP 3 QUẾ PHONG.. (p3.3)

III.3

Thầy Lương Văn An

Đêm qua tôi mơ thấy thầy An. Tôi thấy anh hướng dẫn mọi người múa xòe quanh bếp lửa. Cái không gian xòe ấy không phải ở QP mà hình như là ở QC, ở cái chỗ trường đóng khi xưa dưới khe Đồng minh, giáp phía bờ sông. Trông cảnh xòe ấy trong lòng tự lấy làm lạ lắm, rồi tỉnh, xốn xang hoài.
Thực thì thầy An không phải là người ham văn nghệ. Anh chỉ thuần là một giáo viên toán. Anh là chủ nhiệm của khóa 4, có nhiều trò thành đạt như Xin, Hùng, Tùng, Tâm… Anh hiền lành, vô tư, lúc nào cũng có thể cười vui được. Hầu như chẳng có gì làm anh phật lòng và anh cũng chẳng bao giờ làm phật lòng ai. Cái gì biết, cái gì có thể làm được, anh làm hết mình. Cái gì chưa biết thì anh hỏi, anh trao đổi, chân tình thành thực.
Là giáo viên cấp hai đi học nên anh ra trường thì đã có tuổi rồi, có cả một gánh nặng gia đình. Nghỉ cuối tuần anh tranh thủ đạp xe về Châu hạnh giúp đỡ vợ con. Thế nhưng những khi ở trường anh vẫn vô tư như không hề có khó khăn túng thiếu gì ở nhà cả. Anh vẫn tham gia thể thao với anh em. Anh chơi bóng khá, cả bóng đá, bóng bàn và nhất là bóng chuyền với những cú búng bóng chính xác tuyệt vời.
Tôi đã về thăm anh mấy bận. Qua khỏi đập tràn QC, rẽ phải luôn, leo con dốc ngắn, đi theo bờ ruộng, qua cánh đồng nho nhỏ, đến bìa làng, rẽ phải nữa, theo một con mương, qua nhà thầy Lương Gia Tôn một quãng  là tới nhà anh. Căn nhà sàn chênh vênh, có con mương nhỏ trước cửa, nhìn ra mấy khoảnh ruộng con con…
Rồi tôi hay tin anh bị uốn ván do đi bừa dẫm phải vật nhọn… Chỉ thế thôi mà không chữa được… Anh đã kịp nghỉ hưu đâu, vẫn còn sung sức, vẫn còn đứng lớp mà… Sao đau quá. Đau mà không biết làm sao. Thương anh nhiều nữa. Con người hiền lành thế, chăm chỉ thế, chịu đựng thế mà không ở lại được với đời, với vợ con, với bạn bè, với cả những thế hệ học trò. Không sao hiểu hết cơ trời, chỉ biết cầu cho vong linh anh siêu thoát.


Cô giáo Sầm Thị Hoan

Cô giáo sầm Thị Hoan là học sinh khóa 5, cùng khóa và là đồng  môn với thầy Ngọ hiệu trưởng trường ta bây giờ. Cô về trường ta, dạy được đúng một năm thì đi, đi mãi về cõi xa xăm…
Những năm đói khổ lạ lùng đó, cả nước thiếu cái ăn, cái mặc, đã đành, mà sao vùng cao QP lại cũng đói. Vẫn ngần ấy ruộng nương, vẫn ngần ấy con người, mà mới đó còn dư thừa, còn đóng bè chở thóc về xuôi, còn ăn toàn nếp quanh năm không phải hấp độn gì, đột nhiên thiếu đói. Từ trên, không rõ là trên mấy cấp, có chủ trương tự túc lương thực tại chỗ, có chủ trương cho phát nương làm rẫy. Cả huyện làm nương rẫy. Trường ta cũng làm rẫy xuống tận phía dưới Tòng mọ, cách trường đến 1cây số. Nhà tôi chỉ có hai mẹ con, đã có sổ gạo mà mẹ tôi cũng lo cuống lên, thúc giục tôi làm rẫy bên phía pu Hiêu.
Hè năm ấy cô giáo Hoan cùng bố mẹ, anh chị lên rẫy bên pu Mai hay bên pu Tạ chang chi đó, phía giáp với Hạnh dịch. Rồi cô giáo bị sốt, nằm bẹp trên rẫy. Khi được người nhà cáng xuống thì cô yếu lắm rồi. Bệnh viện vừa chẩn đoán là sốt rét vừa nghi là cảm thương hàn. Tôi và thầy Bình lên thăm, Hoan chỉ nói: Thầy ơi, em mệt lắm. Nói xong Hoan chớp mắt, hai hàng mi dài đen nhánh khép lại. Tôi và thầy Bình cũng nhận ra là Hoan rất mệt nhưng vẫn tin ở tuổi trẻ, ở sức vóc của Hoan, vẫn tin ở bệnh viện, và tin có cái lý “ở hiền gặp lành” giữa cõi nhân gian nữa. Người như Hoan chắc chắn sẽ vượt qua, sẽ khỏi bệnh… Cô giáo trẻ hồn nhiên trong trắng vừa mới vào nghề, còn chưa kịp có một mối tình như thế, không thể nào, không có lý gì…
Hôm sau tôi và thầy Bình lên bệnh viện thì chỉ còn kịp cùng với gia đình đưa cô giáo Hoan rời khỏi đó, đi qua cánh đồng mênh mông giữa thung lũng lớn Kim sơn, qua đập tràn Châu kim, lên hết cái  dốc mà trên cao kia ngày xưa có đền chín gian, để về tới nhà lần cuối…
Cô giáo Hoan là cháu nội của cụ Sầm Văn Phú - người thầy đầu tiên khai mở cho tôi về dưỡng sinh. Tôi quý cụ, quý cả gia đình. Trước đây cô giáo Hoan là học sinh của tôi, học xong đại học, được phân về trường, cô là đồng nghiệp. Đặc biệt trong tổ tự nhiên cô là người trẻ nhất, là em út của tổ, cũng là em út của hội đồng nhà trường, là giáo viên nữ cấp ba đầu tiên và có lẽ cũng là người phụ nữ Thái đầu tiên của huyện nhà có bằng đại học...
Đứng từ trường nhìn lên phía bù Chông cha, phía pu Tạ chang, pu Kẹp, thỉnh thoảng lại gặp một dải mây trắng ngần vấn vít lưng chừng núi, có lúc tôi đã nghĩ hay là rừng núi nhớ Hoan.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét