II. Lợi ích của đảng, của dân tộc và nhân dân.
Tám mươi năm qua về cơ bản đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân và của dân tộc. Về lý thuyết là như thế. Lợi ích của đảng gắn liền với độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đoàn kết mọi tầng lớp dân cư, xây dựng nước Việt nam hòa bình thống nhất độc lập dân chủ và giàu mạnh. Ngày nay mục tiêu được phát biểu giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh, nội dung cơ bản vẫn vậy.
Có điều là từ ngày đảng cầm quyền, đặc biệt từ sau mùa xuân 75, lợi ích của đảng được đặt lên cao hơn lợi ích của nhân dân và của dân tộc, thể hiện ở mấy điểm sau đây:
*Đảng giành quyền lãnh đạo toàn diện và triệt để, trong khi đảng không chứng minh được là mình có đủ năng lực để đảm đương trách nhiệm đó, thậm chí đã mắc không ít sai lầm nghiêm trọng.
*Đảng chiếm đa số tuyệt đối trong quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, mặc dù đảng viên chỉ chiếm chưa đầy 5% dân số toàn quốc. Đảng chi phối toàn bộ việc bầu cử đến mức đảng cử dân bầu. và cũng chỉ là bầu hình thức.
*Đảng yêu cầu giải tán các đảng khác trong liên minh cách mạng dân tộc dân chủ, khi chính quền đã về tay mình để độc quyền chính trị trong giai đoạn mới. Đồng thời đảng loại bỏ luôn phản biện xã hội, dẹp luôn phê bình, trong khi tự phê bình ngày một hình thức.
*Đảng viên nắm các vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước và các tổ chức đoàn thể, các tổ chức kinh tế, và hầu khắp các tổ chức khác. Cả khi đã nhận ra một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa biến chất, hối lộ, tham nhũng…mà vẫn giữ nguyên bộ máy đó và cách thức tổ chức đó.
*Mức sống của cán bộ đảng viên được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là người có chức có quyền, trong khi nhân dân nói chung mức sống nâng lên không đáng kể, khổ nhất vẫn là công nhân và nông dân – lực lượng chính của cách mạng; Xuất hiện khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng giữa nhân dân và “đầy tớ” của nhân dân.
*Một bộ phận đảng viên có chức có quyền tha hóa biến chất, chậm bị xử lý, xử lý chưa đúng mức hoặc chỉ xử lý nội bộ, hoặc chuyển lên vị trí cao hơn. Thậm chí còn biểu hiện đảng ở trên pháp luật, ở ngoài pháp luật.
*Đảng độc quyên thông tin, truyền thông, độc quyền tư tưởng. Trong khi đó dân mất quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội…Công dân gần như mất quyền tự do sáng tạo, đặc biệt là trong văn học nghệ thuật.
* Đục bỏ lòng yêu nước, không ghi công các liệt sĩ đã hy sinh ở Hoàng sa năm 1974, ở Trường sa năm 1988 và ở biên giới phía bắc năm 1979. Đồng thời kéo dài ngăn cách chia rẽ đồng bào, chậm hòa hợp dân tộc, đoàn kết toàn dân.
*Đảng thiếu tin dân và cũng tỏ ra thiếu tôn trọng dân. Bao nhiêu vinh quang nhờ xương máu và công của của nhân dân đóng góp mới có được nhưng có bao giờ vinh quang thuộc về nhân dân, mà tất cả đều thuộc về đảng quang vinh muôn năm. Trong khi những sai lầm của đảng trực tiếp ảnh hưởng tới dân thì dân lãnh đủ, còn đảng thì chưa bao giờ có một lời xin lỗi dân về việc đó. Tất cả quyền lợi chính trị, đến quyền lợi kinh tế, từ lợi ích vật chất đến lợi ích tinh thần đảng đều nhận phần hơn trong khi đảng luôn hô trọn đời hy sinh phấn đấu vì lợi ích của nhân dân và của dân tộc. Thực tế chưa thấy đảng hy sinh ở đâu cả, thậm chí ngược lại, và ở cấp càng cao càng vậy, nhất là từ khi đảng đã giành được chính quyền.
Chúng ta có quốc hội, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, công an nhân dân…Nhưng tất cả những nơi ấy đều là đảng, và lợi ích chắc chắn cũng là của đảng trước tiên và trên hết. Còn hình bóng nhân dân, đại diện nhân dân, tiếng nói nhân dân ở những nơi mang tiếng nhân dân ấy hết sức mờ nhạt. Ấy là chưa kể bao trùm hết thảy là các cấp ủy đảng từ trung ương đến địa phương, kèm theo hệ thống đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công đoàn, mặt trận,,, tất tất đều là đảng cả.
Đảng là một bộ phận của dân tộc, đảng viên là một phần trong dân cư, và đảng tự hứa hy sinh phấn đấu cho dân, vì dân, đảng còn khẳng định thêm: mọi lợi ích và mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, thế nhưng đảng lại thâu tóm về mình tất cả mọi lợi ích, mọi quyền lực, thậm chí còn dùng quền lực để đối lập, để đàn áp nhân dân, như thế thử hỏi có công bằng không có văn minh không, có tự mâu thuẩn với chính mình không, có tiền hậu bất nhất không? Tôi tin rằng tổng bí thư cũng đồng ý với tôi về điều này vì tôi biết ông rất nhân văn, không tham quyền cố vị và không tư lợi cá nhân, càng không bị chi phối bởi nhóm lợi ích nào.
Kính thưa Tổng bí thư. Đảng của chúng ta và bản thân ông còn có nhiều điều phải quan tâm khác nữa. Thư này tôi xin tạm dừng ở đây. Tôi thành thực cảm ơn ông đã đọc những dòng này. Và tôi tin là đến đây, vào lúc này ông đang đồng cảm với tôi. Với lòng tin như thế, tôi xin được gọi ông là đồng chí. Kính chúc đồng chí Tổng bí thư sức khỏe.
Kính thư
Võ Quang Luân
28-7-2011.
*****
Thư này dưới dạng viết tay 10 trang A4 tôi đã gửi tới Tổng bí thư qua văn phòng trung ương đảng: số 1 Hùng Vương, quận Ba đình, Hà nội, ngày 4-8-2011, theo dấu bưu điện. Sau hơn một tháng chờ đợi hồi âm, chỉ hồi âm của văn phòng thôi cũng được, mà không có, thì tôi tin như người xưa thường nói: “nhất ì ...”, chắc là Tổng bí thư không có điều chi phản đối. Vậy nên tôi mới lên trang nhật ký này.
8-9-2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét