Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

TIẾNG CHUÔNG NHÀ THỜ

        Về Hà đông gần bốn năm rồi mà sáng sớm nay mới nghe thấy tiếng chuông nhà thờ. Không hẳn là do thường ngày dậy muộn, hoặc ồn ào huyên náo. Có lẽ là do tâm mình chưa tĩnh. Nay nghe thấy rồi, lại nghĩ, biết đâu là nhờ có một chuyến đi...
       Chuyến vào nam vừa rồi, khi về tới địa phận Hà tĩnh thì trời sáng. Dễ dàng nhận ra những tháp chuông nhà thờ vút cao trên nền xanh của cây vườn, của đồi núi, đồng bãi. Nhà dân, hàng quán, chợ búa, thậm chí cả trường học, trạm xá cũng không thể nhận ra vì khuất lấp trong cây cối vườn tược và những khoảnh rừng non, nhưng nhà thờ thì trông rõ, vươn cao nổi bật giữa nền trời. Có nhiều tháp chuông nhà thờ đang xây, giàn giáo chồng nối nhau cao lên, cao lên mãi.
          Tôi vốn không có đạo, ban đầu tưởng thế là hay vì không phải ràng buộc vướng bận. Nhưng rồi, càng có tuổi càng như thấy thiếu một điều gì. Dần dần mới nhận ra là thiếu đức tin. 
       Khi còn trẻ khỏe cứ nghĩ tự tin vào chính mình là đủ. Lại nghĩ là tin vào tương lai tươi sáng, tin vào lý tưởng. Rồi các thần tượng, rồi lý tưởng, rồi tương lai, cái thì xa xôi mù mịt, cái thì ảo tưởng mơ hồ, cái thì sụp đổ. Nhiều khi không biết nên tin cái gì, tin ai. Lòng tin ngày xưa như bị đánh cắp, mới có đó mà quay đi quay lại đã bay đâu mất.
        Đang khi bối rối như vậy mà nghe một tiếng chuông, tự dưng thấy tĩnh tâm hơn. Dẫu chưa biết rồi đi hướng nào, nhưng mà đã đỡ bối rối. Có khi nhờ thế mà lần ra được một lối đi chăng.
       Có hồi tôi đã định nghĩa: Đạo là con đường để đi; Hơn thế, là để đi trên mọi con đường; Hơn nữa, là để không có đường mà vẫn đi được. Nhưng tôi không có đạo, tôi đi về đâu, trên con đường nào? Tôi không có đạo làm sao có đủ bản lĩnh để đi trên mọi con đường? Làm sao để không có đường mà vẫn đi được?
       Chừng ấy để định nghĩa về đạo vẫn là chưa đủ. Đạo còn là cái lẽ huyền vi chi phối vạn vật và mọi sinh linh. Biết sao là có đạo để hòa được vào trong cái lẽ huyền vi ấy mà vận hành cùng trời đất, vũ trụ và để chung sống hài hòa cùng muôn vàn sinh linh khác?
        Thiên Chúa ư, Phật Thích ca ư? Tôi tin là tốt cả, nhưng tôi vốn không có đạo. Tôi có được học chút ít về chủ nghĩa Mac -Lênin, về tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi mong đó là đạo, cho mình có đường mà đi. Nhưng không ai bảo đó là đạo cả, kể cả những người trọn đời nghiên cứu về nó, sống nhờ nó, thậm chí nên công nên danh nhờ nó. Họ không bảo đấy là đạo vì họ thiên về duy vật: “vật chất có trước”, “vật chất quyết định ý thức”, và bằng cách đó họ có được các lợi ích vật chất khác nhau, có thể có cả quyền lực nữa. Nhưng họ không bảo đấy là đạo vì họ sợ rơi vào “duy tâm siêu hình”, và còn là- tôi đoán vậy- họ sợ phải tu tập như một đạo sĩ...
        Nhớ lại một lần vào tới Nha trang lúc quá nửa đêm. Cuốc bộ dọc đường Lê Hồng Phong đến một lúc thấy ánh đèn rực sáng, thì ra nhà thờ đang mở cửa cho giáo dân đi lễ. Tôi đứng nép bên cổng nhìn vào, trên vai còn trĩu ba lô. Bỗng từ phía trong có người nhẹ nhàng đi ra, đến bên tôi, nói nhỏ: mời anh vào. Tôi ngỡ ngàng và lúng túng, vì tôi không ngờ, cũng lại vì tôi không có đạo. Tôi lưỡng lự, rồi nhẹ nhàng lấy cớ có việc phải đi gấp trong đêm, mà xin dịp khác. Không hiểu sao, từ xa ngoái lại vẫn thấy người đó dõi theo mình.
       Cũng từ dạo ấy, tôi lần  đầu tiên mua được cuốn sách viết về đạo Phật của một tác giả là cư sĩ người Thái. Cuốn sách đại cương này viết theo cách của nhà khoa học, súc tích, mạch lạc, cho tôi thấy giáo lý nhà Phật chặt chẽ như toán học vậy.  Tôi tin ở giáo lý này, tôi tin đức Thích ca, và tin các tăng ni thực tâm tu hành. Nhưng tôi không thể chỉ nhờ có thế mà có đạo. Tôi còn nặng nợ, không dễ gì giải thoát tham sân si để về bên Phật. 
      Nhưng mà, tôi vẫn mong có một đức tin để sống, có một con đường để đi, ít nhất cho tới cuối đời. 
     May sao rạng sáng hôm nay tôi nghe được tiếng chuông nhà thờ điểm nhịp. Hay chăng trong tôi đã có chút tĩnh tâm, đã có chút đức tin!
                                                      4/5/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét