Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

NGƯƠI THẦY CỦA TÔI


        Năm 1972 tôi được gặp cụ Sầm Văn Phú. Cụ có cháu nội học với tôi. Cụ xuống trường họp hội cha mẹ học sinh thay cho thân sinh của trò. Sau buổi họp Cụ ghé qua nhà thăm mẹ con tôi. Giữa lúc vui câu chuyện, cụ nói: Tiếc quá, tôi yếu rồi, không thể hướng dẫn cho thầy tập khí công được.
         Đây là lần đầu tiên tôi được nghe nói đến khí công, mà người nói cho tôi hay là ông cụ vùng cao đang hiện diện ngay trước mắt tôi đây. Tôi mừng quá, lại ngạc nhiên quá nữa. Trước kia tôi chỉ nghe nói tới khí công trong các sách kiếm hiệp mà bọn trẻ chúng tôi đọc lén trang được trang mất. Nay tôi được nghe Cụ nói ngay tại nhà mình, thật xúc động quá đỗi. Thì ra Cụ đã từng theo cụ Giải San sang Nhật, mà ông ngoại tôi lại là học trò của cụ Giải, cũng từng sang Nhật. Chuyện cứ thế mở ra.
-  Thưa Cụ, khí công nghĩa là gì ạ.
-   Nghĩa là công phu luyện khí, đó thầy. Cái lý của nó là thế này:
    * Sinh khí nói chung, dưỡng khí nói riêng, là thứ dường như vô tận trong trời đất. 
    * Trong lục phủ ngũ tạng của con người chỉ có tạng phế là có thể điều khiển được. 
    * Vậy thì hãy dùng tâm chí của mình mà điều khiển hơi thở sao cho thâu nhận được tối đa sinh khí của đất trời, vũ trụ!
     - Ôi! Cụ ơi! Thật tuyệt vời! Cháu cảm ơn cụ. Quả là chưa bao giờ, chưa ở đâu cháu được nghe một tam đoạn luận nào tuyệt vời như vậy. Chỉ ba câu mà lay động tâm can, mà khắc ghi tức khắc vào trí não, nhớ như in mãi không phai.
      Sau đó mấy tháng tôi có mua được cuốn sách đầu tiên nói về khí công của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện dưới cái tên dân dã “Thở đúng thở tốt”. Sau thời gian dài tiếp nữa là cuốn “Khí công” của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng và rồi có những cuốn giới thiệu về khí công khác nữa. Tôi chưa thấy sách nào nói được cái gốc, cái cốt lõi của khí công súc tích, dể hiểu và chính xác như lời của cụ Sầm Văn Phú.
       Cụ nói thêm: Tập khí công, phải công phu lắm và phải tập từ khi còn trẻ; 14, 15 tuổi mà tập là tốt nhất. Tôi bây giờ yếu rồi, chỉ nói sơ sơ với thầy như vậy chứ không tập được nữa.
       May là tôi còn có nhiều dịp về Châu kim thăm Cụ. Dẫu không dám phiền Cụ truyền dạy cho mình môn học đòi hỏi nhiều thời gian và lắm công phu này nhưng trong tâm trí tôi Cụ mãi mãi là người thầy tuyệt vời nhất đã khai mở cho tôi một sự nhận biết, một cách tư duy và một ý thức rèn luyện sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần. 
        Lần lần tập theo nhiều sách khác nhau, nhưng tôi luôn lấy ba câu của Cụ làm chuẩn.  Tự cảm nhận, tự chắt lọc, rồi hai mươi năm nay tôi tập một phức hợp ioga  trên nền tảng thuận theo hơi thở. Ơn trời, ơn đời, đặc biệt ơn Cụ và các thầy thuốc, từ ngày cái phổi được chữa lành tới giờ đã 35 năm tôi chưa phải vào viện lần nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét