Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

LÀM SAO QUA ĐƯỢC CÁI ĐÓI


    Dẫu còn nhỏ nhưng tôi nhớ cái đói năm 1954. Lụt ra là bắt đầu đói. Cậu cháu tôi chờ cho tắt mặt trời mới đi đào rau má. Đám cỏ ngày trước nay phủ dày một lớp phù sa, đã khô nẻ ra. Ở chỗ nẻ, cỏ nhoi lên, lẫn vào đấy là mấy lá rau má. Cứ đào cả mảng ấy lên cho vào đúa mang về, rủ đất, rủ cỏ ra mà nhặt những sợi những lá rau má lẫn vào trong đó. Rửa rau cho sạch rồi thái nhỏ, cho vào nồi khấy đều cùng với thứ nước gì loảng thuếch, múc ra bát mà ăn. Mẹ bảo là cháo rau má.
    Không nhớ là được ăn như thế bao lâu thì chuyển sang ăn bánh khúc. Rau khúc mọc ở bờ sông, có lẽ nhờ lụt ra nên tốt lắm. Mẹ con đi hái về, cho vào cối quết cho nhuyễn, nắm thành từng viên, đem đồ chín thành bánh khúc. Cầm viên bánh đen thui, nói xin lỗi, đen như cứt chó, mà ăn, chẳng thấy ngon gì, thua xa rau má.
     Mẹ tôi ngày một yếu đi, tay chân bị phù mọng lên, dưới làn da chỉ thấy toàn nước. Mẹ đem nong nia ra tráng lấy nước cho có chất cám còn bám dính vào đấy thôi ra mà uống như là thuốc.
     Có một ít gạo cứu tế. Tôi thấy gạo rất trắng, chưa từng thấy gạo trắng như thế bao giờ. Mẹ đem chia nhỏ ra, nấu cháo. Rồi mẹ đi làm thuê, hay đi đâu xa lắm. Hôm nào cũng chập tối mới về. Tôi ra đầu truông đứng đợi. Có lần mẹ về, trong thúng có củ sắn, tôi xin mẹ: cho con cầm. Rồi tôi đi chậm lại, bóc củ sắn ra ăn sống. Ăn được một mẩu thì đầu quay chong chóng. Tôi dúi củ sắn vào bụi, lần về nhà. Mẹ hỏi sắn đâu, tôi lờ mờ nói con thu trong bụi. Nhìn tôi mẹ biết tôi say sắn, người lấy lá khoai lang vắt nước cho tôi uống để dã. Sáng ra tôi đi tìm củ sắn dúi trong bụi, may quá, vẫn còn.
     Dần dà thì có thêm lá khoai, rồi có khoai non để ăn. Rồi có ngô. Trẻ con chúng tôi bẻ cả cây ngô tước vỏ mà ăn, cũng có chút vị ngọt, không được như mía, nhưng cũng tàm tạm.
     Trận đói sau lụt rồi cũng qua, nhưng no thì chưa có. Chúng tôi cứ lóc lẻm thèm đủ thứ. Thứ gì cũng thấy ngon cả. Thả bò lên rú thì đi tìm sim, tìm móc. Sim móc hết thì ăn cả mua, ăn lá chua nghút. Hết quả ngấy (mâm xôi) thì ăn đọt ngấy. Ăn quả chạnh châu, ăn quả duối, ăn cả quả mây. Sau mùa thì mót khoai mầm, sau mưa thì mót lạc nổi. Được củ nào ăn sống ngay củ đó, nhiều khi không kịp rửa. Dưới hố dưới hác thì có quả sắn thuyền, ăn no được. Quả gôm thì cực ngon nhưng mà không mấy khi được nếm. Rồi thì ổi rai, rồi tắt hôi, bưởi đèn, dái mít, du da, quả lội… không có thứ gì ăn không chết mà không ăn.
      Trời rét thì phân công đứa coi bò, đứa kiếm củi, đứa mò dam. Than đượm rồi thì nướng dam mà ăn. Ốc cũng nướng được, cá tôm gì cũng nướng được. Mùa dế sa thì đổ nước mà bắt dế, rồi cũng nướng. Bắn nỏ cao su được chú chim cũng vặt lông đem nướng, gọi nướng xăm, ngon không tả xiết.
      May mắn nhất là tìm gặp được kho lạc khô của quạ khoang cất dấu. Giữa ngày đói giáp hạt mà được vốc lạc này thì còn gì bằng. (Chuyện này dài, tôi đã ghi trong Rừng chiều yên tĩnh, xin trích vào dịp khác).
      Cứ thế chúng tôi lớn lên, như gà như vịt, mở mắt ra là bới, là mò, tìm cái ăn cho đến tối mịt. Chúng tôi vẫn đi học, vẫn chăn bò, cắt cỏ, vẫn đùa vui vô số các trò, nhưng chúng tôi không quên tìm cái gì ăn được. Có lẽ nhờ thế mà không đứa nào phàn nàn về cái đói cả. Chỉ bây giờ nhớ lại mới thấy là lũ chúng tôi ngày đó chưa biết no bao giờ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét