Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

TẢN MẠN BIỂU TÌNH YÊU NƯỚC Ở HỒ GƯƠM 21-8-2011. (P. III)

  Tiếp P.II

Chiến sĩ CA trẻ tuổi cầm dùi cui ban nãy dẫn tôi ra chỗ tập trung ở ngoài sân trường. Tại đây đã quây sẵn một khu riêng biệt bằng thứ rào chắn cấm đua xe, chỉ trừ một khe hẹp cho người bị dẫn đi vào. Bên cạnh cái khe hẹp ấy có một chiến sĩ cao to cầm dùi cui ngồi canh. Xung quanh còn có mấy người ngồi canh nữa, ai cũng có dùi cui trong tay. Khi tôi vào thì trong cái ràng ấy đã có khoảng gần 20 người. Một cháu còn trẻ đứng dậy nhường ghế cho tôi. Ngồi mãi, thỉnh thoảng có thêm một người vào. Nhưng trong cái ràng ấy không có anh Đức cùng phòng với tôi ban nãy. Không biết họ đưa Đức đi đâu?.
Khi tôi xin phép đi vệ sinh, người ngồi gác bên cái khe hẹp gọi một chiến sĩ trẻ cầm dùi cui tới bảo đi cùng tôi. Ra đến chỗ vệ sinh tôi bảo: Cháu ở ngoài này, đừng vào. Quay ra thấy cháu vẫn đứng đợi. Tôi vỗ vai: Thật khổ cháu tôi. Cháu chỉ khẽ nhéch mép, không biết là cười hay mếu. Thương thế.
Trong cái ràng bằng sắt ấy có sẵn nước uống. Đến trưa thì có bánh mỳ. Bà cụ ngoài 70 tuổi tôi gặp ban sáng giờ cũng đang ở trong ràng cùng chúng tôi. Cụ bảo:
- Tôi không thấy đói, không muốn ăn gì cả. Tôi chỉ sợ mất cái xe đạp. Lần nào (biểu tình) tôi cũng đi xe đạp, đến Bờ Hồ thì khóa vào cái cột điện. Xong lại đến lấy xe về. Giờ này mà còn ngồi đây thì chắc là xe không còn nữa.
       Ngón tay trỏ bên phải của tôi bắt đầu nhức. Không biết cháu đeo băng đỏ nào ban sáng đã bấu hai vết bật máu. Lúc chờ làm biên bản cuộc gặp tôi đã nhờ cháu cầm dùi cui đi tìm hộ thuốc sát trùng. Cháu đã đi tìm nhưng rồi quay lại bảo không có. Tôi thấy lạnh sống lưng, khi chợt nghĩ: Lỡ cái cháu bấu tôi chảy máu ấy mà bị ếch nhái gì thì sao? Chắc là mang án tử hình còn gì? Ngày xưa chảy chút máu thế này chẳng có gì đáng nói, nhưng ngày nay có HIV. Kinh lắm!
Đến khoảng hơn hai giờ chiều thì một cháu gái cũng ở trong ràng như chúng tôi gào to lên: Cho tôi ra ngoài mua bát phở. CA bảo: Có bánh mỳ đấy sao không ăn? Cháu ấy bảo: Tôi có nghén, không ăn được, ngửi mùi bánh mỳ là buồn nôn. Các anh mà không cho đi ăn là tôi sụt đường huyết xỉu xuống bây giờ.
Lúc sau nữa thì có người tiếp tế bánh mỳ đóng túi vào. Lần này thì tôi động viên bà cụ: Chị gắng ăn lấy một tí. Nhìn chị nhai từng chút bánh một mà thương quá đi. Sao đến thế này chị ơi! Nhưng tôi không dám nói nên lời.
Còn nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét