III.1
Thầy Lô Văn Thái
Tôi đã gặp ông từ hồi ông còn là sinh viên khoa sinh năm cuối ở Thạch thành Thanh hóa. Năm ấy khoa sinh tập quân sự cuối khóa chung với khoa toán. Ông là giáo viên đi học, làm lớp phó phụ trách đời sống, nghĩa là lo ăn ở cho anh em sinh viên. Khi đó ông đã tỏ ra là người năng động và có trách nhiệm. Chúng tôi cùng trọ một nhà, đúng ra thì ông được gửi trọ cùng với chúng tôi. Rất tiếc, vì chênh lệch tuổi tác, lại học khác khoa nên chúng tôi không quan tâm nhiều tới nhau. Năm sau thì tôi lên Quế phong gặp lại ông mới hay trái đất quả là vừa tròn vừa nhỏ.
Ở ông có tố chất bẩm sinh của người thuộc ngôi quản lý, đặc biệt là quản lý về nhân sự. Và ông có cả những kinh nghiệm, lúc cương lúc nhu, lúc thắt lúc mở biến hóa khó lường. Đang tranh luận căng thẳng với anh em, ông đột nhiên chuyển hướng: - Thôi nhá, mệt rồi. Ông móc túi ra, đưa cho ai đó mấy đồng: Đi mua rượu uống! Sai đúng tính sau.
Nhưng như thế có nghĩa là mọi chuyện đã kết thúc. Có thể ông sai, có thể ai đó sai, chuyện đó không quan trọng nữa, cái cơ bản là ai nói lời cuối cùng. Nhờ vậy mà ông nắm được con người, kể cả giáo viên và học sinh. Ông có tiếng nói tác động được đến ty (sở) giáo dục, đến huyện ủy, ủy ban, thành ra trường cũng được sự quan tâm nhất định ủa huyện và tỉnh. Những năm đầu thành lập, cả nước còn chiến tranh, đường sá đi lại khó khăn cách trở thế mà trường ta được ty lên thăm nhiều lần, điều động đủ giáo viên, cho thêm nhiều đồ dùng dạy và học, rồi dần dà cho kinh phí tu sửa, xây dựng cơ sở vật chất.
Ông có sức khỏe tốt, tửu lượng khá, tai mắt tinh tường, đi rừng cũng giỏi, săn bắn cũng tài.
Ông dựng túp lều tranh tre ở bên hồ Nọong cụt, trên nền của nhà bà Lăng để lại. Ông và các con Tâm, Lan, Thường, và Xoan đều ở đấy mà giảng dạy và ăn học.
Ông dựng túp lều tranh tre ở bên hồ Nọong cụt, trên nền của nhà bà Lăng để lại. Ông và các con Tâm, Lan, Thường, và Xoan đều ở đấy mà giảng dạy và ăn học.
Các con của ông học hành tấn tới. Có hai chị em Tâm ĐH y và Thường tổng hợp hóa, nhưng về sau cùng làm ngân hàng ở Hà nội.
Thầy Đào Nguyên Kỷ
Anh Kỷ da ngăm đen, cơ bắp rắn chắc, cười to nói lớn. Anh giảng văn say sưa, có lúc như lên đồng, thế mới sướng. Cái sự dạy học nó phải thế. Một nửa là khoa học, một nửa là nghệ thuật. Mà đã nghệ thuật thì phải say mới là mình được.
Chữ anh viết rất đẹp, trong vở cũng như trên bảng. Nhiểu trò học với anh đã tập viết theo kiểu của anh, đặc biệt là khóa I, do anh chủ nhiệm. Chữ T hoa anh viết sao mà điệu, cái lưng chữ T không chịu cong mà lại cứ ưỡn ra, nhưng vẫn đẹp, thế mới tài.
Hôm nhận được tin cô Tuyết đã lên tới Quỳ châu, trường cử người đi đón. Anh Kỷ chỉ định tôi, vì tôi nhỏ tuổi nhất, cũng đúng, đàn em mà. Nhưng tôi không có xe đạp và đi xe đạp cũng chưa thạo, lại chưa thuộc đèo dốc, nguy hiểm lắm – mọi người cân nhắc thế, nên thôi. Cuối cùng thì anh Kỷ phải đi, anh là thư ký công đoàn, đúng chức năng rồi. Hai năm sau thì anh chị nên đôi, đám cưới vui lắm, tổ chức ngay tại cái lớp học mà anh em đã dựng có mấy cây văng bằng bìa gỗ vác từ rừng về hồi nọ.
Anh Kỷ chú ý tìm hiểu văn hóa và ngôn ngữ Thái. Anh đã dịch rất hay lời chào dành cho phái đẹp: "Dến xây bò noọng" – thành "yên lòng không em". Hình như ngày trước người dân vùng cao bị sốt rét rất nhiều, trở thành một mối quan tâm lo lắng thường trực. Gặp nhau là hỏi thăm có bị sốt rét không, tức có lạnh trong ruột ( dến xây) không. Về sau thành một lời chào hỏi, và dịch như anh Kỷ là tuyệt hay, rất trữ tình, lại rất ga lăng.
Rồi anh đi bộ đội. Đợt ấy lấy quân dữ lắm, trường ta chỉ có một dúm giáo viên mà điều năm người, đi ba, trả lại hai vì không đủ người đứng lớp. Năm sau cô Tuyết sinh cháu gái đầu lòng. Năm sau nữa thì cô chuyển về quê anh. Hồi ở bộ đội về anh bị rụng hết tóc, chắc là do sốt rét.
Mười mấy năm sau, tôi được giới thiệu đi khám ở bệnh viện lao. Vừa vào tới phòng khám, bác sĩ Thạch trưởng phòng khám- xưa là giám đốc bệnh viện Quế phong đã kêu lên: Ôi, thầy Luân, thầy cũng phải vào đây à, thầy Kỷ cũng vừa nằm sáu tháng ở đây ra!
Giờ thì anh chị đã nghỉ hưu cả rồi, các cháu đều trưởng thành. Cháu trai đang công tác tại Hà nội và đã làm được nhà ở Gia lâm, chắc là sẽ đón anh chị ra một ngày gần đây.
Thầy Phan Long
Khi lên Quế phong thì anh Phan Long cũng đã đứng tuổi rồi, nên anh tự tin và chững chạc lắm. Anh nói cười rất to, rất vui tính và thẳng tuột. Anh truyền đến chúng tôi cái thuyết “Làm sướng”:
- Ở đời ai cũng thích sướng, được khen thì sướng. Mất chi của cụ mà không khen cho hắn sướng. Đấy là hệ tiên đề, không thể chối cãi. Nhưng để hắn sướng mãi cũng nhàm, nó hết sướng đi, thỉnh thoảng phải làm cho hắn đau, rồi sau lại làm cho hắn sướng, như thể bác sĩ vừa tiêm kháng sinh vừa tiêm thuốc bổ.
Anh vận dụng cái thuyết ấy trong cái sự làm quen với ông trưởng cửa hàng thực phẩm. Anh sang đánh cờ với ông, để cho ông thắng mấy ván đầu, rồi anh thắng lại, rồi ông ấy lại thắng. Đại thể thế, cho tới khi ông hẹn: Hôm sau thầy sang nữa nhé. Rồi thấy anh mua được thứ này thứ khác ngoài tem phiếu về cho bếp tập thể một cách dễ dàng…Anh em tôi phục cụ Phan Long lắm lắm. Mãi sau mới biết cụ chỉ là học trò, thầy Bùi Bính ở Thanh chương, cũng dân toán, mới là cha đẻ của cái lý thuyết ấy. Đã từng một thời thuyết “Bùi Bính” khuynh đảo hội đồng Thanh chương I.
Người Yên thành thân mật gọi nhau bằng cụ, nghĩa là cậu, theo cách nói phổ thông. Chúng tôi theo anh gọi nhau bằng cụ, nghe cũng hay. Cụ có thể là anh, cũng có thể là em, có thể là mày tao, kiểu như Tây xưng hô vậy.
Có hôm anh lên rừng vác về một súc gỗ to rỗng ruột, hình như là gỗ đẻn. Rỗng thì nhẹ nên mới vác được. Ai cũng bảo vác thứ đó về làm gì. Anh lẳng lặng đẽo bằng một mặt, kê ngay ngắn dưới gốc cây, thành cái ghế băng cho mọi người ngồi hóng mát ngoài sân. Việc đơn giản vậy mà không ai nghĩ ra, chỉ có cụ Phan Long mới là người làm được.
Ở anh còn nhiều cái lạ, độc nữa. Nhưng mà thôi, để kể ngoài lề.
Ở anh còn nhiều cái lạ, độc nữa. Nhưng mà thôi, để kể ngoài lề.
Anh ở Quế phong có một năm (thực ra có bảy tháng) thì về xuôi, và rồi đi bộ đội cùng đợt với anh Kỷ và nhiều anh khác.
Còn nữa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét