Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

RCYT: 83. ĐỊNH LUẬT LỚN

Vì lợi ích của con người, cây quế, cây mỡ và cả cây lát hoa nữa đã được trồng thành rừng. Đất Quế chúng tôi hợp với cây quế hơn cả nên chúng lớn nhanh và hầu như không có sâu bệnh. Còn mỡ và lát hoa thì…

Rừng một loại cây, theo tôi nghĩ, đã phá vỡ mất sự cân bằng tự nhiên của hệ sinh thái. Còn bản thân chúng thì bị mòn mỏi đi trong sự chia sẻ ánh sáng nước nôi và dinh dưỡng. Các cây mỡ trồng bên nhau cùng một tầm tán lá vươn lên đón nắng, cùng một tầm rễ tỏa ra hút nước và cùng giành giật nhau một loại dinh dưỡng đặc trưng cho chúng. Cả sâu bệnh nữa, cùng một loại sâu nở ra, ăn hết cây này sang cây khác, lây lan thành dịch. Bởi vậy, rừng trồng thì phải chăm bón, trừ sâu, chặt tỉa. Phải bỏ nhiều công sức ra mới mong giành được lợi ích lớn cho người.

Còn rừng tự nhiên thì khác. Cây ưa nắng vươn lên cao, cây cần râm ở dưới thấp. Tán lá nhiều tầng giữ ẩm quanh năm. Chất mục rữa của cây này làm phân cho cây khác, sinh thái tự nó cân bằng. Đến cả chim chóc muông thú cũng phân bổ cân bằng như thế. Con sâu ăn lá cây này nhưng kỵ lá cây kia, còn chim chóc nữa, cho nên sâu bệnh không dễ gì mà lây lan thành dịch. Tổ sâu nở ra đã bị cô lập và bị diệt đi. Nhờ vậy rừng tự nhiên chẳng cần phải chăm bón gì mà vẫn tốt tươi phát triển.

Thử giải một bài toán về hiệu quả kinh tế này xem: Tùy theo mật độ dân cư, nhu cầu sử dụng, khả năng chăm sóc và khai thác chế biến, kèm theo các lợi ích khác nữa về thổ nhưỡng, thủy văn và dài lâu sau này mà chọn một tỷ lệ phân bố tối ưu giữa rừng trồng và rừng tự nhiên?

Tôi đi trong rừng, lan man nghĩ về bài toán rừng trồng. Đã vào đầu mùa đông. Rừng mỡ bị một loại sâu gì ăn rụi. Đi trong rừng nghe tiếng phân sâu rơi rào rảo như mưa trên lá. Bầy chim lửa ( nôộc phí) đã về bắt sâu cho rừng mà không xuể. Trong khi đó những loại cây khác mọc xen trong rừng mỡ thì lại chẳng hề gì. Giá như chia rừng thành lô, trồng xen kẽ quế, mỡ, lát hoa, và để nguyên cả rừng tự nhiên nữa thì chắc là sâu bệnh sẽ đỡ đi nhiều.

Định luật lớn của tự nhiên là sự cân bằng. Đừng có ý đồ phá vỡ nó. Còn như muốn nặng đầu cân bên này thì cũng phải nghĩ đến cái gì thêm vào ở đầu cân bên kia.

                                                                                                      1984


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét