Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

CHÉM CHẾT CHA HẮN ĐI p2


        Cái sự chặt chém và cân bằng tương đối trong chém chặt tôi đã viết ở  phần 1. Nay lại nẩy sinh thắc mắc: Thế ai sinh sự trước, ai chém trước?
        Thường thì anh nắm đàng cán chém trước, chứ anh nắm đàng lưỡi sức mấy mà chém. Vậy ra anh ta có sẵn vũ khí, có thế mạnh. Anh ta mà lại độc quyền sức mạnh nữa thì càng ghê. Đã có sức mạnh lại có pháp quyền hậu thuẫn, càng ghê hơn nữa. Khi anh ta là nhà vô địch, ít ra là anh ta tưởng thế, rất dễ để anh ta muốn chém ai thì chém, nếu thiếu đi một chút lương tri.
       Kẻ bị chém đau có thể tìm cách chém trả, nhưng thường là không lại, thậm chí còn sợ hãi mà co vòi. Đến một lúc nào đó, không tự giác, anh ta lại đi chém kẻ khác, thường thì yếu thế hơn mình. Cái chuỗi này có thể cứ thế mà kéo dài ra mãi, kéo thành chuỗi vòng quanh, bởi anh nào cũng có chút gót chân Asin, nhờ thế mà tạo ra cân bằng tương đối trong chặt chém. Một thứ cân bằng hoang dã, của thời chưa có đạo đức và pháp luật.
      Đã có sự cân bằng tương đối thì chém chặt không đến nỗi ghê gớm lắm đối với người trong cuộc. Nhưng bên ngoài nhìn vào thì kinh lắm, dã man lắm, rợn lắm. Người ta sẽ tránh xa cái chốn ấy, thậm chí người ta còn khinh bỉ, không thèm giây với hủi.
      Nay đã là thế kỷ XXI rồi. Nước mình mang nền “văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, vốn dĩ không có chỗ cho chặt chém. Tại sao chặt chém lại nảy nòi ra được?. Chúng ta lại đang hướng tới “nền văn hóa tiên tiến” trong “thế giới hội nhâp sâu sắc và toàn diện”, lại càng không thể để chém chặt tồn tại. Giải pháp phải tìm từ gốc, có thể là ở chỗ ngăn chặn từ đầu kẻ ra tay chém trước.
      Nhưng ai chém trước? Phải chăng là thằng có dao có kiếm, có thế có lực, hoặc là thằng ngáo đá tâm thần? 
   Còn nữa, ai ngăn?, ai chặn? Câu trả lời hãy còn để ngỏ. Bởi vậy mấy bà giữa chợ mới dám nói: Chém chết cha hắn đi.
28-5-2011




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét