Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

NHỚ VỀ QUÊ NGOẠI (1,2,3)

Quê nội tôi ở Thừa thiên Huế, huyện Hương trà, xã Hương toàn, làng Bàu đôn hay Bàu đôông. Tôi không có được may mắn sinh ra và lớn lên ở đấy. Bởi vậy, với tôi, quê nội là một nỗi buồn thiếu vắng, một vế trống, một nửa mông lung không thể nào bù đắp được.
Tôi cũng không được sinh ra ở chính quê ngoại. Mẹ sinh tôi ở Nam đàn, là một trong những nơi ba mẹ tôi từng đi qua cùng quân y viện liên khu bốn thời chống Pháp. Nhưng nơi mà tôi có được những hình ảnh đầu tiên in dấu trong trí nhớ cho đến bây giờ chính là quê ngoại. Theo tháng năm, tôi ghi lại những gì mình còn nhớ được, để làm kỷ niệm, để sống lại với chính mình và với mọi người, với quê. Tôi cũng muốn tri ân quê ngoại, vì những gì quê ngoại đã cho tôi.

1.
Những hình ảnh đầu tiên trong trí nhớ của tôi là căn nhà ở đầu cầu Bến quan. Qua cầu, đi theo bờ nông giang một quãng ngắn là vào cổng, vào sân, rồi vào nhà. Ba gian nhà tranh. Bên phải, nhìn từ trong ra, có một cái ao to. Một hôm mẹ để tôi dắt trâu cho ăn cỏ bên bờ ao. Rồi tôi nghe tiếng mẹ gọi về ăn cơm. Tôi đã dạ. Tôi thả dây mụi ra và cúi xuống ao rửa tay. Con trâu ăn cỏ vừa đến chỗ tôi đang ngồi rửa, chắc là nó hất mõm một cái, thế là tôi rơi xuống ao…
Về sau mẹ kể, chờ hồi lâu, mà không thấy tôi vào, mẹ gọi cũng không thấy tôi thưa, mẹ chạy ra ao thì thấy tôi đang ngữa mặt lên trời, nằm im như ngủ. Mẹ nhào xuống, bế tôi lên, tôi vẫn còn thở đều, bụng không có nước, không bị sặc, chỉ có lặng im, lay mãi mới tỉnh.
Ngày ấy Pháp còn đánh mình, tôi lúc đó chắc chỉ bốn tuổi, hoặc hơn một tí. Con trâu, cặp sừng, cái mõm đen sì với chạc mụi, bờ ao, và cỏ, và bờ hóp quanh ao, tất cả vẫn còn trong trí nhớ…
Mẹ nói là nhờ có bà mụ đỡ, nếu không tôi làm sao qua khỏi lần chết đuối ấy được.

2.
Nhà tôi ở đầu cầu, xung quanh là ruộng lúa. Không có nhà nào khác, chỉ có mỗi một căn nhà của ba mẹ tôi ở đấy. Sau này tôi nghĩ đấy là cái sự khác biệt của ba mẹ tôi, cái sự không giống ai của các vị sinh thành. Tôi không được ra cầu chơi, vì cầu cao lắm, bờ sông dốc lắm. Nhưng tôi nhớ có máng ở dưới mặt cầu, dẫn nước nông giang từ bờ bên kia sang bờ bên này. Nhà tôi có một đám ruộng ở ngay đầu cầu. Ba tôi đã cưa những ống nứa, thông mắt, rồi nối với nhau bằng những đoạn săm xe đạp làm thành một đường ống gấp khúc vắt qua bờ nông giang để lấy nước vào ruộng của mình. Việc này cũng tray tró lắm, vì các khớp nối cứ chực tuột ra, và công việc phải lặp lại từ đầu.
Để qua được nông giang người ta lại phải bắc một chiếc cầu nhỏ. Cầu lớn qua sông và cầu nhỏ qua nông giang vuông góc với nhau. Cầu nhỏ ở đầu một nhánh của con đường liên huyện chạy dọc theo bờ nam sông Lam, nối về làng tôi. Đường về làng vẫn gọi là đường quan.  Có lẽ vì đường ấy to, có rải đá, ô tô chạy được, cũng có thể là đường cho quan đi, đương nhiên dân cũng đi. Sau này, lớn lên tôi biết ông ngoại của tôi được gọi là quan, dù ông không ra làm quan. Em ruột của ông ngoại cũng là quan, có cả ô tô, có cả người làng đi làm tài xế cho ông…
Mới khoảng sáu tuổi, hồi ấy còn ở quê, tôi có giấc mơ nhớ mãi tới giờ. Tôi mơ thấy ai đó dựng lên những cái cọc trên đám ruộng của nhà tôi ở đầu cầu. Trên đỉnh các cọc giăng giăng như là một cái giàn, cái lưới. Kinh là giăng bằng lòng, bằng ruột của con vật, không biết là con vật gì. Còn thấy một cái đầu, chỉ có cái đầu, không rõ là đầu trâu hay đầu bò, nhưng có sừng dài, vừa húc vừa ủi một thân người trần truồng bê bết máu lăn trên đường cái quan, lăn qua cầu nhỏ, sang bờ bên tê rồi lại ủi lăn về bờ bên này, lăn tiếp dọc đường quan...

3.
Hễ nghe tiếng máy bay là mẹ kéo tay tôi chạy về phía rú Mấc. Có lần vừa chạy ra khỏi nhà một đoạn  thì máy bay sà tới. Nó bay thấp lắm, tưởng như sát ngọn lúa. Hai mẹ con ém vào bờ ruộng thì nó đã lướt qua. Thân cánh nó to bè, mốc thếch.
Có lần thì nó bay trên cao, trắng lóa, bằng cái bắp chuối. Mẹ con tôi nấp trên trại, ngữa mặt lên nhìn, thấy nó cứ ở mãi trên ngọn cây bục bạc. Sao lần này nó bay chậm thế.
Có lần về dưới xóm, đi qua cựa đình, ngang cổng cố Cát thì nghe tiếng máy bay, tôi sợ quá co cẳng chạy ngược lên đình. Trên đình cây cối rậm rạp, lại có cả hầm cá nhân, đào tròn như cái ống cống. Ngồi trên miệng hầm nhìn theo thì máy bay đã bay qua bên tê rào Cấy (sông Lam), ngược lên phía bắc.
Ba mẹ tôi phải dời nhà từ đầu cầu Bến quan về rú Mấc. Sau này mẹ nói chính quyền yêu cầu thế, có thể sợ máy bay ném bom, do chỗ ở quá lộ, có thể sợ mình làm chỉ điểm? Ngày ấy sợ cả một cái kẹp tóc bằng inox, gọi là kẹp Mỹ, cho rằng nó phản quang, làm máy bay nhìn thấy.
 Còn nữa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét