Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

NỬA THẾ KỶ ĐỒNG TIỀN MẤT GIÁ

Tôi biết đến đồng tiền từ mùa hè năm 1963, khi 14 tuổi. Đấy là lần đầu tiên anh em tôi tìm được một việc để làm thuê. Chúng tôi đánh tranh nứa cho một công trường xây dựng. Nứa chặt từ rừng, cánh thành bè rồi cho trôi sông. Không biết sau bao nhiêu ngày tháng mới tới công trường. Chẻ đôi cây nứa ra tới đâu nước chảy ra tới đấy, thối ung ủng, lờm lợm, buồn nôn. Nước ấy làm ướt sũng cả đầu tóc, quần áo, tắm giặt mấy cũng không hết mùi cho được. Khạc ọe như thế mà anh em chúng tôi đập dập mắt nứa, chặt thành từng khúc, rồi chẻ hom, đan kết lại để thành tranh nứa. Dao sắc, tinh nứa còn sắc hơn, anh em tôi ai cũng bị đứt tay, lại ngấm cái nước ấy vào, vết đứt không lành được, cứ tấy lên.
Cuối đợt chúng tôi được thanh toán mỗi phên tranh 8 xu. Một đồng là một trăm xu. Mỗi ngày tôi đánh được 25 cái tranh, vị chi cũng được 2 đồng. Hai đồng ngày ấy to lắm, đủ đóng học phí 1 tháng cho anh tôi học lớp cuối cấp III. Còn tôi thì đưa hết cho mẹ, còn trừ 3 hào, tức 30 xu để ăn một bát phở. Đấy là bát phở đầu tiên tôi được ăn trong đời, ở cửa hàng ăn uống trước bến xe Vinh. Bát phở mới ngon làm sao, nhiều thịt biết bao, bát to, đầy tú hụ, nóng hôi hổi. Mà sung sướng hơn hết nữa là được mua bằng chính đồng tiền của mình làm ra, mặc cho nó có mùi nứa ngâm thum thủm.
Tiếc là công việc như vậy không có nhiều, chỉ đâu già nửa tháng là hết. Mùa hè năm sau, ngày 5-8-1064, không quân Mỹ đã ném bom miền Bắc. Chẳng bao lâu sau thị xã Vinh bị san bằng thành thành đống gạch vụn. Cũng từ đấy tôi không còn dịp nào để làm thuê kiếm tiền. Rồi cũng từ đấy tôi không còn mấy quan tâm tới chuyện tiền nong…
Cho đến hôm nay, nghĩa là gần nửa thế kỷ sau, (còn thiếu hai năm), thì tôi mới lại có một lần, tự mua cho mình bát phở. Không nhớ nhà tôi bận việc gì mà lần này lại bảo tôi đi nhận lương hưu. Về tới nhà thì cửa khóa, thế là đành ra quán ăn tạm bát phở. Bát phở nay không ngon bằng bát phở ngày xưa, không có nhiều thịt như thế, không phải loại thịt như thế, cũng không phải nước dùng như thế, nhưng mà vẫn phở. Lúc trả tiền mới biết bát phở giá 30 ngàn. Nói thế cho gọn, chứ nói đầy đủ là 30 ngàn đồng, chứ không phải 30 ngàn hào, hay 30 ngàn xu.
Trên đường về, lẩn thẩn tính, với từng ấy tiền, tức là 300 ngàn hào, ngày xưa, thuở mình làm thuê, tức là có thể mua được 100.000 ( một trăm ngàn) bát phở, đủ cho một ngàn người ăn trong một trăm bữa. Trời đất, thiên địa ơi! Thật không thể nào tưởng tượng nổi.
Nhớ lại cụ Nguyễn Tuân đã từng lấy phở làm bản vị đồng tiền. Mà chọn thế cũng có cái lý vì trong đó có bản vị của lương thực, có bản vị của thực phẩm, lại có cả bản vị của dịch vụ, ba cái bản vị chính của tiêu dùng. Giờ đây lấy phở làm bản vị mà tính, thì nửa thế kỷ qua đồng tiền đã mất giá đúng một trăm ngàn (100.000) lần. Chắc chắn không chỉ có phở, mà bất kể thứ gì cũng lên giá như vậy cả, cùng tỷ lệ thuận với nhau cả. Vì thế không cần kể thêm, cho nó nặng nề.
Trong cái sự làm mất giá đồng tiền có trách nhiệm của chính phủ. Giả sử chính phủ chỉ chịu 1% trách nhiệm đó thôi thì chính phủ cũng đã phải chịu tới 1000 lần. Còn người cầm quyền trên cả chính phủ, giả sử chỉ chịu trách nhiệm 0,1% thì cũng phải chịu tới 100 lần.
Giả sử mỗi lần chịu trách nhiệm như thế, uy tín giảm đi 1/10 (một phần mười) thì nửa thế kỷ qua uy tín của chính phủ đã giảm 100 lần, còn uy tín của nhà cầm quyền đã giảm 10 lần. Ấy là chỉ tính có mỗi cái giá của đồng tiền. Còn biết bao cái giá khác phải trả cho nửa thế kỷ đã qua trên tổ quốc mình?



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét