Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

RCYT: 75 GỐC KHẾ HAI THÂN

Gốc khế hai thân hút sâu trong khe ông Ngãi là nơi tôi vẫn thường tần ngần dừng lại mỗi lúc qua đây. Có thể trong đám lá lặng tờ kia có cả một đàn vẹt vụt chốc bay lên. Chúng bay nhanh như tia chớp, rẽ ngoặt đột ngột, mạnh mẽ, không ngừng kêu quét quét… Còn một khi đã khinh thường tôi thì chúng cứ việc đậu yên trong tán lá, hòa lẫn vào đó mà bình thản tiêu hóa những hạt khế, cùi khế vừa rỉa được.
Tôi gắng quan sát nhưng không hề thấy một chú vẹt nào. Trên cành lủng lỉu những quả khế chín vàng mọng, cùng những quả khế xanh gợi cái vị chua thấu vỏ, và cả những quả khế non cạnh khía quăn queo mà vị chua hẵng còn nhạt thếch. Những quả khế rụng tỏa lên mùi thơm ngọt úng. Thơm ngọt úng là mùi riêng của khế. Thường khi không thơm, chín rồi chưa thơm, úng rụng xuống đất lại tỏa mùi thơm dễ chịu, có ngọt, có chua, có nồng trong đó.
Trong rừng không một phẩy gió. Trên cao không hề một cánh chim bay qua. Nền trời nằng nặng. Phía xa, tít trên đồi cây bụi, đàn chào mào huyên náo nhảy nhót trong tán lá. Chúng hót với nhau một bài ca gì đó do con đầu đàn đậu trên chót cao lĩnh xướng. Chú chim ấy vươn cổ lên, ngẩng cao đầu, rung rung cái mào đỏ thẫm và ưỡn cái ngực trắng bông tròn căng ra mà hót say mê. Niềm vui của chúng tôi không hiểu hết. Đã nhiều lần tương tự, tôi lén đến gần và thấy trong bụi rậm, những con chào mào đang tìm cách đậu sao cho sát bên nhau. Chúng xích vào nhau, hoặc bay sang một cành khác để được đậu sát vào nhau. Cứ thế, cứ thế mà huyên náo không ngừng.
Trong bụi lịm dưới rừng cây gỗ lớn gần gốc khế hai thân nơi tôi đang ngồi bỗng có tiếng đàn khướu rộ lên. Có thể là chúng phát hiện ra tôi, hoặc có thể là, cũng như đàn chào mào kia, đã đến lúc chúng phải tìm cách đậu sao cho sát bên nhau. Rất có thể là đúng như thế vì chúng không di chuyển, chúng vẫn chỉ lau chau ở đúng một chỗ ấy trong bụi lịm.
Tôi cảm thấy sự cô đơn của mình vào lúc này. Mùi thơm khế rụng đậm hơn, đầy vẻ hoang sơ. Cây cối đứng im, cành rũ im, và lá cũng lặng im. Thỉnh thoảng một chiếc lá vàng rụng rơi đâu đó. Đôi cánh bướm hiếm hoi sót lại vật vờ vô định.
Tôi ra về, chậm rãi bước trên đám lá mục. Mỗi bước chân đặt xuống, dưới đám lá lại rào lên. Tôi dừng lại, đám lá cũng im theo. Lắng nghe trong đám lá thì có tiếng lào rào rất khẽ. Tôi bước đi, đám lá lại rào lên. Thận trọng, tôi lấy que khời đám lá ra, thì dưới đó hằng hà sa số, dày đặc những con mối màu nâu thẫm. Chúng nhất loạt rùng mình dưới mỗi bước chân của tôi nên đám lá đã rào lên thành tiếng. Sự rùng mình của mối cũng giống như sự chớp cánh của ong mật vậy. Mỗi lần chớp cánh cả tầng ong dợn lên như sóng.
Ra đến cửa rừng tôi gặp các cô gái lấy củi đang về. Họ vác những vác  củi được sắp xếp cẩn thận theo một chiều cong nhất định, thanh củi to nhất  được xếp sao cho chạm vào vai êm hơn. Khi vác lên bó củi vít nặng hai đầu, trọng tâm sẽ thấp hơn, thế cân bằng hơn. Bó củi đủ cong, người vác chỉ cần đặt tay giữ hờ là đủ, có thể đi nhanh mà không sợ triềng vai. Vả lại bó củi như thế đi trong rừng đỡ vướng dây leo, cành nhánh. Chưa ở đâu trên mọi miền tôi được đi qua, con người biết xếp những bó củi dễ vác như thế.
Chúng tôi chào nhau. Và trong đoàn người có một cô gái chỉ nháy mắt cười khi thấy tôi vác súng về không. Nhưng tôi không buồn vì nụ cười làm nàng rạng rỡ mọi đường nét. Tươi trên đôi môi, vui trong đôi mắt, mũi hơi nhăn tinh nghịch. Nàng bước nhẹ nhàng, lưng ong uyển chuyển. Nàng đi trong đoàn người, leo một lối mòn lên dốc ở quãng yên ngựa, để rồi lại xuống dốc ở mé bên kia, về bản.
Tôi về đến nhà thì gà cũng lên chuồng. Gà mẹ gọi gà con cục cục… còn gà con thì chiếp chiếp khoái trá giành nhau rúc vào dưới cánh mẹ. Thì ra một chiều như chiều nay, tất cả đều phải biết trở về và phải biết xích lại sao cho thật gần nhau. Ngay cả con mối cũng biết sống thành đàn để đến lúc như chiều nay, cùng rào lên dưới đám lá mục.
   1984

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét