Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

QUÁN TÍNH CỦA BẠO LỰC

Mọi vật có khối lượng là có quán tính, thậm chí trong vật lý có người xem quán tính và khối lượng là một, bất kể vật ấy đứng yên hay chuyển động.
Con người ta, chắc chắn là có khối lượng rồi, nên cũng có quán tính. Ấy là quán tính vật lý. Ngoài quán tính vật lý con người còn có thói quen, còn có sở thích, còn tham vọng, còn  xu hướng… Và những thứ này cũng mang quán tính.
Xét riêng từng cá thể là vậy, một đám đông cũng có cái quán tính của nó. Một dân tộc cũng thế. Cái quán tính dễ thấy nhất ở nước ta trong gần một thế kỷ qua và cả chục năm nay ở thế kỷ mới này là  quán tính của bạo lực. Quán tính này phải có thời điểm xuất phát, phải từ một sự phát động, như thể trái đất quay từ cú hích ban đầu. Lần ngược mãi lên thì thấy động lực của cái sự vận động bạo lực này chính là mâu thuẫn và sự giải quyết mâu thuẫn, đặc biệt là mâu thuẫn đối kháng. Hóa ra triết học kinh điển đã nói như vậy.
Cái mâu thuẫn đẩy lên đến mức đối kháng thì giải quyết mâu thuẫn chỉ có thể là cuộc đấu tranh một mất một còn bằng cách dùng thứ bạo lực này để thắng thứ bạo lực kia. Khi một phía đã mất rồi, nhưng phía kia vẫn chưa hết lo sợ mầm mống của nó trỗi dậy thì lại phải tiếp tục dùng chuyên chính để trấn áp. Và thế là bạo lực vẫn được duy trì. Đến khi lợi ích đã nắm trong tay, thì nẩy sinh ra nỗi lo sợ bị kẻ khác giành mất, chí ít là lo không nắm trong tay được lâu dài mãi mãi, ấy là chưa kể còn lo sao cho lợi ích ngày một nhiều thêm. Với nỗi lo này, kẻ có lợi ích lại càng phải gia tăng thêm tiềm năng, củng cố thêm lực lượng thực thi bạo lực.
Vậy là bạo lực không chỉ vận hành như một quán tính mà còn được tăng cường, được nuôi dưỡng, được thúc đẩy. Bạo lực không chỉ nằm trọn trong một lực lượng mà lan tỏa, loang ra trong cộng đồng, trước hết ở những kẻ đang cầm đàng cán, đang có vũ khí và trang bị, những kẻ nắm công cụ, rồi sang những kẻ liều lĩnh hung hăng côn đồ, trộm cướp hiếp giết.
Khi người ta không biết căn nguyên từ đâu, hoặc cố tình lờ đi thì dễ nhất là đổ lỗi cho giáo dục, nhất là khi thấy giáo dục cũng có cảnh bạo lực học đường. Đành rằng giáo dục có lỗi, nhưng là lỗi của tay chân thôi, là lỗi của công cụ. Người phải chịu trách nhiệm chính ở đây phải kẻ cầm công cụ. Xa hơn nữa là lỗi của triết học, cái thứ triết học tàn bạo sáng tạo ra mâu thuẫn đối kháng một mất một còn. Và cuối cùng là cái quán tính của đám đông đã một thời quá dài sử dụng bạo lực như một lẽ sống.  Chúng ta đành chấp nhận như vậy, vì đây là một thực tế lịch sử. Rồi sẽ phải khắc phục dần những điều đó, không hy vọng một sớm một chiều.

 Ngẫm lại, bạo lực chưa bao giờ là giải pháp tối ưu cho nhân loại, kể cả khi phải dùng bạo lực chống bạo lực. Còn dùng bạo lực để đối chọi với ôn hòa thì là hạ sách, dùng bạo lực để chà đạp công lý, để đàn áp người yêu nước thì là sai. Không những sai, sai to rồi, mà còn là xấu xa và hèn hạ.
 “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, thì công cụ bạo lực nếu có, phải  là “của dân do dân vì dân” và vì tổ quốc, vì độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của giang sơn đất nước. Đừng để bạo lực tồn tại như một thói quen, một quán tính và cũng đừng lái nó trở chiều quay lại nhắm vào dân.
20-10-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét