Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

NHỚ LẠI TRƯỜNG CẤP 3 QUẾ PHONG NHỮNG NGÀY ĐẦU THÀNH LẬP (p1)

I.
Niên khóa 1967 - 1968 trường cấp II Mường nọc có thêm một lớp 8, gọi là lớp 8 lồi, tiền thân trường của cấp III Quế phong. Các giáo viên chính thức đầu tiên là thầy Hoàng Xuân Luyến quê Diễn châu - dạy toán, thầy Đào Nguyên Kỷ quê Nghi lộc - dạy văn và thầy Nguyễn Hạng quê Diễn châu -dạy hóa. Các thầy phải dạy thêm các môn khác như lý, sinh, sử, địa. Học sinh thì hội đủ mọi miền, từ vùng cao Thông thụ, Tri lễ, ra Mường nọc, Mường hin, xuống vùng thượng bù Bài, và còn nhiều trò ở miền xuôi theo cha anh  lên Quế phong.
Năm sau (1968-1969) thì tách hẳn ra, thành trường cấp III, có hai lớp 8 - 9, thầy Luyến làm hiệu trưởng. Trường có thêm thầy Vi Trọng Thái quê Nghĩa đàn - dạy chính trị, thầy Lô Văn Thái quê Châu bính - dạy sinh và thầy Hà Thanh Tình quê Nam đàn – dạy sử. Trường đã dời về vị trí ngày nay, dù khi đó chỉ là một khoảnh rất bé dưới tán cây rừng. ( Vào chung cổng với trường khi đó còn có cơ quan vật tư nông nghiệp, và bưu điện huyện). Học trò đã đông thêm, làm lán tranh tre ở túm tụm chung quanh, gọi là ký túc.
* Sang năm thứ ba, niên khóa 1969 – 1970, trường có đủ ba lớp 8-9-10. Thầy Luyến được chuyển về xuôi, thầy Lô văn Thái làm quyền hiệu trưởng rồi hiệu trưởng. Trường có thêm thầy Lê Huy Hạnh quê Diễn châu- dạy lý, thầy Võ Quang Luân quê Thừa thiên Huế - dạy toán và đặc biệt có cô Nguyễn Thị Tuyết người Hà nội – dạy địa, giữa kỳ I bổ sung thêm thầy Phan Long quê Yên thành – dạy toán. Vậy là đến năm học này trường có đủ ba khối lớp và cơ bản đủ giáo viên cho các bộ môn. Tôi nhớ khi đó lớp 10 có hơn năm mươi trò, lớp 9 chưa đầy bốn chục, còn lớp 8 chỉ có 27 học sinh (hình như là do tư tưởng hẹp hòi trong việc tiếp nhận).
Kết thúc năm học này là có học sinh ra trường. Ngày đó Quế phong phải về Quỳ châu để thi tốt nghiệp. ( Xin bổ sung con số tốt nghiệp căn cứ theo sổ đăng bộ).  Cũng năm đó nhà nước trở lại chủ trương thi vào đại học, và vẫn duy trì việc thẩm tra lý lịch học sinh một cách rườm rà căng thẳng; Vậy mà trường ta có ngay mấy trò vào đại học như Lữ Minh An – Thông thụ, Lộc Chí Xuyết – Mường nọc (sau này Xuyết bỏ giữa chừng, thật tiếc), Trần Ngọc Tờng – Quỳnh lưu, hoặc những trò sau khi đi bộ đội về lại thi được vào đại học như Nguyễn song Toàn – Thị trấn Kim sơn, Cung văn Chương – Yên thành…

* Năm học 1970- 1971 thầy Nguyễn Hạng, thầy Phan Long về xuôi, thầy Vi Trọng Thái trở lại Nghĩa đàn. Bổ sung thầy Nguyễn Văn Ty dạy toán và thầy Nguyễn Văn Danh dạy văn, cùng quê Quảng bình, thầy Lê Văn Hội dạy hóa - quê Nghi lộc và thầy Trần Ngọc Thanh dạy sử  - quê Diễn châu.

Kết thúc khóa II có trò Lang Văn Tiến – Mường hin, và trò Phạm Luận –Thanh chương được đi học nước ngoài. Nhiều trò khác như Cầm bá Quát,  Hà Văn Châu ở  thượng bù Bài vào đại học và cao đẳng. Các trò La Ngọc Châu –Mường nọc, Lô Văn Thanh – Thông thụ là vô địch giải vật tự do và chạy 10km của tỉnh…

* Đầu năm học 1971 -1972 thầy Danh và thầy Ty được điều về Quảng bình, lên thay là thầy Lương Văn An dạy toán –quê Châu hạnh, thêm thầy Ngô Hữu Chánh – quê Thừa thiên Huế dạy thể dục , thầy Lương Văn Tâm quê Châu hạnh dạy sinh, thầy Lô Văn Thuyên dạy KTNN.

Khóa III, đến khi lên tới lớp 10 chỉ còn lại 13 trò do có nhiều trò đi bộ đội từ năm trước. (Xin được bổ sung danh sách học sinh đi bộ đội những năm đó đã được thống kê vào dịp 20 năm thành lập trường,  có cả những trò đã hy sinh). Năm này thầy giáo cũng phải điều động: thầy Kỷ,  thầy Hội và các thầy đã về xuôi như thầy Luyến, thầy Hạng, thầy Long đều đã lên đường nhập ngũ. Thầy Hạnh, thầy Thanh và thầy Luân cũng có giấy gọi nhưng vì thiếu giáo viên để hoàn thành nốt chương trình cuối năm nên gác lại.

Các trò như Ngô Thái Lễ - di dân Mường nọc, Lô Minh Trung (Pặp) – Mường hin, Lê Huy Thạch – em thầy Hạnh, Vi Thị Hằng – Châu tiến được vào đại học và nhiều trò khác đi cao đẳng . Đặc biệt có trò sau khi đi bộ đội đã tiếp tục học lên để có bằng tiến sĩ như Lô Văn Xanh –Quang phong, hay trở thành lãnh đạo như Hà Văn Nam – Châu kim, Vi Văn Thành – Cắm muộn 

* Năm học 1972 -1973, thay thế cho các thầy đã đi bộ đội là thầy Hồ Sĩ Đặng dạy hóa – quê Quỳnh lưu, thầy Lô Văn Múi dạy lý - quê Quang phong, thầy Trần Thức Liên - ở Tân lạc, thầy Nguyễn Văn Thành ở Vinh dạy văn, thầy Trương Đình Vũ dạy chính trị.

Học trò khóa IV ra trường không nhiều nhưng cũng gấp đôi khóa III. Nhiều trò đậu đại học như Trần Văn Xin – Anh sơn, Trần Đình Dũng – Nghi lộc, Đậu Đình Tùng –  Quỳ châu,  và Lô Thị Tâm (con gái đầu của thầy Thái). Cả bốn trò này về sau đều ở Hà nội, và trò Lô Thanh Chương nữa cũng đậu đại học… Có nhiều trò đi bộ đội về sau cũng trưởng thành được cả như  Lộc thị Xoan, Quang thị Hạnh, Mạc thị Hiền, Nguyễn thị Lưu, Vi thi Loan… Khóa này có nhiều nữ sinh đi bộ đội nhất.

* Niên khóa 1973-1974, thầy Lương Văn An được về Quỳ châu, thầy Lang Viết Sinh, cũng ở Quỳ châu lên thay. Cô Tuyết về Nghi lộc – quê thầy Kỷ, thầy Vũ Đài –quê Nam định, lên thay. Cũng kỳ này gia đình thầy Tình được chuyển về quê- Nam đàn. Năm này trường cũng có nhiểu đổi thay về cơ sở vật chất và thầy trò trong những năm này cũng phải lao động nhiều và nặng nhất.

Khóa V cũng có nhiều trò học khá, được vào đại học như Lê Văn Thành, Trần Đăng Khoa, Lô Văn Ngọ, Sầm Thị Hoan, Nguyễn Thị Tuyền, Phạm Thị Xuân… Cũng có nhiều trò đi bộ đội…

Những người mà tôi nhớ nữa, trong thời gian này là chị Lê Thị Can- về trường năm 68, chị nuôi đầu tiên của trường, rồi thêm chị  nuôi Thái Thị Bảy, Nguyễn Thị Mai (71), và các thầy giáo được cử làm văn phòng thuở ấy: đầu tiên là thầy Hà Văn Thanh (69), rồi thầy Vi Văn Từ (71), đều ở Châu kim, thầy Lữ Đình Phạm quê ở Quỳ hợp  (73); anh Phạm Thanh Năm- kế toán (72) chị Phạm Thị Sinh- y tá (72)…

Bồi hồi nhớ lại, thì cũng nao nao buồn khi biết nhiều người thuở ấy nay đã không còn, như thầy Trần Ngọc Thanh, thầy Nguyễn Văn Thành, thầy Lương Văn An, chị Thái Thị Bảy, thầy Vi Kim Tuyền; và các trò đã hy sinh như Vi văn Nam - Thông thụ -KI, Vi Văn Toàn –Cắm muộn -K3, Đinh văn Quang – Thanh chương- K4, thêm trò Lê Văn Như khóa sau sau nữa… và cả những trò bị bệnh hiểm nghèo như Sầm Mạnh Hùng, Lộc chí Xuyết, Nguyễn Song Toàn, Sầm Văn Tuyên (Tuyên toại) KI, Thái Thị Mãn K3, Đậu Đình Tùng K4, Lê Văn Thành, Phạm Ngọc Bình, Sầm Thị Hoan K5… Xin cùng nhớ về tất cả và cầu cho các bạn, các em nhẹ nhàng siêu thoát.
Tôi tạm dừng những điều ghi chép về giáo viên cán bộ công nhân viên những năm đầu thành lập trường cùng năm khóa học sinh đầu tiên ở đây. Chỉ là đôi nét sơ lược, hy vọng có dịp trở lại kỹ lưỡng hơn. Rất mong bạn bè và các trò góp thêm thông tin và cũng rất mong trao đổi tiếp những chuyên mục khác.
                                                                     Còn nữa


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét