Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

NHỚ VỀ TRƯỜNG CẤP III QUẾ PHONG NHỮNG NGÀY ĐẦU THÀNH LẬP (P. 2)

II.
Khi tôi được điều lên thì trường ta đã ở địa điểm này rồi, và từ đấy không di chuyển, chỉ có mở rộng dần ra, hay co hẹp dần lại mà thôi. Nhưng mà vị trí đầu tiên của trường thì không phải chỗ này. Theo các trò kể lại, thì vị trí đầu tiên của trường ở sâu hơn, xa đường 48 hơn, bởi ngày ấy Mỹ ném bom miền Bắc, nên phải cảnh giác.
...Đi men hồ bản Bon theo bờ phía bắc và đông bắc, tới một con đập. Ngày xưa thì chưa có đập, chỉ là bờ ruộng thôi, nhưng mà đắp hơi to rộng hơn một chút, quãng giữa có một trộôc nước, dân đi qua phải lội, về sau ai đó ném xuống mấy khúc cây, coi như là cầu. Qua hết cái bờ ruộng đó là đã vào tới bìa rừng. Tiến vào thêm ba bốn chục mét nữa, dưới tán  những cây dẻ, cây ngát có một khoảnh đất được san phẳng, có thêm những dãy giao thông hào. Đấy là chỗ trường ta với một lớp tám lồi.
Đến năm thứ hai (1968-1969) thì dời ra vị trí bây giờ là văn phòng trở vào theo hường đông bắc. Còn chỗ mà bây giờ có cây đa to, lúc bấy giờ là bưu điện. Còn chỗ bây giờ là thư viện trở ra giáp nhà thầy Vũ, thầy Khánh, là cơ quan tư liệu (vật tư nông nghiệp). Sát mé hồ bản Bon, kề bên tư liệu là nhà bà Lăng bán hàng xén nổi tiếng ở Kim sơn thuở đó.
Lối vào trường, cũng là lối đi chung của bưu điện và tư liệu, ở quãng giữa nhà thầy Khánh và nhà thầy cô Tuyên Huyên bây giờ. Hai bên lối mòn là những bụi cây lúp xúp và những vũng trâu đằm, có thêm mấy cây đa to, cây ngát cao và những cây dẻ, cây trẩu, tới một vạt sắn , một khoảnh sân...
Có hai căn nhà ở của giáo viên, mỗi căn ba gian. Cuối sân là căn năm gian chia làm đôi cho hai lớp 9 và 10 quay lưng với nhau. Tách ra một chút là căn nhỏ hai gian vừa dựng cho lớp 8. Sát mé ao là bếp, xịch ra mé ngoài một tí là văn phòng, gọi là thế nhưng không dùng đến. Tẩt cả đều bằng tre nứa lá, dựng tạm, không hề có dấu cưa đục gì. Nhà cửa của hai cơ quan bên cạnh cũng vậy. Bưu điện oai hơn một chút, có cái máy phát điện quay tay, khi nào phát tạch tè thì hai người ngồi hai phía mà quay.
Trường có đủ bàn ghế, bảng đen cho hai lớp trên, lớp 8 dùng tạm bàn bằng phên, còn ghế thì là súc gỗ đẽo bẹp một mặt. Các thầy cô thì có giường đơn, bàn ghế tựa, tất cả đều bằng gỗ vàng tâm. Sách giáo khoa có đủ cả cho trò mượn học. Dụng cụ thí nghiệm thì chưa có gì ngoài mấy bản đồ và một quả địa cầu. Có thêm một quả bóng đá và một quả bóng chuyền da.
Cuối năm 1969 cơ quan tư liệu chuyển lên chỗ bây giờ là viện kiểm sát. Sang năm 1970 thì bưu điện cũng dời đi, lên vị trí hiện nay. Có lẽ mọi người đọc được là thằng Mỹ không thừa bom để ném xuống vùng này nên đã lần lần dời ra nơi thoáng đãng. Trường ta nhân thể đó mở rộng ra đến tầm như nay là khoảng sân trường, từ gốc đa to, đến thư viện hắt trở vào trong.
Cứ hai ba trò chung nhau dựng một cái lán, cái nọ kề cái kia, thành dãy, gọi là ký túc. Có một khóm ký túc ở bên bờ ao thẳng hướng cổng trường bây giờ đi vào, một khóm ở phía sau trường lối men bờ hồ về hướng bản Bon, một khóm ở khoảng vườn thầy Vũ và cô Thiều ngày nay, thêm một khóm ở mé đông bắc của hồ bản Dốn.
Ngoài các lớp học, nhà lán ký túc và một cái sân hẹp là nại trồng sắn, nhìn phía nào cũng thấy sắn. Đất mới vỡ ra tơi xốp, sắn lên xanh tốt, nhiều củ, và thơm ngon lắm, đặc biệt là lành không say.
Năm 70-71, các thầy vào rừng thấy người ta cưa gỗ vất lại những thanh bìa thẳng băng, lấy làm tiếc, vác về. Lao động, cho trò chặt thêm mấy cây cột, dùng mấy thanh bìa làm văng, cưa đục một chút, thế là dựng thêm được một lớp học ngay ngắn rộng rãi thoáng đãng, ở chỗ trước cây đa cao bây giờ, nhìn ra một vạt sắn chưa thu hoạch hết, rồi tới cái sân bóng chuyền…
Những năm 1973, 1974 nhà nước cho kinh phí làm nhà khung gỗ. Kinh phí chỉ đủ để thuê thợ cưa, thợ mộc. Việc chuyển gỗ đã xẻ từ rừng về, việc san nền, lợp mái, đan vách toocxi đều do thầy trò tự làm. Câu thơ của thầy Vũ Đài viết “”Nhớ ngày vác gỗ Na Cày mòn vai’ là chỉ về những năm ấy…Về sau cứ theo đà đó mà xây dựng thêm, rồi lợp ngói cả cho lớp học, văn phòng, nhà ở giáo viên, thư viện. thầy trò khi đó làm được tất, không nề hà một việc gì.
Khuôn viên của trường cũng mở dần ra, trước để trồng sắn, hưởng ứng chủ trương “tự túc lương thực tại chỗ” hồi sau 1975. Đợt đầu ra tới giáp bờ rào của viện kiểm sát, ngược lên phía chân pu Hiêu, ôm trọn vùng lớp học bây giờ. Cả khuôn viên vườn nhà thầy Thanh và nhà thầy Đài, thầy Tuyên cũ cũng ở trong vòng đó. Đợt sau mở lên sát đường bê tông ra nghĩa trang thị trấn bây giờ, tới giáp vườn anh Trung công an, kéo xuôi tận eo đất giáp nghĩa trang, ngoặt ra tới bờ hồ bản Bon (noong Cụt). Diện tích lúc mở tối đa lên gần 4 hec ta. Mấy mùa sau không trồng sắn nữa thì để đất trống, các thầy mới làm nhà và vườn, nhưng vẫn còn dư mênh mông.
Cổng trường những năm 1973 trở đi thì chạy thẳng theo hướng bây giờ là hàng cây giữa sân trường, nối ra đường 48 ở quãng cổng viện kiểm sát. Đó là lối đi ngắn nhất để lên thị trấn, cũng là hướng có lượng người đi lại lớn nhất. Về sau chuyển về vị trí như bây giờ đang có, đi giữa hai phía ao,  thoáng, rộng, khang trang.

Trường ta có thế đất đẹp, vị trí yên ngựa, nằm ở điểm thấp nhất vững chãi nhất trên đường phân thủy giữa pu Hiêu và pu Mai. Hướng về phương bắc, nhìn lên pu Mai, thì bên phải -mạch nước chảy về đông, qua bản Bon, bản Tạng, Na cày... mà xuôi nậm Việc. Bên trái - mạch nước chảy về hồ bản Dốn, qua khe bà Lăng xuôi Na phày... về hợp dòng nậm Giai. Cả nậm Giai, nậm Việc, đều chảy về hợp lưu ở ngã ba sông Quàng Châu Thắng. Vậy là trong thung lũng lớn Kim sơn trường ta ở vị trí cao nhất, lại là chỗ vững vàng nhất. 
      Đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước, khi huyện ủy còn sơ tán ở trong Na pu, người ta đã định lấy khu đất này, đã dựng lán, chuyển gỗ và đưa thợ mộc đến sàm đóng khung nhà, đã đưa máy ủi san nền, (là một phần nền của dãy lớp học nhìn ra thư viện bây giờ) để dời huyện ủy ra. Trường ta phải đấu tranh mãi mới giữ được vị trí này. Cũng biết bao công sức của thầy và trò đã bỏ ra để trụ lại, để dựng xây dần dần từng tí từng chút một, cho tới ngày nay…

Sau gần hai mươi năm đi xa tôi mới có dịp trở lại, thấy trường ta đã đổi thay nhiều, khang trang lên nhiều. Mừng lắm. Nữa rồi, lại chạnh nhớ ngày xưa, mà ôn lại tí ti trong bộn bề kỷ niệm.
                                                                   Còn nữa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét