Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

QUẾ PHONG _CÁI THUỞ BAN ĐẦU (p3)


* Những đêm trăng thanh, sương giăng bàng bạc, cây rừng ngủ im, bên đồi cây lúp xúp lối vào bản Hăn, bản Dốn, nghe rủ rỉ tiếng pì, tiếng nhuôn. Tiếng pì buồn, lời nhuôn cũng buồn, âm điệu kéo ra như tiếng thở dài, như thầm thì nhắn nhủ, như hờn dỗi trách móc. Thỉnh thoảng nghe tiếng cười giòn tan rộn lên như tia chớp âm thanh, rồi lại lặng thinh, rồi lại rủ rỉ buồn man mác. Những đêm như vậy, rừng già gần như không ngủ, con trai con gái trong bản cũng gần như không ngủ. Tiếng pì tiếng nhuôn cùng rì rào tiếng suối cứ chảy mãĩ dưới trăng, long lanh buồn lai láng…

* Các cô gái thích mặc áo trắng và đội khăn len màu đỏ. Da con gái Thái trắng hồng, tóc dài xanh mượt. Thuở ấy con gái dưới xuôi chỉ biết màu nâu hoặc màu xanh công nhân, may lắm thì có được màu xanh chỉ lâm, chỉ giang; còn tóc thì khô xác, nhiều cô tóc còn he he lông bò chẻ ngọn. Có vẻ như người vùng cao đủ dinh dưỡng hơn, khỏe hơn và tầm vóc cũng khá hơn. Nhưng đấy chưa phải là khác biệt lớn. Cái khác biệt mà tôi không thể quên là ánh mắt nhìn thẳng, trong veo, thân thiện và tin cậy của người vùng cao, nhất là các cô gái. Không hề gợn chút lườm nguýt, đong đưa, không tỏ ra thẹn thò bẻn lẻn, không len lét sợ sệt, cũng không bợn chút khinh khi, hằn học.  Chỉ có nhìn thẳng hồn nhiên trong veo. Và hình như người vùng cao không thích nói to, các cô gái cũng vậy. Có lẽ trong không gian yên tĩnh, tai con người thính nhạy hơn, chỉ cần nói nhỏ, chỉ cần thầm thì là đủ. Và còn nhiều nhiều những điều, những nét đẹp nữa. Ví như:
Những cô gái bản
Búp tay căng tròn
Chiều về bên suối
Nghiêng mình thon thon...


* Tôi còn ngạc nhiên nhiều nữa khi đi lên cánh đồng Đỏn cớn, hay qua sông nậm Giai sang đồng Đỏn chám, thấy lúa gặt rồi phơi ngay ngoài ruộng. Chụm mấy gốc rạ lại mà gác nắm lúa lên phơi, bao giờ khô, hoặc bao giờ rỗi thì gùi về, không lo cất giữ, không lo ai lấy mất. Ngược lên bản Hữu văn, tận cùng của Châu kim, thấy cối nước giã gạo bên bờ khe, che bằng túp lều đơn sơ, cũng chẳng ai nghĩ phải coi, phải giữ gì cả. Một cộng đồng làng bản như vậy với những con người như vậy, quả là thánh thiện. Tôi cho đó là văn minh, là thiên đường trên cõi nhân gian. Ngày xưa, làng tôi, quê ngoại, cũng vậy. Cũng không hề nghe nói có ai đó bị mất cái gì, dù là nhỏ nhất. Không hề nghe đến từ ăn cắp. Và thuở nhỏ tôi chưa từng thấy thế nào là cái ổ khóa. Rồi căn nhà của mẹ con tôi ở Quế phong cũng vậy, chỉ khép hờ, không hề khóa bao giờ.

* Ôi! Cứ thế này thì tôi chỉ mong trở lại ngày xưa. Cái ngày xưa mà hai người đàn ông gặp nhau trên lối mòn bên bìa rừng, dừng lại chào nhau. Hai người nói với nhau nho nhỏ,vừa đủ nghe, vừa đủ thân mật. Họ hỏi thăm sức khỏe của nhau, đưa hai bàn tay lên trước ngực, nhẹ nhàng xá nhau và cảm ơn. Hỏi thăm sức khỏe ông bà, cha mẹ, lại xá nhau và cảm ơn. Hỏi thăm con trai con gái, con dâu con rể, xá nhau, cảm ơn. Hỏi thăm cháu chắt, rồi bà con anh em nội ngoại… rồi xá nhau, và cảm ơn. Hỏi thăm cây lúa ngoài đồng, con cá trong ao, hỏi thăm con trâu con bò con gà con lợn, lại xá nhau và cảm ơn. Không cần biết mặt trời đã lên tới đâu, hay đã xế về đâu, họ đứng chào hỏi nhau bên đường, nhẹ nhàng, rủ rỉ.

Ôi, ngày xưa! Quế phong!
                                       Còn nữa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét