Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

QUẾ PHONG CÁI THUỞ BA ĐẦU (p4)

* Ấn tượng đẹp về cảnh quan là bản Phạm của Mường hin. Trên đường 48, qua lèn đá vôi, ngược lên một quãng, bên phải là cánh đồng, tới nữa là dòng sông, bên trái là dãy núi đất, còn bản làng thì ôm lấy con đường gấp khúc quanh co. Bản có nhiều nhà kê tảng, dưới sàn sạch sẽ gọn gàng, các căn nhà mở cửa sổ trông sang nhau, nhìn ra đường cái như là trên phố.
Bản Hữu văn, trên tận cùng của xã Châu kim lại có một vẻ quần tụ dầy đặc rất ít gặp. Có lẽ do thế đất chật, cũng có thể vì một lẽ nào khác, mà người ta làm nhà san sát bên nhau, mái kề với mái, căn nhà nào cũng cao cũng rộng. Có thể đi từ đầu làng đến cuối bản trong mưa mà không ướt.
Sang bên kia bờ nậm Giai có bản Đỏn chám, ở trên đồi cao, trông ra thung lũng lớn, rải rác đó đây những tảng đá trắng, tương truyền là Nang Đọn (nàng Trắng) hóa thân để ở lại với làng với bản, với người thương…
Trung tâm thung lũng Kim sơn có bản Đỏn cớn ở giữa cánh đồng mượt mà phì nhiêu, trông ra bốn phía chân trời thoáng đãng. Xa xa là  pu Hiêu ở đàng đông, pu Tạ chang ở đàng tây, pu Mai, pu Quai mạn bắc và và piêng Panh, pu Kẹp về nam. Tôi đã đến bản này với anh em Quang Trường Sơn và đã có dịp được nghe cụ Sầm Tiến, thân phụ anh Nga Di, kể rằng: Xưa dân ta không ăn hết lúa đâu, phải chờ mùa nước lớn vượt được thác Đũa thì đóng bè mà chở về xuôi… Ngày anh Nga Di về trường thì cả bản đã phải dời vào Lông không rồi. Ngoài cánh đồng, chỗ là bản Đỏn cớn giờ chỉ còn những cây muỗm cây mít cây bưởi trên những bìa vườn bỏ hoang. Bỏ hoang mãi cho tới khi tôi rời QP vẫn vậy. Không hay người ta dời dân đi để làm gì. Không chỉ Đỏn cớn mà cả Na nga, Na phày, Cỏ noong cũng vậy. Miền xuôi cũng vậy thôi mà. Ở quê mình có một thời như thế: “Thay trời đổi đất sắp đặt lại giang sơn”…

* Vài năm đầu khi chúng tôi mới lên Quế phong, tiêu chuẩn lương thực thì vẫn chỉ ngần ấy nhưng mà được mua 100% gạo không hề phải độn. Nhiều tháng liền lương thực bán toàn là nếp, do dân đóng thuế tại chỗ mà có. Những kỳ như thế người không quen ăn nếp, nóng cổ, còn phải kêu trời. Sau rồi không hiểu vì gì mà lương thực chỉ còn bán gạo tẻ hẩm mốc độn ngô xay, có khi độn sắn, độn mỳ bột, tệ nhất là cái thời độn ngô răng ngựa và hạt bo bo.
Trong trường thì chúng tôi có sắn tự trồng. Thầy trò ai muốn ăn thì tự nhổ về mà luộc. Có vẻ như các trò vùng cao không đến nỗi đói nên chẳng mấy khi trò dùng đến sắn. Chỉ có trò ở xuôi lên, đói thật, cả các thầy nữa, gần như đêm nào cũng phải luộc một nồi. Ba cha con thầy Vi Trọng Thái, hai anh em thầy Lê Huy Hạnh, hay cha con anh Phạm Thanh Năm, cha con thầy Lê Nam Bình chỉ có một suất lương thực mà san sẻ ra, không độn sắn vào thì sao cho đủ...

* Những ký ức vui buồn cứ đan xen nhau, khi dồn dập điều này khi loáng thoáng điều kia. Tôi lại sực nhớ ra rằng mình đã có lần say, ngày đó. Không phải say sắn như hồi đói 1954, mà là say rượu, say rượu siêu lẫn rượu cần ở nhà anh Hà văn Thanh, giáo viên cấp I, làm văn phòng trường ta, nhà trên bản Kim khê. Hôm ấy anh Thanh mời cả hội đồng về mừng đầy tuổi cu con đầu lòng. Nói là cả hội đồng cho ghê chứ có năm anh em thôi( 2 thầy đi bộ đội mà chưa có  giáo viên lên thay). Cả tốp giong bộ, lội qua đập tràn Châu kim, lên hết cái dốc là đến.
Bữa ấy là lần đầu tiên trong đời tôi uống rượu. Lại cả siêu lẫn cần. Lại sợ mất lòng gia chủ, lại nể người cao tuổi trong làng, cũng lại phải nhập gia tùy tục, mà nào mình đã biết tục lệ gì đâu, nói gì nghe nấy, không dám chối, thành say. May mà không nôn, còn gắng lội qua đập tràn mà về được. Nhưng rồi váng vất mất ba bốn hôm, đến bữa, đói mà nuốt không vào, mồn miệng đắng ngăn ngắt. Vẫn phải cố mà lên lớp, cái đầu cố giữ cho tỉnh nhưng chân thì bước xéo khoai. Sợ thế!
Chén rượu siêu đặt lên lòng bàn tay trái xòe ra, dâng lên. Bàn tay phải chắp lại trước ngực, gia chủ hướng về khách mà mời, chối từ sao được. Cần rượu vít cong, người già đã đón, mình là khách được xếp uống cùng người già, chối sao cho đành, lại uống. Say,  mệt quá. Sợ nữa. Nhưng mà bù lại, mọi người tin mình, mọi người thương mình. Cũng quý, đúng không.
                   Còn nữa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét