Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

CÁI ĐÓI 54

     Cái đói khủng khiếp 1945 tôi chỉ biết qua sách báo, qua ảnh tư liệu. Còn cái đói 1954 thì tôi được chứng kiến từ đầu, được nếm trọn.
     Trận lụt năm ấy là lớn nhất từ khi tôi nhận biết cho tới bây giờ. Nhà tôi ở bên sườn núi, nên lụt không tới. Nhưng đứng ở nhà tôi thì nhìn thấy rõ nước đang lên rất nhanh trên con sông Rộ chảy ngang trước cửa. Những ngày ấy mưa rất to, nhưng vừa mưa vừa nắng. Rồi nước từ rào cấy (sông Lam) tràn sang phá lỗ ngay dưới chân núi, bên cạnh gốc đa cổ thụ, ào ạt đổ xuống rào con (sông Rộ), tạo ra một vệt xói lở kinh khủng dưới gốc cây gối, làm cây gối đổ. Cây gối ấy to ghê lắm, ba bốn người ôm không xuể. Nó đổ xuống rồi thì trước nhà tôi chỉ còn hai gốc đa cổ thụ nữa thôi. Ngày trước ba cây to cao như nhau, chụm lại che mát cả vùng bến bại, làm nơi nghỉ ngơi cho bà con đi làm đồng mỗi trưa, mỗi chiều về qua.
     Dòng nước phá lỗ dừng lại khi mực nước hai sông ngang nhau. Đứng trên núi nhìn xuống xóm, nhìn ra đồng, tất cả trắng lăng, không bờ bến. Người dưới xóm kết bè chuối, chở nhau lên núi. Nhà tôi chật cứng người từ dưới nền lên trên chạn. Ngoài triền núi có thêm những túp lều dựng tạm.
     Mấy ngày đầu chưa đói ngay, còn có cái ăn, thậm chí còn có cả thịt lơn, thịt bò. Lụt lên nhanh quá, nhà ai không kịp đưa lên núi thì bò lợn bị chết.
      Lúa ngoài đồng mới cúi bông thì ngập, mất trắng. Mẹ tôi nuôi dở lứa tằm, đành chèo bè hái dâu, tôi ngồi trên bè với mẹ, nhìn thấy bông lúa chìm sâu dưới nước.
    Lụt ra là bắt đầu đói. Làm sao qua được cái đói thì tôi đã viết rồi. Lại có cả cải cách, đấu tố. Đêm đêm mẹ đi dự đấu tố đều đưa tôi đi cùng. Tôi ngủ gà ngủ vịt, thỉnh thoảng mở mắt thấy có người đứng chỉ tay, nhui nhui vào mặt người quỳ dưới đất mà nói gì dữ tợn lắm.
    Gia đình cậu Cả bị quy địa chủ. Mự Cả uất ức không chịu nỗi, tự quyên sinh. Cậu Cả bị quản thúc trong cái lều con dưới hố đoạn bến Khính. Ấy thế mà hồi mới cướp chính quyền, cậu Cả là chủ tịch ủy ban kháng chiến của xã Kim bảng (nay là xã Võ liệt). Cậu Hai tôi cũng bị quy là phú nông. Mà cậu Hai là đảng viên 30, mãi sau này công nhận lão thành cách mạng. Tôi nhớ ả Cúc con cậu Hai, lấy chồng, thì cha chồng cũng bị quy địa chủ, lại còn bị bắn, mà Cụ cũng từng là đảng viên 30, ả phải quay về ở với cậu mự.
     Bà ngoại ở với mẹ con tôi. Bà già yếu lắm rồi. Ông ngoại là học trò cụ giải San. Ông thi đỗ giải nguyên sau thầy của mình một khóa. Ông không ra làm quan, nhưng trong dân vẫn gọi ông là cụ Giải.(*)  Ông lại ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh, bị Pháp bắt giam và chết trong nhà lao Vinh. Mãi sau này Ông được công nhận là liệt sĩ. Lại nói về bà, chịu đựng những tháng ngày đói khổ và cay cực như thế, người bà cứ khô dần đi. Một bữa bà dặn mẹ tôi: Con kiếm cái gì bán được, mua cho mẹ ba tờ giấy bản. Hôm sau bà nhắm mắt. Ba tờ giấy bản là để đắp mặt cho bà, chứ lúc bấy giờ lấy gì mà khâm liệm cho chu tất được.
     Mộ bà cách nhà không xa. Đưa bà ra mộ, tôi nhớ mình được giao cầm cây cờ triệu. Dựng đứng cây triệu thì tôi giữ được, nhưng khi đi qua tán cây, phải nghiêng cây triệu xuống thì tôi cũng bị chúi theo, gượng mãi mới dựng lại được.
     Dồn dập bao nhiêu là sự kiện, cái đầu bé tí của tôi làm sao mà chứng kiến, mà phải ghi nhớ, thế mà nhiều cái không quên. Ông Ngô là em ruột ông Giải, cùng học với cụ giải San, hai anh em đỗ đồng khoa. Ông Ngô ra làm quan. Năm 45 ông bị bắn. Mặc dầu bây giờ ông đã được gọi là chí sĩ yêu nước, nhưng khi đó thì bà Ngô và các cậu, các dì khổ lắm. Nhà cửa, đồ đạc bị tịch thu, bà và các dì các cậu phải ra ở cái chuồng bò bỏ không dưới gốc cây đa. Ngày ngày các cậu các dì mò cua bắt ốc mà lấy cái ăn. Rồi cái nồi đất để luộc ốc cũng bị người ta đập bể mất, đành vun lá đa, đốt lên mà nướng.
      Tôi còn thấy sách vở của hai ông, toàn bằng chữ nho, bị người ta chất lên thành đống rồi châm lửa đốt. Cái nền đất đốt sách ấy là sân nhà bà Xoán, tôi nhớ chính xác như thế, nhưng bà Xoán không liên can gì tới chuyện này.
     Cậu Dinh, con ông Ngô cũng bị quy địa chủ, bị tịch thu hết sạch. Cậu bỏ quê đi ngược lên phủ Quỳ, phủ Bọn, làm thuê qua ngày. Cậu bị sốt rét rừng, sưng lá lách, phải mang cái bụng báng. Mự Dinh và mấy đứa ở lại làng trong cơ cực. Tôi nhớ dáng mự với cái cào bé tí, ngồi bệt xuống đất mà cào mà cuốc từng nhát con con xuống mảnh đất cũng con con, gần đình.
Ông Lương, em của ông Giải và ông Ngô thì đã mất, còn bà Lương cũng bị quy địa chủ, bị tịch thu hết cả. Ông bà vốn ăn ở hiền lành, ông lại không đậu đạt gì, không gọi là quan, chỉ thường dân thôi. Đến khi đói quá bà Lương phải đi mót, nông dân có người thương còn dấu cho cả lượm lúa trong đống tóoc… 
  Chỉ quanh chuyện nhà với chuyện bà con mình, tôi đã đủ để bể cái đầu, không biết sao tôi còn nhớ.
     Vì nhà tôi ở trên rú, nên tôi được thấy người ta trồng hai cái cọc ở dưới eo, quãng giữa trại cậu Hai và trại ông Tám Dờn. Dưới chân cọc có hai cái rọ như là rọ lợn nhưng dài hơn nhiều. Hồi sau thì người ở đâu kéo về rất đông. Tôi còn nhỏ, chỉ nhìn thấy lưng người khác. Rồi có tiếng nổ chói tai, sau mới biết là tiếng súng. Đám người giãn ra, người ta kéo hai cái rọ có xác người trong đó, ngược qua eo, sang mái rú bên phía rọng ao mà chôn. Hai cái mộ ấy không có nấm, mà chỉ khỏa bằng, lâu ngày thì lõm xuống. Lũ chăn bò chúng tôi gọi là mả địa chủ.
     Cái đói, cái khổ, cái gì nữa tôi không biết hết, là những ký ức đầu đời của tôi, khi tôi bắt đầu có trí nhớ tương đối rành rọt. Lớn lên tôi có hỏi lại mẹ. Có điều thì mẹ trả lời, có điều mẹ im lặng. Có người mẹ biết tên, có người mẹ không nhớ. Có lúc mẹ nói: -  Thôi con đừng hỏi nữa.
     Rồi cái đói 54 qua dần đi, rồi có sửa sai. Rồi các anh, các chị con cậu Cả, cậu Hai, các em con cậu Dinh, các dì các cậu con bà Ngô với cả bà Ngô nữa, cả bà Lương và các dì con bà Lương, lần lượt đi khỏi làng, đi không còn một ai. Nhiều người đi bộ đội, đi thanh niên xung phong, ơn trên không ai bị thương tật gì. Dẫu cái lý lịch còn đè nặng nhiều năm, nhưng bây giờ ai cũng trưởng thành, ở khắp mọi miền đất nước. Mỗi khi gặp nhau ai cũng ngậm ngùi, nhất là mỗi dịp lẻ tẻ về quê.
                                                   11/5/2011
    
(*) Về sau tôi biết ông Giải có vào triều nhận chức quan lúc mới đỗ đạt, nhưng rồi ông đã từ quan, về quê bốc thuốc và dạy học.
    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét