* Tết ở vùng cao đến sớm. Các trường học và cả các cơ quan huyện cũng nghỉ sớm. Thường thường 20 tháng chạp là đã nghỉ rồi. Cái tết đầu tiên - (1969 -1970), chỉ còn hai mẹ con tôi ở lại. Các trò trong huyện thì về ngay chiều hôm ấy, còn các thầy và các trò dưới xuôi thì sáng sớm hôm sau mới í ới gọi nhau, lục tục ra về. Qua cổng trường, mà cũng là cái ngõ nhà tôi, các trò chào, tôi chỉ biết nhìn theo… Trò về hết rồi tôi trở vào nhà với mẹ, rồi lấy bút ghi lại bài thơ:
Các em về
Tôi lặng nhìn theo bóng các em về
Bịn rịn
Các em chào: - Thầy ở lại thầy nha!
-Thầy đừng buồn
-Thầy vui đón xuân qua…
Tôi chỉ biết gật đầu để ghìm lòng khỏi khóc
Ừ các em về
Thầy gửi nhớ miền xuôi
Các em đi rồi
Còn lại mình tôi
Bên cổng vắng tôi dõi nhìn vời vợi
Bên cổng vắng tôi một mình chờ đợi
Các em lên.
* Cổng trường, nói thế cho oai, chứ thực ra cũng chỉ như cái lối vào nại sắn của dân. Nghĩa là nó được định vị bởi hai cái cọc to bằng ống mét có khoét lỗ với mấy cái gióng ngang bằng nứa xuyên qua mấy cái lỗ ấy. Mỗi lần ra vào thì đẩy cái gióng ngang về một phía, qua rồi thì kéo lại, ngăn không cho trâu bò vào bên trong. Tôi đứng ở cái cổng ấy mà nhìn theo anh em, nhìn theo trò trẩy bộ về xuôi…
Hai tiếng về xuôi sao thân thương, sao gợi nhớ nhung đến thế. Không rõ nhớ ai, nhớ cái gì, chỉ biết cồn cào mung lung nỗi nhớ miền xuôi. Và hai tiếng về xuôi như là để nói về nhà, về quê, về với mẹ cha, anh em bà con, về với bầu bạn, về với kỷ niệm tuổi thơ, về với đồng bằng, với biển…
Ngày đó chưa có xe ca lên Quế phong, cho nên phải đi bộ về Quỳ châu( 30km), may ra có xe, nếu không thì cuốc bộ tiếp về Nghĩa đàn (90Km). Ra giêng tới tận mồng 9 mồng 10 học trò và anh em giáo viên mới trở lại trường. Những ngày chờ đợi ấy đối với mẹ con tôi thật là dài thăm thẳm.
Ngày đó chỉ có bà Tùng, bà Khánh làm nồi đất ở dưới Km 119. (cổng trường Km 120) , thêm vài nóc nhà ở Tòng mọ, bên tê nọong cụt có mỗi nhà ông Hưng, bên rừng cà phê có mỗi nhà bà Tài, qua một quãng trống và bụi bờ dằng dặc cả cây số không có ai, lên khe bà Lăng, lên nữa rồi rẽ vào, có nhà bà An và nhà ông Thảo thợ mộc...Lên nữa, lại chẳng có ai, lên nữa mới là bệnh viện. Huyện ủy thì ở mãi trong Na pu, ủy ban thì sơ tán vào bản Dốn, ngân hàng ở trong na Phày... Nhưng mà ngày tết thì cũng chẳng còn ai...
Ngày đó chỉ có bà Tùng, bà Khánh làm nồi đất ở dưới Km 119. (cổng trường Km 120) , thêm vài nóc nhà ở Tòng mọ, bên tê nọong cụt có mỗi nhà ông Hưng, bên rừng cà phê có mỗi nhà bà Tài, qua một quãng trống và bụi bờ dằng dặc cả cây số không có ai, lên khe bà Lăng, lên nữa rồi rẽ vào, có nhà bà An và nhà ông Thảo thợ mộc...Lên nữa, lại chẳng có ai, lên nữa mới là bệnh viện. Huyện ủy thì ở mãi trong Na pu, ủy ban thì sơ tán vào bản Dốn, ngân hàng ở trong na Phày... Nhưng mà ngày tết thì cũng chẳng còn ai...
* Trước đó thương nghiệp và lương thực có bán cho mỗi người cân nếp, mấy lạng thịt, vài bao thuốc lá… gọi là tiêu chuẩn tết. Có thể mua thêm từ dược phẩm vài chai rượu thuốc ngũ gia bì chống phong thấp. Rồi tất cả cùng đóng cửa, cùng nghỉ. Và vắng tanh vắng ngắt từ cơ quan huyện, cho tới lâm trường, ngân hàng, bưu điện, bách hóa, lương thực…
Không có chợ, nên chỉ có bấy nhiêu mua được gọi là tết. Học trò thương tôi, có trò đem cho thịt, có trò cho bánh. Tôi nhớ trò Lộc Chí Xuyết đem cho cả cá, cả thịt đã nấu chín rồi, gói một đùm lá chuối to đùng, thêm cả bánh chưng và bánh sừng bò không nhân nhưng rất dẻo.
Cái ăn nói thế nhưng không thiếu, cái đáng nói là buồn. Buồn vắng lặng, buồn thấm ruột gan, nhất là về chiều và đêm. Ngoài trời thì sương lạnh. Mang toác trên rừng pu Hiêu, koong còi điểm nhịp bên phía pu Mai, dù dì kêu trên ngọn cây ngát giữa sân trường, có tiếng suối trong bản Hăn...Còn thì lặng thinh không một tiếng người… Buồn muốn khóc.
* Ra giêng thì có hội ném còn, hình như không ai tổ chức, tất cả là tự phát, rủ nhau tụ lại mà ném cho nhau. Ở cổng trường ta là ngã tư rẽ vào bản Hăn, bản Dốn, ngược lên Na nga, Na phày, xuôi về bản Bon bản Tạng, thành ra tụ hội khá đông. Con gái áo trắng váy thêu với khăn choàng đỏ, khăn choàng xanh rực rỡ trong xuân mới. Các nàng còn đeo dây xà tích, và quả đào bên hông, đeo thêm vòng tay và cả vòng cổ nữa, tất cả đều bằng bạc, sáng lấp lánh. Còn các chàng trai thì giản dị và có vẻ kém tự nhiên hơn, nhưng cũng hớn hở tươi vui hơn hẳn thường ngày. Những quả còn có tua dài đủ màu sặc sỡ được ném qua ném lại cho nhau. Hình như là rất dễ bắt được quả còn, nhưng các chàng trai thi thoảng lại bắt trượt. Có vẻ như bắt trượt thì bị phạt. Đầu tiên là phạt nhẹ, chàng trai phải bỏ ra thứ gì đó gọi là để nộp phạt như cái bật lửa hay cái đèn pin, hết rồi thì phạt cả thắt lưng, phạt cả áo. Người bị phạt tỏ ra vẫn vui, còn người được quyền phạt thì chắc là vui lắm, cứ cười tít. Vừa phạt vừa cười sao mà vui thế. Phạt thế thì ai mà chẳng muốn bị phạt. Tôi mà có người ném còn cho thì tôi cũng bắt trượt, để bị người ta vừa phạt vừa cười vui với mình. Tiếc là tôi không được nhập cuộc.
Và thế là tôi lại buồn thêm...
Và thế là tôi lại buồn thêm...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét