Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

NHỚ VỀ TRƯỜNG CẤP 3 QUẾ PHONG NHỮNG NGÀY ĐẦU THÀNH LẬP (p3.2)

III.2 (Tiếp theo)


Thầy Hà Thanh Tình
Anh Tình quê Nam đông, bên bờ nam sông Lam, phía chín nam. Từ hồi có anh Phan Long, anh Tình là đệ tử của cái cách nói “tui với cụ”. Đến giờ, nghĩa là sau bốn chục năm anh vẫn xưng hô kiểu đó.
Anh trắng trẻo, mái tóc bồng bềnh, thư sinh, nhưng rắn. Anh đứng hậu vệ thì không mấy ai qua được. Anh rình, phán đoán rồi cướp bóng rất nhanh, bằm một phát đã phá được bóng lên. Ngoài ra anh còn chiêu bay người đánh đầu tầm thấp rất chi là ngoạn mục. Cách đá ra chân nhanh, rụt về ngay, nên ít khi va chạm, bọn tôi nói vui là không bị mẻ. Chơi mà bị mẻ là lỗ, kể cả thắng. Anh em tôi hay nhắc nhau như vậy. Chơi mà, quyết nhưng lành mới gọi là chơi. Đá chí chết còn gì là chơi nữa.
      Anh có hoa tay kẻ vẽ trang trí báo tường khẩu hiệu. Hầu như toàn bộ phần việc này của trường cũng như của các lớp đều nhờ một tay anh.
Khi rỗi anh rủ tôi đi câu. Anh sắm cần và cả mồi câu cho tôi luôn. Đi cốt vui, tiếc là tôi câu kém quá, hay là cá nó kỵ vía nên không chịu cắn câu. Còn anh thì giật liên tục, được nhiều, về rán lên hai thằng nhâm nhi.
Rồi anh lấy vợ - chị Sửu làm ở huyện ủy. Có chuyện vui: Cứ sắp đến thứ bảy là anh bỏ thuốc, đánh răng thật kỹ, hết đêm chủ nhật về lại hút bù cho bỏ thèm, cuối tuần sau lại nhịn. Thành vợ chồng, hai người trông thật đẹp đôi, hạnh phúc. Vợ chồng anh dựng căn nhà lá hai gian xinh xinh và ấm cúng, trên mảnh đất cũng xinh xinh bên bờ hồ nọong cụt, ngay sau nhà tôi. Cháu gái đầu lòng đặt tên là Quế Anh, sinh trên đất Quế.
Anh em chúng tôi là những người đầu tiên có ý định thuê thợ cưa gỗ làm nhà. Tôi làm nhà tại QP, còn anh thì chở gỗ về quê. Năm 1973 anh được về Nam đàn I, anh chị làm được nhà riêng bên bờ sông đào. Hồi chưa nghỉ hưu thỉnh thoảng tôi có ghé thăm anh chị. Rồi anh lên hiệu phó, rồi hiệu trưởng Nam đàn I, còn tôi thì lặn một hơi dài. Giờ  anh chị cũng đã nghỉ hưu rồi, hai cháu đều trưởng thành cả.

         *****
Bổ sung (2017):   Mùa đông 2013 cha con tôi theo đường 15 đi dần vào Quảng bình, tiện đường ghé qua Nam đàn thăm anh. Nhà anh vẫn chỗ ấy bên bờ đê sông đào. Cổng chỉ khép hờ. Cha con tôi đẩy cổng vào. Vắng lặng. Gọi mãi không ai lên tiếng. Lâu sau, chị Sửu ra, nước mắt lưng tròng: 
- Anh Tình không còn nữa... Anh đi đã gần trăm ngày...
Thắp nén nhang cho anh mà tôi không thể tin anh đi sớm thế. Nhìn anh vẫn như ngày nào, tóc bồng bềnh, mắt cười rất tươi và rất nghệ.


Thầy Trần Ngọc Thanh

Bốn anh em chúng tôi ( Tuyền, Thanh, Năm, Luân) nghỉ hưu cùng một đợt, cùng chưa đủ tuổi hưu, đến giờ đã là hai mươi năm rồi, và một nửa đã về trời. Có thể vì thế mà tôi nhớ anh hơn.
Anh hơn tôi vài ba tuổi, có lẽ thế, vì thấy anh vừa ra trường, vừa lên QP đã tuyên bố có vợ con rồi. Tưởng là đùa, hóa ra thật vì vợ con anh còn lên QP trước cả anh, và tôi đã biết chị ấy vì chị là nhân viên bán hàng ở cửa hàng thương nghiệp huyện, mà cả huyện chỉ có mỗi một cửa hàng ấy, với vài cô bán hàng, và ai cũng phải ghé qua đấy để mua một thứ gì, mỗi ngày hoặc mỗi tuần.
Lớp đầu tiên anh chủ nhiệm chính là khóa 5 của trường( 1971-1974). Đây là lớp có nhiều thành tích học tập và đóng góp nhiều công sức lao động xây dựng trường ngày đó. Học sinh lớp này nhiều trò đi sư phạm, đi bộ đội và  nhiều trò đã trưởng thành. Thầy Lô Văn Ngọ hiệu trưởng là một trong những học sinh lớp ấy.
Anh Thanh năng nổ và quan tâm tới mọi người vì thế trong nhiều năm liền anh được tín nhiệm giữ chức thư ký công đoàn. Nhà anh lại ở trung tâm của huyện nên có nhiều thông tin, mà anh em chúng tôi ngày đó thì thiếu đủ thứ, nhất là thiếu thông tin. Có hôm anh nói nhỏ với tôi: Mình vừa ký sec chuyển 3oo cho… Ngày đó 300 đồng to lắm. Tôi vừa ngạc nhiên vừa thấy anh biết nhiều điều và quan trọng thật.
Anh say sưa công việc, ham đọc sách, cũng rất giỏi làm vườn. Ngày ấy ở QP chưa mấy ai có thói quen làm vườn, vì hầu hết đều dựa vào thiên nhiên kiểu hái lượm, cho nên anh là một trong số ít những người làm vườn khi đó. Thực ra thì quê anh là đất trồng rau và thuốc lào có tiếng. Anh sẵn hiểu biết nên làm vườn rất hiệu quả, trồng được cả bắp cải su hào là những thứ dân Quế phong chưa bao giờ nhìn thấy.
Anh bị đau dạ dày, đã mổ, sức khỏe phục hồi. Anh được vào đảng, có uy tín chuyên môn. Chỉ tiếc một điều, không biết từ khi nào mà anh đâm ra nghiện rượu. Nhiều hôm ghé qua thấy anh ngồi dưới nền nhà, say quá, đứng lên không vững. Anh vẫn có đủ mọi chuyện mới mẻ để nói với bạn bè và luôn có đủ rượu để cùng nhâm nhi, nhưng uống một tí ti thôi cho anh đỡ buồn chứ không nỡ để anh say tiếp.
Có hôm, ba mươi tết rồi, con trai anh còn chạy xuống hớt hãi gọi: -Thầy ơi, lên cứu cậu cháu… - Ừ, không có gì, biết rồi không có gì đâu, Thanh ơi, rồi cũng qua, phải không, ngủ đi, tết rồi, tí nữa là giao thừa… Mình về nhé, mai mình lên…
Thế đấy… Rồi chúng tôi cùng nghỉ hưu. Lần về vừa rồi tôi lên thắp hương cho anh ở trên đồi… Thảnh thơi siêu thoát, nghe Thanh!





Thầy Nguyễn Văn Thành

Hôm có được số máy của thầy Tường, điện về mới hay thầy Tường ở gần chợ Vinh, gần nhà thầy Thành, và thầy Tường cho hay: thầy Thành đã đi rồi.
Anh dạy ở Nam đàn, rồi được điều lên QP hồi 72, năm các thầy đi bộ đội quá nhiều. Anh mồ côi, lại là con một nữa, cô đơn trên đời, nhưng ngày ấy thiếu giáo viên, người ta vẫn điều anh lên vùng cao. Anh dạy văn, có hứng nhất là bình giảng về thơ. Và anh cũng là người để hồn ”mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Lắm khi anh cứ đọc đi đọc lại hoài câu thơ Nguyễn Bính: “Nắng mưa là bệnh của trời …”
Anh ham thể thao và là người có ý thức rèn luyện sức khỏe. Anh tập chạy buổi sáng, xà kép, nhảy cao buổi chiều, cả đá bóng nữa. Anh nhảy cao khá lắm, chỉ mỗi kiểu cắt kéo thôi, thế mà qua sào mét rưỡi, dù anh người chỉ tầm tầm. Là dân thành phố, lớn lên ở Vinh nhưng anh vẫn cố gắng tham gia lao động cùng anh em và học sinh, mặc dù những năm ấy “vác gỗ Na cày mòn vai” chứ chẳng phải nhẹ nhàng gì.
Sau hai năm QP, anh được trở về Vinh, dạy ở Huỳnh Thúc Kháng. Vừa hay tin anh mới nghỉ hưu hồi nào, thế mà nay đã về với trăng sao...



Thầy Ngô Hữu Chánh
Tôi chú ý tới anh không chỉ vì anh là đồng hương Thừa thiên Huế mà vì anh dễ mến và ở anh có rất nhiều điều để nhớ.
Anh là người ham thể thao. Điều đó không đồng nhất với việc anh là giáo viên thể dục, mà phải là một ý thức tự thân, một tình cảm tự tâm mới có được. Anh luôn động viên mọi người tham gia các môn thể thao từ các loại bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn cho tới xà đơn xà kép, nhảy cao, nhảy dài. Chiều nào trên sân cũng có người chơi bóng, hố cát nhày cao nhảy dài luôn có người luyện tập. Và nữa, chiều chủ nhật nào đội bóng của trường cũng giao hữu với một đội nào đó trong huyện.
Anh không phải là người có năng khiếu vận động, nhưng có kỹ năng bắn súng. Anh thận trọng, kỹ lưỡng, bình tĩnh, thực hiện đúng yếu lĩnh. Và thế là: Đoàng! Trúng đích- con mồi bị hạ gục. Anh bắn được nhiều chim thú, với những chuyến đi săn suốt sáng. Đặc biệt nhất, anh đã bắn được con hổ ngay giữa sân trường vào mùa đông năm 1972 - (Tôi sẽ trở lại chuyện này vào một dịp khác).
      Anh chơi thể thao nhưng thích để tóc rẽ ngôi, chải mượt. Trước khi búng một quả bóng anh lại vuốt tóc, sau một cú đánh đầu anh lại vuốt tóc. Điều đó làm cho tốc độ đi bóng chậm lại, lỡ mất một nhịp. Chúng tôi phàn nàn nhưng anh vẫn thế
Anh có tài nấu nướng. Với một con chim cu cùng mấy củ sắn, anh nấu thành một nồi cháo thơm lừng ngọt lịm để đãi mọi người. Anh khỏe, ăn ngủ ngon lành, không có chi phải vội vàng, không cần chi chọn lựa. Rồi anh đón vợ con từ Diễn châu lên. Anh dựng một nếp nhà tranh tre nho nhỏ, mặt đường 48, bên hồ bản Dốn.
Một chiều mùa xuân, tôi nhớ chính xác vì đó là chiều 26 tháng 3 năm 1975, ngày thành lập đoàn, nhưng quan trọng hơn, là ngày giải phóng Huế. Thầy trò chúng tôi đang lao động rào vườn trường thì nghe được tin này, mừng quá. Anh Chánh lẳng lặng vót một que nứa thành ra một con dao nhỏ. Anh đưa ra, nói với tôi:
 - Anh Luân này, trong mình ăn bánh bèo bằng con dao như ri. Tôi nghe và nhìn vào mắt anh thấy nôn nao, ngậm ngùi chi lạ.
Đêm ấy chắc là khó ngủ, anh rủ một người hàng xóm làm ở lâm trường, cùng đi vào sâu trong bản Khối ném mìn.  Gần hai giờ sáng người đó chạy về hớt hải: - Thầy ơi, vào cứu thầy Chánh, mau!
Tôi cùng với mấy trò theo người đó chạy gần mười cây số vào tới nơi thì thấy anh đang nằm trên tảng đá bên bờ sông nậm Giai. Bên anh có một người công nhân lâm trường đội bản Khối, và ngọn đèn dầu. Anh vẫn còn tỉnh. Mìn nổ làm anh bị mất hẳn bàn tay phải, thịt và gân ở cổ tay bị xé nát tươm. Tay anh đã được ga rô, may quá. Chúng tôi đưa anh về viện. Nhờ có thể lực tốt, anh đã nhanh chóng hồi phục...
Sau năm 1975 anh trở về Huế. Chúng tôi không có cơ may được gặp lại nhau. Cầu chúc cho anh chị và các cháu mọi sự an lành.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét