Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

THƯ GỬI ÔNH NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỔNG BÍ THƯ ĐCSVN (PI)

Kính thưa Tổng bí thư.

Tôi là một công dân và là một đảng viên 34 tuổi đảng. Từ ngày được vào đảng tới nay tôi luôn trăn trở về đảng và về trách nhiệm đảng viên của mình. Có những vấn đề cảm thấy quá lớn, ngoài tầm lo nghĩ của mình, mà không hiểu sao tôi không thể nào không lo nghĩ. Tôi quả thực không biết trao đổi với ai, ngay cả trong gia đình, trong bạn bè, và ngay cả trong chi bộ. Tôi xin thành thực trao đổi với ông, hy vọng ông có thể thông cảm cho tôi, và càng hy vọng hơn rằng ông sẽ đồng cảm. Tôi xin chọn một số vấn đề và tách dần ra để tiếp cận.
I.Về lý luận xây dựng đảng.
Trong buổi bảo vệ luận án tiến sĩ về xây dựng đảng của một cán bộ giảng dạy ở học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ông có hỏi một câu, và còn gợi thêm, anh có thể trả lời hoặc chưa trả lời ngay câu hỏi này: "Đảng ta từ ngày thành lập đến nay đã có hệ thống lý luận về xây dựng đảng hay chưa?"
Tôi may mắn có mặt trong buổi ấy với tư cách là bạn của người bảo vệ luân văn. Anh bạn tôi đã có câu trả lời: "Bằng vào những thắng lợi rực rỡ mà đảng ta đã giành được từ ngày thành lập đảng tới nay, bằng sự lớn mạnh không ngừng của tổ chức đảng, chứng tỏ rằng đảng ta đã có đường lối đúng đắn và có một cơ sở lý luận vững chắc về xây dựng đảng."
Đó là một câu trả lời khôn ngoan, và tôi thấy ông hài lòng về câu trả lời đó. Hội đồng chấm luận văn đã công nhận luận văn của bạn tôi là xuất sắc. Tôi thực lòng mừng cho bạn.
Điều này đã qua hơn chục năm rồi. Nay tôi lại xin hỏi ông: Với tư cách là nguyên chủ tịch hội đồng lý luận Trung ương, ông sẽ trả lời câu hỏi của chính mình nêu ra như thế nào? Xin ông trả lời thẳng chứ không phải bằng cách gián tiếp như anh bạn của tôi.
Bản thân tôi, mấy chục nay tôi cũng tự hỏi mình câu hỏi tương tự và tôi nhận ra rằng:
a. Đảng là tổ chức tự nguyện.
          Từ trước khi vào đảng tôi đã nhận thức được rằng đảng là tổ chức tự nguyện. Không ai bắt buộc anh vào đảng, không ai bắt anh phải hy sinh phấn đấu trọn đời cho mục tiêu lý tưởng của đảng. Chỉ có bản thân anh tự giác nguyện trọn đời phấn đấu hy sinh vì lý tưởng và sự nghiệp của đảng mới làm đơn xin gia nhập đảng.
Trong thực tế, điều trên đây chỉ đúng một nửa. Cái nửa đúng thứ nhất thuộc về thời kỳ đầu có đảng. Lúc ấy đảng chưa giành được chính quyền, đảng viên thực sự hy sinh phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng. Lúc ấy nhiều đảng viên đã tự túc để hoạt động, nhiều đảng viên đã không tiếc tính mạng và của cải, nhiều đảng viên đã hy sinh thân mình. Hầu hết các đảng viên được dân nuôi nấng, đùm bọc, bảo vệ vì thực sự lúc ấy đảng không có nguồn thu nào cả, không có lực lượng bảo vệ nào cả. Nhưng từ khi nắm chính quyền, khi tất cả đảng viên đã có công ăn việc làm, có thu nhập, mà tổ chức đảng vẫn ỷ vào việc dân phải nuôi tổ chức đó bằng tiền đóng thuế, vẫn phải yêu cầu dân bảo vệ đảng là điều trái với tinh thần của một tổ chức tự nguyện. Đáng ra từ đây đảng phải tồn tại bằng chính nội lực của mình, bằng sự đóng góp tự nguyện của tất cả các đảng viên, đặc biệt là những đảng viên có thu nhập cao từ địa vị của mình, mà nhờ có sự đảm bảo hoặc giới thiệu của đảng họ mới có được địa vị đó.
Thực tế chúng ta không làm như vậy. Nửa sau, khi đã cầm quyền rồi chúng ta đã lặng lẽ hành chính hóa một tổ chức tự nguyện, và mặc nhiên công nhận đảng như một tổ chức dân cử, hay một cơ quan hành chính và mặc định luôn đảng viên trong các tổ chức đảng và các tổ chức liên quan khác tương tự  như là công chức nhà nước. Có thể tổng bí thư cho rằng sở dĩ mặc định như thế vì hiến pháp thừa nhận sự lãnh đạo của đảng. Đã thừa nhận như vậy thì phải trả lương lãnh đạo là việc tất nhiên.
Nhưng thưa tổng bí thư, thế trước 1992, tức là trước khi hiến định như thế hàng chục năm mà đã có sự mặc định vậy rồi là do đâu? Vả lại, thưa ông, từ đầu đảng vốn đã là một tổ chức tự nguyện. Và vì đảng là tổ chức tự nguyện thì quốc hội mới thông qua điều 4 của hiến pháp. Bây giờ giả sử đảng không phải là tổ chức tự nguyện của những người suốt đời hy sinh phấn đấu cho dân giàu nước mạnh, cho dân chủ văn minh thì liệu quốc hội có dám chọn đảng làm đảng lãnh đạo hay không? Hoặc, nếu đảng là tổ chức tự nguyện của những kẻ cơ hội vào đảng để tư lợi cá nhân, để đục khoét tham nhũng, để vinh thân phì gia thì nhân dân có dám chọn đảng làm đảng cầm quyền không? Hoặc khi đảng đã tự nhận mình có nhiều sai lầm do chủ quan nóng vội duy ý chí, và một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa biến chất thì đảng có còn xứng đáng là đảng cầm quyền không?
Một khi đại đa số đại biểu quốc hội là đảng viên thì việc thông qua một điều luật thư thế cũng là điều dễ hiểu. Nhưng dễ hiểu không đồng nhất với chân lý. Bởi vì bản thân những điều đó từ trước đã tự mâu thuẩn.
Bác Hồ có nói “đảng ta là đảng cầm quyền”, trong một ngữ cảnh đúng vào lúc đảng đang cầm quyền, là có ý nhắc nhở mọi đảng viên phải phấn đấu để thực sự xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ trung thành của nhân dân, chứ Bác Hồ không có ý nói vĩnh viễn đảng vẫn cầm quyền dù có thoái hóa biến chất hay tham nhũng sa đọa tới mức nào. Tôi tin tưởng rằng tổng bí thư đồng ý với tôi về những điều này.
b. Hệ thống tổ chức.
Đảng, nói chung, là tổ chức của những người tự nguyện tham gia vì một mục đích lý tưởng nào đó. Đảng ta chọn chủ nghĩa Mac Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng lý luận; Chọn Mac, Ăng ghen, Lê nin, Hồ Chí Minh làm lãnh tụ tinh thần của đảng. Điều này không khác gì các tín đồ thiên chúa giáo chọn Giê su và kinh thánh, cũng không khác gì các phật tử chọn đức Thích ca và phật pháp. Trong ba ngôi tam bảo, thì đã có hai, ngôi thứ ba ở thiên chúa giáo là giáo sĩ, ở phật giáo là tăng ni, và ở đảng ta là đảng viên. Ngôi thứ ba chính là những người tự nguyện đó.
Ba ngôi tam bảo này đảm bảo cho một đảng phái hay một tôn giáo tồn tại. Sự tồn tại ấy có lâu dài bền vững được hay không phụ thuộc vào cả ba ngôi. Phật giáo và thiên chúa giáo đã tồn tại trên hai ngàn năm. Đảng ta mới hơn tám mươi năm. Đức chúa Giê su và phật Thích ca không còn ai bàn cãi. Kinh thánh và phật pháp đã rõ. Hệ thống tổ chức của các giáo sĩ và giáo dân; các tăng ni và cư sĩ đã nề nếp và ổn định. Thế còn đảng ta?
Tôi quả thực không muốn nói chi tiết, chỉ xin lược vài ý, thực lòng cũng không muốn để so sánh. Các mác và Ăng ghen ở Đức, Lê nin ở Nga, tiếc thay cả hai nơi ấy các ông không còn là lãnh tụ tinh thần nữa, thì sao lại là lãnh tụ của mình. ( Tương tự như có đại biểu nào ở nơi cư trú không được nhân dân tín nhiệm mà lại vào được quốc hội ?). Hay là ở các nước ấy người ta không thể nào hiểu các cụ, còn ở ta thì hiểu. Hay là ở đấy học thuyết của các cụ không phù hợp còn ở ta thì phù hợp. Bác Hồ ở ta, Bác Hồ là lãnh tụ tinh thần nhưng có mấy ai ở tít trên cao học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Có ai học và làm theo “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”?  Chỉ gói gọn di chúc của Bác thử xem hơn bốn mươi năm qua chúng ta thực hiện những gì.
Chưa bàn về học thuyết, xin để mục sau. Thử xem ngôi thứ ba, số lượng thế nào, chất lượng ra sao, phẩm hạnh thế nào, tự tu dưỡng và thấm nhuần tư tưởng Hồ chí Minh và chủ nghĩa Mac - Lê nin tới đâu, thoái hóa biến chất tới mức nào, nội bộ chia rẽ ra sao và cuối cùng là có quản lý, có tự nuôi được tổ chức tự nguyện của mình không, hay là phải ăn nhờ vào dân, không những thế còn không ít kẻ nhũng nhiễu dân đè nén áp bức dân, thậm chí trở thành “quan cách mạng”, “vua tập thể”, hoặc “tư bản đỏ”?
Hãy xem một hình ảnh nhỏ, thí dụ là các chùa chiền, các nhà thờ được xây dựng, được tôn tạo trong vài chục nay trên đất nước ta. Thử tìm hiểu xem họ xây bằng nguồn kinh phí nào, quản lý ra sao, có biển thủ không, còn các công sở của đảng được xây dựng bằng nguồn nào. Thử tìm hiểu xem các tăng ni và giáo chức tồn tại bằng cách nào còn cán bộ đảng thì bằng cách nào cũng đủ để thấy đảng đi vào cuộc sống và lòng dân ra sao?
c. Lý luận.
Tôi phải thừa nhận mình không rành về lý luận của đảng. Tôi cũng  không rành tầm chương trích cú. Nhưng tôi hiểu để chứng mính một lý thuyết là đúng thật không dễ dàng gì. Ngược lại để chỉ ra một lý thuyết chưa đúng hoặc không đúng thì chỉ cần một thí dụ.
Cái thuyết về mâu thuẩn đối kháng: “Lợi ích giai cấp tư sản và vô sản là đối lập và không điều hòa được. Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản là tất yếu và sẽ dẫn đến chuyên chính vô sản” và các hệ quả đẫm máu của nó trong hàng mấy chục năm qua, kéo theo cái kết cục tan rã phe XHCN là một thí dụ.
Gần đây nhất là việc chúng ta trải thảm đỏ mời tư bản nước ngoài vào làm giàu ngay trên lưng công nhân Việt nam, trên chính đất nước Việt nam mà không nhắc gì tới mâu thuẩn đối kháng, hay chuyên chính vô sản. Có phải đấy là chúng ta đang tự mâu thuẩn không? Khi cả lý luận lẫn thực tiễn đã tự mâu thuẩn thì lý luận không còn là lý luận nữa, lý thuyết không còn là lý thuyết nữa.
Để có thể xây dựng được một lý thuyết thường có mấy cách: Một là xác định hệ tiên đề đầy đủ và phi mâu thuẩn, rồi từ đó bằng suy diễn logic mà tìm ra các chân lý mới, tạo thành một học thuyết. Có thể tìm kiếm chọn lọc trong học thuyết Mác Lênin hoặc trong tư tưởng Hồ Chí Minh, và cả trong các công trình nghiên cứu chuyên sâu của các học giả uyên thâm trên toàn thế giới về những chân lý phổ quát nhất của triết học, chính trị kinh tế học, xã hội học…để làm hệ tiên đề cho một lý thuyết như thế. Tiếc là việc này không hề giản đơn và cho đến lúc này loài người vẫn chưa làm được.
Hai là: bằng việc xác định các bất biến, rồi đi tìm phép biến đổi thích hợp sao cho bảo toàn các bất biến đó. Cách mạng là cuộc đại biến đổi. Vậy thì có thể vận dụng phép “bất biến” để tìm những cách biến đổi hay tìm phương thức, tìm biện pháp, hay một hướng đi để đưa nước nhà tiến đến mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh.
Ba là chọn mô hình phù hợp hay một mô hình mơ ước cho tương lai. Nhiều khi mô hình có trước lý thuyết khá xa. Trong khi chờ đợi một lý thuyết được xây dựng thì việc hình thành một môt hình tốt đẹp cũng là giải pháp không tồi.
Tất cả các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học cơ bản đều biết các cách tiếp cận lý thuyết như thế này. Đảng chỉ cần tập hợp họ lại, cùng với các nhà khoa học xã hội, các nhà kinh tế và chính trị, thảo luận, định ra các bất biến, hoặc xây dựng các mô hình. Việc này đương nhiên là khó nhưng có thể làm được. Chỉ như thế, khi đó chúng ta có thể hình dung được phần nào hướng đi và tương lai sắp tới, thay vì định hướng chung chung mờ mịt bấy lâu.

(Hết phần I, còn tiếp phần II và III,xin đăng tiếp sau)

         Kính thưa Tổng bí thư. Đảng của chúng ta và bản thân ông còn có nhiều điều phải quan tâm khác nữa, tôi xin tạm dừng ở đây. Tôi thành thực cảm ơn ông đã đọc những dòng này. Và tôi tin là đến đây, vào lúc này ông đang đồng cảm với tôi. Với lòng tin như thế, tôi xin được gọi ông là đồng chí. Kính chúc đồng chí Tổng bí thư sức khỏe.
                                                 Kính thư
                                          Võ Quang Luân
                                                          28-7-2011.

*****
Thư này dưới dạng viết tay 10 trang A4 tôi đã gửi tới Tổng bí thư qua văn phòng Trung ương đảng: số 1 Hùng Vương, quận Ba đình, Hà nội, ngày 4-8-2011, theo dấu bưu điện. Sau hơn một tháng chờ đợi hồi âm, chỉ là hồi âm của văn phòng cũng được, mà không có, thì tôi tin như người  xưa thường nói: "nhất ì ...", chắc là Tổng bí thư không có điều chi phản đối. Vậy nên tôi mới lên trang nhật ký của mình.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét