Tiếp PIII
Đến tầm hơn bốn giờ chiều thì lác đác có những người được cho về. Họ là những người đã qua bước lập biên bản vi phạm trật tự công cộng, chụp ảnh và lăn vân tay. Tôi, một ông khác đồng niên con trâu, một ông nữa hơn chúng tôi 5 tuổi và cụ bà là những người gần như cuối cùng ở CA Mỹ đình. Không kể những người đã được đưa đi nơi khác mà chúng tôi không biết hết.
Có năm tờ giấy in sẵn theo mẫu để lập biên bản vi phạm và quyết định xử phạt. Chúng tôi được gọi từng người một vào phòng riêng, lại hỏi mấy câu. Ghi thêm là chúng tôi vi phạm điều…Tôi bảo: Tôi chưa được học cái nghị định hay cái gì gì đó. Anh công an lục lọi một lúc rồi huơ lên trước mặt tôi một tập giấy: Nghị định ấy đây, bác đã tin chưa? Chưa, tôi chưa tin. Nếu có thì nó cũng chỉ nói về tụ tập đông người trái phép. Chúng tôi biểu tình phản đối Trung quốc gây hấn biển Đông chứ không tụ tập trái phép. Tụ tập đánh bạc, tụ tập đua xe, là trái phép. Biểu tình thì luật pháp không cấm, nhất là biểu tình yêu nước. Chúng tôi đã đi biểu tình nhiều lần rồi, từ hồi còn đấu tranh thực hiện hiệp định Giơ ne vơ, đến chống Mỹ Diệm, rồi chống Mỹ Thiệu, và bây giờ là chống Trung quốc gây hấn trên biển Đông.
Anh ấy lại bảo: Bác vi phạm thông báo của UBND thành phố. Tôi bảo không ai thông báo cho tôi cả. Mà thông báo không phải là luật. Anh ấy đành bảo:
- Thôi thì bác ký hay không tùy bác. Tôi bảo tôi sẽ ký nhưng tôi phải được ghi ý kiến của mình. Anh ấy đồng ý. Tôi viết thế này vào cái phần giấy còn lại: Tôi đi biểu tình phản đối Trung quốc gây hấn biển Đông. Tôi tin rằng mình không vi phạm pháp luật. Và tôi ký ở dưới, cả 5 bản như nhau.
Xong việc ấy thì đến khâu lăn dấu vân tay và chụp ảnh. Chưa lần nào tôi được lăn vân tay với cả bàn tay như vầy. Cũng chưa lần nào được chụp ảnh cả ba phía như lần này. Nhưng tôi dị ứng nhất khi phải khai tên bố mẹ. Tôi bảo: Tôi đã già thế này, bố mẹ đều không còn, còn lôi bố mệ tôi ra làm gì. Tôi làm tự tôi chịu trách nhiệm. Họ bảo: bác thông cảm, thủ tục là phải vậy. Lại thủ tục. Khốn nạn với thủ tục của cái xứ mình!
Tôi đợi hai ông bạn già để cùng về. Lúc này sân trường đã thưa vắng. Các chiến sĩ trẻ đã rút. Phía trong sân một nhóm chắc là sĩ quan đã có tuổi, mệt mỏi ngồi quanh chiếc bàn uống nước. Phía ngoài cổng cũng một nhóm CA uể oải ngồi nghiêng ngả. Bà cụ vẫn chưa xong thủ tục để về. Ba chúng tôi đành về trước. Gần tới cổng tôi quay lại nói to: Chào các anh!
Họ không nói gì, ánh mắt mệt mỏi nhìn theo chúng tôi. Không biết mai này, nói dại mồm, mấy nghìn công nhân Trung quốc, không phải, cả nước có đến gần chục vạn công nhân Trung quốc nhập cư trái phép mà đồng loạt gây rối bằng cuốc xẻng xà beng, chưa nói bằng súng thì nấy ông vòng hai to uỳnh trong kia, và mấy anh mệt mỏi ngoài này ứng phó thế nào nếu không có dân?
Ra khỏi cổng sắt, nhìn lại cái trường học, lại cũng là đồn CA này chợt gợn lên: Ngày mai mở cửa, các cháu học sinh bước vào sẽ nghĩ gì về các chú công an nhân dân? Chưa nói các cháu sẽ nghĩ gì về chúng tôi, những người đi biểu tình yêu nước.
Tôi không có dịp nào đến vùng này. Hỏi thăm tìm đường mãi một hồi tôi mới ra được đến đường Phạm Hùng. Lúc này trời đã tối mịt.
Hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét