Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Phá để xây


       Đã có một thời cái gì không phải là của riêng mình thì đều muốn phá. Ban đầu là phá đình, rồi sau là phá đền chùa. Những chiếc cột cổng đình làng Đại định xây bằng gạch với vữa vôi mật, hoa văn phù điêu đắp bằng vôi giã cùng giấy bản, có gắn những chiếc đĩa ở bốn mặt, không biết có tội tình chi mà đập đổ tất. Rồi biến đình thành kho hợp tác, thế là còn may. Có nơi còn cho tháo rời, ngói đưa lợp chỗ khác, khung gỗ biến thành trại chăn nuôi, bậc thềm đá xanh đập bể nung vôi bón ruộng.
      Quê tôi có đền Bạch mã là một trong bốn đền nổi tiếng ở xứ Nghệ, nay đi qua không còn nhận ra được nữa. Ngoải Quỳnh phương có đền Cờn, đứng đầu các đền chùa về quy mô và về sự linh thiêng cũng bị phá tan hoang vào thời hô hào “thay trời đổi đất sắp đặt lại giang sơn”. Nay nghe nói dân tình đã góp công góp của xây dựng lại rồi, cũng là tin vui, nhưng cũng chỉ là xây được cái khung cái vỏ còn cái hồn vía, cái linh thiêng thì xây sao được. Giá mà đừng phá thì hơn.
      Trước đó, đã có cái bị đốt như là sách vở chữ nho, có cái băm vụn chia ra như chia quả thực, cuối cùng người được chia cũng không giữ được cho mình. Có những điều lớn hơn, ví như địa bạ - cơ sở pháp lý để quản điền địa có từ xa xưa đã thành nền nếp cũng đem đốt tuốt để cho mấy chục năm trời công thổ quốc gia gần như vô chủ.
    Những việc như vầy có kể cả năm. Chỉ dừng bấy nhiêu, để nêu câu hỏi, vậy ra người ta phá để làm gì?
      Nghe nói bên Tàu, ngày trước cụ Mao có nói: “Phá để xây”. Nghe phong phanh, lại còn nói thêm “xây để phá”.
      Phá thì thấy rồi, còn xây cái gì ở quê thì chưa thấy rõ.  Đình làng thay bằng sân kho, rồi thì sân kho hợp tác đến giờ hấu hết không còn. Giếng làng cũng lấp, chưa thấy được thay bằng cái gì hơn. Cây đa với lũy tre làng cũng mất, mà chưa thấy có cây gì thay được. Hát xoan hát ghẹo, chèo tuồng ví dặm… mất dần, cũng gần như mất luôn ca trù cho dù đã được công nhận là di sản của nhân loại. Ngày nay trẻ con não nề nhạc trẻ, người lớn tuổi hơn chẳng biết hát gì, cũng chẳng còn gì để nghe…  
     Cái không đáng phá thì đã phá. Còn như lý trưởng chánh tổng bị bắn hết rồi thì nay công quyền hành chính lại vẫn “hành là chính”. Quan huyện sờ tay đáy đĩa vét mấy đồng chinh không còn thì nay lại có bề trên xòe tay nhận lót phong bao tiền đô đút cặp. Cái này đáng phá, nhưng phá rồi lại tự mọc lên, có khi còn mọc khỏe hơn nhiều nữa.
    Chưa có thiết kế, chưa lên dự toán , chưa có thực lực, nào ai có dám phá nhà mình mà ra ngủ bụi. Nhưng mà đằng này lại không phải nhà mình, cũng chẳng phải nhà ai cả. Đình ở giữa làng, chẳng phải của ai. Rừng vàng biển bạc cũng vậy, chẳng của người nào. Ca dao hò vè, lý lơ xoan ghẹo, chẳng của một ai cả. Tất tật chẳng của gì mình, muốn xây cái mới phải phá cái cũ, thì đấy, chẳng của ai, cứ phá tha hồ.
      Một thời hô hào làm chủ tập thể, thì mình là chủ mà không phải chủ, còn chờ tập thể, nhưng vẫn là chủ, lại càng mung lung hơn, càng phá nhiều hơn. Nhất là khi người ta không sợ ma quỷ, không nể thần thánh, không gì linh thiêng nữa cả, chỉ biết duy vật thực dụng, bỏ qua duy tâm siêu hình, thì phá càng mạnh.
     Ai càng phá mạnh càng là tích cực, càng là tiên phong, càng có cơ thăng tiến. Không mất của mình mà được thăng tiến thì anh nào chả thích. Sau mấy chục năm như vậy, chưa ai thống kê, nhưng ai cũng từng chứng kiến không biết cơ man nào những cái bị phá.
     Ngay thời nay thôi, bao nhiêu đất đai bờ xôi ruộng mật đem san lấp đi, chẳng biết để xây cái gì, thành dự án treo, cứ bỏ hoang để đấy năm này qua năm khác. Ngay giữa lòng thủ đô, hội trường Ba đình với giá trị lịch sử có một không hai cũng bị san phẳng đi, để trống hoác một mảng bên đường Bắc sơn, đã mấy năm rồi, mặc cho bao người ngay từ đầu phản đối.
     Cho đến bây giờ, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, bao nhiêu cái có thể phá, cơ bản đã phá đi rồi, mà quy hoạch tổng thể cho cái cần xây thì vẫn chưa xong, thậm chí còn mịt mù dò dẫm. Nói chi đến bản thiết kế cho mỗi một nghành, mỗi một địa phương, mỗi một công trình,  nói chi dự toán ra sao, vốn liếng thế nào, nhân lực từ đâu?
     Phá thì dễ, nhất là phá các vật thể. Phi vật thể khó phá hơn, nhưng với thời gian, không ít cái đã bị phá. Một thể chế, muốn phá còn khó hơn nữa, có khi phải đổ máu, nhưng rồi cũng phá được. Còn như xây cái mới thì khó hơn nhiều, khó hơn rất nhiều, nhất là muốn xây nên một nền văn hóa mới, hay là một thể chế mới tối ưu. Chỉ tiếc một điều người ta không lường hết những cái khó ấy trước khi đập phá những cái cũ.
    Thế mà trước đó, nghĩa là trước khi đập phá, chúng ta đã có một cái thuyết. Ôi! Lý thuyết. Lý thuyết “phá để xây”.
    Phá rồi mà chẳng biết là xây cái gì, hình dung cái ấy ra sao!
                                                                                                       14-5-2011.      




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét