Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

QUẾ PHONG - CÁI THUỞ BAN ĐẦU (p1)

Tôi nhận quyết định lên Quế phong đúng vào sinh nhật mình, tròn hai mươi tuổi. Ngày ấy ty sơ tán ra Diễn châu. Tôi từ Thanh chương xuống Vinh ngày hôm trước, hôm sau ra ty. Ông trưởng phòng tổ chức nói: - Mẹ anh nghỉ hưu à, đã có nhà nước nuôi, anh đi Quế phong! Thực tình trước cái cách nói như vầy của ông trưởng phòng, tôi không biết nói gì hơn. Mà tôi cũng chỉ đoán lờ mờ Quế phong là một huyện miền núi nào đó, vì chưa từng được nghe tên, chứ không biết rõ ở đâu.
Trở về nhà, kể chuyện, mọi người mới cho hay Quế phong là huyện vùng cao tách ra từ Quỳ châu, mà Quỳ châu lại được tách ra từ Phủ quỳ trước đây. Ồ thế thì có nghe rồi, cái tiếng Phủ quỳ, Phủ bọn tôi đã được nghe đâu đó. Ờ chính thế, Phủ bọn là Quỳ châu…
… Sau cải cách ruông đất, cậu tôi bỏ nhà đi ngược lên Phủ quỳ, Phủ bọn. Trên đó có bà Hưng án, cậu tôi gọi là dì, tức mẹ kế. Từ ngày ông Án mất, bà ngược lên rừng tìm cách làm ăn sinh sống, tưởng là mai danh ẩn tích, thế mà đến lúc này vẫn còn cái tên như vậy. Mỗi lần cậu về tôi thấy da cậu bủng ra, cái bụng báng thì căng lên mà người thì tọp đi. Rồi cậu đưa em Thiều đi theo vì ở nhà còn khổ hơn nữa. Nghe đâu giờ thì em Thiều ở Quế phong, có chồng con rồi…
Với ngần ấy thông tin, tôi cõng ba lô, với vài bộ đồ, một mảnh ni lông, cái màn cũ và chiếc chiếu một, lên đường. Một ngày xe xuống Vinh, một ngày xe lên Thái hòa. Bến xe Thái hòa ngày ấy ở trên đồi, tầm nhìn xuống bến xe ngày nay, nhưng mà trên cao, như là quãng đi lên cổng trường cấp III thị xã bây giờ. Giữa bãi đất hoang có một căn nhà lá chơ vơ trống hoác, gọi là phòng chờ và một góc được ngăn ra gọi là phong vé. Không có quán ăn, không phòng trọ, may mà có bà hàng nước có bán bánh chưng. Chiều hôm sau thì có xe ngược lên Phủ bọn.
Ông lái xe có vẻ đã uống nhiều rượu, mặt đỏ gay, nói năng bổ bả bặm trợn. Xe ca ngày ấy đầu máy nhô ra phía trước chứ không bằng đầu như ngày nay, còn thùng xe thì cũng chỉ chứa được khoảng ba chục người. Đặc biệt nhất là xe không có kính, kể cả kính chắn gió phía trước chỗ người lái. Ông ấy cho xe chạy nhanh, xóc dội ngược cả người. Càng kêu, ông lại càng chạy nhanh hơn. Được khoảng gần hai chục cây, đường tương đối bằng phẳng, đến một khúc cua đột nhiên trước mặt có một chiếc xe tải ngược chiều lao tới, tài xế đánh lái đâm ào vào rừng hơn chục thước, rồi thúc phải bụi tre, đứng khựng. May mà trên xe có mấy người sơn tràng ngược lên khai thác lâm sản, họ có sẵn dao, rìu, chặt phá một lúc, rồi lấy chạc rừng cột vào đuôi xe, hò nhau kéo ngược ra. Máy vẫn nổ tốt, chỉ có gãy mất cái chốt đâu ở chỗ nối với cần lái. Tài xế bảo ai có sợi dây tun cho mượn cột tạm. Rồi chiều tối hôm ấy xe cũng lên tới Tân lạc. Trên xe hôm ấy có thầy Bùi Hưng Bang, cùng khóa với tôi, lên Quỳ châu, dạy văn. Anh lên đến nơi rồi, còn tôi phải tiếp chặng nữa.
Đêm ấy ngủ ở nhà bà Hưng án, sáng ra bà cho uống cà phê, đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhấp cà phê. Bà bảo ăn cho no, đường còn xa, bà còn gói cơm trưa cho nữa. Sang đò kẻ Bọn, đi được một quãng thấy rừng bịt bùng dày đặc. Đường ô tô nhưng chỉ có hai vệt mòn, còn nữa là cỏ, tiếp nữa là bờ bụi và nữa là rừng. Đột nhiên có một người từ rừng vọt ra, mặc quần cộc, bên hông có cái bao dao, thòi cán ra ngoài. Tôi khựng lại. Họ không nhìn tôi, cứ cắm cúi đi. Tôi chờ cho họ đi trước. Họ đi bên phải thì tôi đi bên trái, trong bụng dè chừng, có gì thì cố mà chạy. Rồi người đó lại đột ngột rẽ vào rừng, tôi lặng lẽ đi qua, thỉnh thoảng ngoái nhìn lại, không thấy gì. Đường rừng vắng lặng.
Lại qua đò Châu tiến. Cả hai bến kẻ Bọn và Châu tiến đều có phà, có cả nhà cho người chống phà nhưng bộ hành thì đi đò. Lên đến trường Mường hin thì vừa lúc trường làm lễ viếng Bác Hồ. Tỉnh ta tổ chức muộn, chọn nhằm ngày xô viết Nghệ Tĩnh 12/9. Đêm ấy tôi ở lại bản Tạng trong nhà dòng cũ với vợ chồng Nguyên Thiều.
Hôm sau tôi lên trường. Thực là không tài nào nhận ra nếu không có người chỉ cho. Bên phải đường ở km120 có một lối mòn nho nhỏ, rẽ vào, hai bên là bờ bụi, có mấy cây đa to đứng rải rác, những vũng nước và cả những hố trâu đằm, qua cái cổng như là vào nại…
       Mấy đêm đầu tôi ở trong căn nhà gọi là văn phòng nhưng bỏ không. Rải ni lông ra mà nằm vì chiếu còn gửi lại ở Quỳ châu. Đêm đêm nghe tiếng con gì cứ du di dù dì thấy ghê ghê. Hỏi trò, càng ghê hơn khi chúng bảo con ấy ăn thịt người, to bằng người lớn, trông như bà già mang tơi…
 Mấy hôm sau thì cô Tuyết lên…

Hơn một tháng sau nữa thì tôi về Quỳ châu đón mẹ và mự tôi lên. Mự đi cùng với mẹ cho yên tâm. Mự ở với vợ chồng Nguyên Thiều một thời gian rồi lại về quê, đợt sau mới lên ở hẳn. Còn mẹ tôi ở Quế gần hai chục năm trời, và tôi thì còn ở lâu thêm nữa…
Tôi không thể nào nhớ hết những cảm nhận ban đầu của mình về Quế phong, cũng không thể kể ra theo thứ tự, nhưng mà tôi sẽ cố ghi lại, trước hết cho mình, sau nữa cho những ai cùng lứa với mình, rồi những ai như mình, và… cho những ai sau mình muốn biết đến ngày xưa…

* Có lẽ ấn tượng đầu tiên, là các trò vùng cao sao nói tiếng phổ thông giỏi thế. Tôi ngạc nhiên khi các trò chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác một cách tự nhiên, nhẹ nhàng uyển chuyển, hầu như không có một chút vấp váp gì. Có thể có vài từ hơi khó, phát âm chưa thật chuẩn nhưng ngữ pháp thì không hề sai. Về sau thì tôi nhận ra ngữ pháp của cả hai ngôn ngữ hoàn toàn như nhau, vốn từ cũng sáu bảy chục phần trăm là giống nhau, nên mới có được sự thông hiểu ấy. 
   Tôi nói ra ấn tượng này với trò, và Lô Văn Xanh thật thà:
- Cũng khó lắm đó thầy. Hồi đầu em chỉ nói được mấy chữ không chi không mô, không chi không mô. Suốt ngày em cứ nói đi nói lại có mấy từ đó mà không hiểu chi cả...
      Một ấn tượng nữa cũng gắn với ngôn ngữ là tên của trò hầu hết được đặt theo tiếng phổ thông cả về âm tiết và ngữ nghĩa như là Mạnh Hùng, Minh An, Ngọc Loan… Ngược nữa, đến tên của các bậc phụ huynh cũng vậy.  Điều đó cho hay ngôn ngữ phổ thông và ngôn ngữ Thái đã có sự giao lưu pha trộn từ rất lâu rồi, và các dân tộc đã hòa hợp cùng nhau cả về địa dư và phong tục, cả về nhận thức và tình cảm.

* Trước khi lên QP tôi đã từng biết về rừng hồi còn ở Quỳnh lập, hay ở Thanh chương, hay ở Thạch thành, nhưng chỉ là biết thoảng qua, còn nay mới thật là sống với rừng, sát bên rừng, lọt thỏm giữa rừng.  Điều lạ là rừng ở đây không có gai, lạ nữa là không có lá han, hay còn gọi là lá nải, hễ chạm vào là ngứa, rồi đau, rát như phải bỏng, rồi sưng tấy lên. Rừng ở đây cũng không có nhiều dụi trùn to ngang bãi phân voi choẹt loét nhớp nháp như rừng Thanh chương. Phải nói là rừng ở đây lành và sạch. Chỉ có điều ngày ấy cây cối dày đặc quá, thành ra có cảm giác ngột ngạt, độ ẩm trong không khí quá cao, khó thở, và nữa là hạn chế tầm nhìn. Ngày ấy thấy hạ được cây nào là thoáng ra chỗ đó, là thấy đỡ ngột, đỡ vướng, thấy sáng ra, vòm trời rộng thêm ra một chút. Nhưng mà còn chiến tranh nên cũng phải giữ gìn ngụy  trang…

    * Hai trạng thái sinh lý của người mới lên vùng cao là buồn ngủ và ăn không biết no. Dân gian vẫn gọi là ngã nước. Ngủ nhiều, nhưng giấc ngủ không sâu, và sau khi thức dậy thường không được tỉnh táo. Trong người thấy mệt mỏi, trì trệ, nặng nề, chậm chạp. Phụ nữ ngủ nhiều thì tăng cân, mập ra, nhất là các cô giáo vùng cao, nhưng mà trông không khỏe.
     Còn đói thì là đói quá rồi. Một là do khẩu phần lương thực chỉ có thế. Hai là chẳng có rau canh gì ngoài măng luộc, măng chua, đu đủ. Thay đổi thì hái ngọn sắn, luộc lên, chấm với nước viên canh hòa ra. Không nữa thi rau tàu bay. May mà có sắn củ. Sắn trồng quanh lán ở, trồng quanh lớp học, nhiều lắm. Tháng 9 tháng 10 thì củ đã to. Sắn lại ngon, thơm, bột mịn. Đêm nào các thầy cũng luộc sắn, lục cục dưới bếp, rồi nướng, bọc lá chuối hay giấy báo nhúng nước mà nướng. Thơm, ngon! Ăn không biết no. May sắn lành, không say, qua được cái đói...


                                                          Còn nữa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét